Chuyện đồng bào Ca Dong ăn trầu vốn thể hiện qua hệ thống truyện cổ suy nguyên do nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Bổn sưu tầm, in trong cuốn Truyện cổ các dân tộc thiểu số miền núi chứ không đợi đến bây giờ được biết nhiều hơn qua “làng không say” ở Bắc Trà My. Nhưng hai miếng trầu, xưa và nay, có nhiều khác biệt về góc nhìn.
Miếng trầu trong truyện cổ Ca Dong được chép bởi sự tích về việc hình thành trời, đất, núi, sông. Chuyện kể rằng, thuở xa xưa ở vùng phía đông núi mẹ Ngọk Linh có ông khổng lồ tên là Rờ Xí sinh sống. Ông to đến nỗi chỉ bàn chân cũng đã bằng một cái rẫy lớn. Ông không lúc nào ngồi yên một chỗ, mà đi khắp bầu trời này. Những chỗ Rờ Xí qua lại nhiều lần, bàn chân ông làm cho mặt đất lồi lõm: chỗ thấp thành thung lũng, sông; chỗ cao thành núi. Còn đồng bằng? Có lần, Rờ Xí ngồi dựa lưng vào núi Ngọk Linh, nghỉ ngơi và ăn trầu, vui vẻ trong lòng, ông đâm nghịch lấy bàn chân chà qua chà lại trên đất, thế là thành một vùng đồng bằng ở phía đông Ngọk Linh bây giờ…
Miếng trầu xuất hiện trong truyện cổ như thế đấy, dù chỉ là chi tiết nhỏ. Nhưng chi tiết nhỏ ấy lại hé mở về tập tục của một tộc người.
Còn nhớ gần 10 năm trước, khi lần theo những “bến không chồng” ở Nam Trà My, chúng tôi không chỉ bị ám ảnh bởi những ánh mắt buồn bã của sơn nữ Ca Dong mãi đến bây giờ, mà còn nhớ hoài câu chuyện về… rượu. Lội vào những nóc bên kia cầu Nước Là, chừng nửa buổi sáng đã gặp vô số thanh niên đang túm tụm ở nhà để nhậu. Hỏi cánh đàn bà con gái đâu, họ “hồn nhiên” chỉ tay về hướng rẫy… Mà chẳng riêng gì cánh đàn ông Ca Dong. Thử lên các vùng núi cao Quảng Nam, cánh đàn ông Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xê Đăng đều thích rượu. Đã có số liệu thống kê cho thấy hằng ngày, tỉ lệ thời gian dành cho lao động mưu sinh của đàn ông ít hơn phụ nữ.
Nhưng chuyện đàn ông Ca Dong ở “làng không say” chuộng trầu cau, ghét rượu không phải là điều quá mới mẻ. Có khác lạ chăng chính là bởi thói quen này xem ra “tương phản” với hình ảnh nhậu nhẹt la đà thường thấy ở vùng cao. Không mới mẻ, bởi từ xa xưa tổ tiên người Ca Dong, người Co ở Trà My đã có truyền thống ăn trầu. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng còn khẳng định các tộc người này thậm chí ăn trầu nhiều hơn đồng bào dưới xuôi, vì thế bộ tộc Co còn có tên “bộ tộc Trầu”. Hình ảnh cây cau khá quen thuộc ở những nóc, và trầu cau đi vào lễ nghi, tín ngưỡng của những tộc người này chứ không phải rượu.
Vậy nên, chuyện đồng bào vùng cao ở đâu đó “nói không” với rượu chẳng phải mới, chẳng điển hình nhưng lại lạ và cá biệt. Ở đó, đồng bào quay về với truyền thống của tộc người mình, hay nói cách khác, đã bảo lưu truyền thống. Đây là điều kiện thuận lợi để nếp sống văn hóa mới bám rễ sâu, nếu chúng ta biết cách vận động, biết đánh thức tập quán tốt đẹp, chí ít cũng để giảm thiểu nạn chè chén say sưa kéo theo bao nhiêu tệ nạn và hậu quả đau lòng.
Đâu phải chỉ miền xuôi mới dùng miếng trầu làm đầu câu chuyện...
HỨA XUYÊN HUỲNH