Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là lực lượng lao động chúng ta đang đứng ở đâu và phải làm gì?
Có lẽ nên tránh để người Việt nói về… người Việt, chúng tôi phải dẫn tư liệu nghiên cứu của các tổ chức nước ngoài.
Theo Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Am Cham), sự bành trướng dân số và lực lượng lao động tại Việt Nam trong hơn 25 năm qua là yếu tố chính trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư tại Việt Nam. Nền tảng để nâng cao hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh tại Việt Nam là năng suất lao động.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy chương trình giáo dục tại Việt Nam đã lỗi thời, giáo viên gặp nhiều khó khăn, lương thấp; sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng sẵn sàng làm việc tại khu vực kinh tế tư nhân.
Để tiếp tục thu hút đầu tư và nâng cấp kỹ năng lao động, chính phủ cần hành động thêm để hiện đại hóa và nâng cấp hệ thống giáo dục quốc gia, cụ thể là trình độ đại học và đào tạo nghề.
Hiện đại hóa giáo dục sẽ bảo đảm Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng của các nhà quản lý, kỹ sư, và kỹ thuật viên sản xuất, xây dựng, theo đó nâng cao chuỗi giá trị khi kinh tế phát triển.
Ngoài ra, doanh nghiệp đang định dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam sẽ phải quan sát kỹ lưỡng để xem xét rằng liệu lực lượng lao động có các kỹ năng cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Đó là một trong những vấn đề gây chú ý tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt (VBF) vừa qua. Dòng dịch chuyển lao động (nếu thuận lợi) sẽ là động lực cho Việt Nam phát triển. Tuy nhiên đã qua thời thu hút đầu tư bằng lao động giá rẻ.
Ngay như Quảng Nam, một thời lấy tài nguyên thiên nhiên và lao động giá rẻ làm nền tảng để thu hút đầu tư, thì nay cần phải xem lại.
Nên cần lưu ý vấn đề như Báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (KoiCham) tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam vừa rồi, rằng “một trong những lo ngại của chúng tôi là về nguồn nhân lực. Sự gia tăng đầu tư của các công ty Trung Quốc ở phía bắc Hà Nội đang làm tăng sự rò rỉ nhân lực, đây là một vấn đề đối với các công ty Hàn Quốc trong tất cả lĩnh vực.
Thứ hai, là về những đề nghị hỗ trợ cấp quốc gia. Đặc biệt, khi đầu tư vào khu vực miền Trung, các doanh nghiệp đang gặp phải khó khăn vì thiếu nhân lực chất lượng cao và chi phí lao động đang tăng lên.
Thứ ba, là về khía cạnh ổn định chi phí lao động. Chúng tôi đã đầu tư vào Trung Quốc và khu vực Bình Dương ở miền Nam Việt Nam và đầu tư hàng trăm triệu đô la vào Quảng Nam thời gian qua. Chúng tôi mong muốn chính phủ Việt Nam có chính sách ổn định chi phí lao động tại Việt Nam”.
Sẽ đến thời không thể kêu gọi đầu tư bằng mọi giá và chấp nhận lao động giá rẻ. Dòng dịch chuyển của phân công lao động theo chuỗi giá trị toàn cầu đòi hỏi Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng cần thích ứng bằng sự đổi mới chính sách.
Ngay như Nhật Bản đã có khoảng 300 ngàn thực tập sinh người Việt, nhưng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) vẫn nhận định rằng,Việt Nam đang đối mặt tình trạng thiếu hụt kỹ sư do sự thâm nhập của các công ty nước ngoài và số lượng ngày càng tăng của các công ty trong lĩnh vực sản xuất. Do đó cần thiết phải phát triển đội ngũ kỹ sư có trình độ ở Việt Nam. Đã có những trường hợp trong đó người lao động bị buộc phải làm trong môi trường làm việc nghèo nàn.
Bất cứ câu chuyện gì về hiện đại hóa, hãy bắt đầu từ con người, từ lực lượng lao động. Năm 2020 mở ra chặng đường mới của Việt Nam nói chung, Quảng Nam nói riêng, cũng phải bắt đầu ở việc dịch chuyển và nâng chất lực lượng lao động.