1. Xe bắt đầu chạy từ 6h40 ở bến xe trung tâm Đà Nẵng. Chạy đến Trung Phước cũng chỉ 4 người khách, vài bao tải đựng áo quần của đại lý nào đó. Khách khứa còm cõi, chẳng trách xe cũ nát, chạy như... rùa đau thận, 10h kém mới thả tôi cái bịch dưới dốc dẫn lên đài Truyền thanh - truyền hình huyện Nông Sơn.
Thị trấn Trung Phước. |
Ít bạn đồng hành quá, nên người ta mau thành kẻ thân mật. Chị nói ra thăm con ở Đà Nẵng. Cả ba đứa con đều ngụ cư đi học chốn này, nên cuối tuần, nhớ con quá, lại nhảy xe đò ra. Thước phim tỉnh lược về hai phần ba đời người hiện ra. Ba người Đà Nẵng, mẹ dân Đại Lộc, giải phóng ra, họ dắt díu nhau từ quận 3 (Sơn Trà) lên Nông Sơn. Ba chị mất, 4 mẹ con bu xe đò lên tới Quế Sơn rồi đi bộ miết lên Quế Lộc. “Chị không làm ruộng được, vì sợ đỉa”, chị cười thật hiền, nhớ lại. Thế là dứt khoát bỏ ra Nông Sơn gánh than kiếm tiền. Hình như trời sinh ra, mỗi người có một thế mạnh, vấn đề là số phận có đặt để trúng chỗ để họ cựa quậy thành nhân rồi thành danh. “Hồi đó nghèo đói, mà răng lạ, gánh than cực quá, chị chuyển qua buôn mía, trái cây, bán lời quá trời, dân Vĩnh Điện, Hội An lấn lên mua, tiền bắt đầu có, đổ vàng cất”. “Bà già nói chi không?”. “Bả la chửi, nhứt định bắt về Quế Lộc, lấy hết vàng, nhưng chị lỳ ra đâu có chịu. Nhiều lúc có tiền, mua đồ ăn, nghĩ mẹ và 2 đứa em ở đó cực khổ mà khóc, ước chi có họ ăn uống cho vui”. Tần tảo, bươn chải miết, rồi chị cũng mua được miếng đất ngay chợ bây giờ, dựng cái nhà. Lúc nớ, chị quyết định “đánh bài ngửa”, buộc mẹ và em ra ở. “Trời ơi, mấy đứa em nghe rứa, nhảy lên mừng, đi liền đi liền, bà già cũng ậm ừ xách gói theo”. Chị cười thành tiếng.
Cây trái Đại Bình, chờ một sức bật vươn xa hơn. |
Ngó chị, không hiểu sao hình dung lại những cú xóc thuở lối về Nông Sơn chưa thảm nhựa, đong đưa những phận người một đời sống dưới chân núi, mọi thứ như cách biệt, xa xôi, nhưng khi bước vào ngõ Trung Phước, mọi thứ lại mở ra hấp dẫn và kỳ bí. Với tôi, chốn này lắm kỳ nhân, kỳ thảo, những câu chuyện liêu trai, và tất nhiên, có cả một thứ mà cả Quảng Nam chỉ có một, là hoa trái Đại Bường. Nó nuôi dưỡng hương hoa, cả ý chí và bản lĩnh của những tiều phu, những người đàn bà gạo chợ nước sông, lam lũ và không ít... liều mạng, quyết đổi đời mình, như sẵn cái rựa trên tay, phát rừng mà đi, chỉ tới chứ không lùi. “Ừ, rồi chị có chồng, ổng học lái xe, hết xe khách đến xe ben, chạy miết, nhớ lại, hồi đó cực kinh hồn, mà răng nhanh thiệt, chừ ngó Quế Trung, chợ Trung Phước kín dày người, chứ hồi nớ loi nhoi lắm”. Hết gánh gồng, bỏ mối trái cây, nuôi ba đứa con học, chị chuyển qua mở quán ăn.
Xe đến nơi, tôi chào chị và đi. Trưa, đói bụng quá, tôi tìm chỗ ăn cơm. Ngẩng lên hỏi khách ăn chi, hóa ra là chị. “Về là lao vô làm món liền em, khách ăn quen rồi, mình chị nấu nướng, phục vụ chứ ai mô. Nghĩ mình cũng lạ, cả đời, cái chi cũng một tay mình...”. Chị tên là Lan, quán cơm ngay chợ.
2. Tôi theo cầu Nông Sơn rẽ về Đại Bình. Dọc đường trung tâm huyện, cát phủ còn đó, nhưng qua hướng cầu, ngó xuống rồi ngó lên, thở dài đánh thượt. Kinh hoàng là cát lở. Chiều ngồi bên quán sát sông, khi tôi buột miệng rằng cát bồi dữ, Sơn gạt liền, mô phải, anh quên rồi hả, triền cát ra tuốt ngoài xa, chừ còn một khúc, nó lở đó, bờ trên bên ni cũng lở, lụt nhanh, nước lớn nhanh, chảy kinh luôn, dồn tuốt hết, có kịp bồi chi đâu. Rác vắt vẻo trên dây trụ điện. Tôi vào trong làng. Anh Ngô Phi Cang, tổ 1, than liền: “Vườn em ở đầu cầu, trụ (bưởi lông), hồng, quýt, chết cả mớ. Nước tới đâu, cây chết, lá cháy tới đó, cây đã cho trái 2 - 3 vụ rồi, lá rụng đầy gốc”. Giọng anh xót xa. Dân ở đây nói, năm này lụt lạ lắm, mấy năm trước cũng lút, nhưng cây đâu có chết. “Em nghi nhiễm độc” - anh Cang nói. Mấy ông già thì khẳng định do lụt ngâm lâu, bùn đóng dài ngày, nên cây chết. Nhiều cây khô nửa thân, vẫn sống, nhưng chắc mùa tới, chất lượng trái sẽ giảm. Những con số liệt kê dài ra. Vườn nào cũng bị. Đau nhất là mấy chục ngàn nhánh cây chiết, được đặt cọc trước, mỗi nhánh 30 ngàn, chết sạch. Đất nà bị cào sạch phần tốt, còn trơ lại mặt sỏi cỏ, cải tạo không biết bao giờ xong.
“Trời làm, mình chịu, đành thôi chứ răng anh” - ông Trần Kim Tâm nói. Hết tháng này, cây sẽ ra hoa, ráng chăm đến tháng 7 thu hoạch. Tôi chạy trong làng, cát phủ dày lối đi. Nắng đã hửng chút. Người ta đã dọn dẹp khá lâu rồi, nhưng cát vẫn bày sa trận. “Sang năm, không biết sẽ răng, cầu trời”. Ông Tâm nói. Nhiều nhà, con cái đem kéo lớn, dọn, cắt những hàng ô rô, chè tàu cho gọn ghẽ. Lụt đã qua rồi, tôi ngó họ dọn vườn cho đẹp, cây lá vẫn xanh như chưa từng có bùn rác càn quấy, đọc trong mắt lá những chồi biếc chuẩn bị cựa mình. Ôi, ai đó đốt nhang, bay thơm lừng, xôn xao mùi nhang trầm ngày tết rồi...
3. Bí thư Huyện ủy là anh Thái Bình, cho tôi con số thiệt hại lũ vừa rồi chừng hơn 10 tỷ đồng. Ở ngay thượng nguồn, họng nước có bao nhiêu, đều dộng xuống, nên hễ lụt là Nông Sơn bao giờ cũng bị ngập trước, mà ngập sâu. Sang năm, Nông Sơn kỷ niệm 10 năm lập huyện, thì năm nay, kinh tế xã hội của huyện là khá nhất trong chừng ấy năm, nhiều điểm sáng đã xuất hiện; nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt, cho thấy nỗ lực lớn của toàn huyện, mà cái đích cuối cùng là thoát khỏi đói nghèo (tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 là 18,04%, giảm 11,55 % so với 2016), lại nộp ngân sách về cho tỉnh, khi tổng giá trị sản xuất hơn 1.100 tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch, tăng 12,3% so với năm ngoái; thu ngân sách gần 72 tỷ đồng, bằng 147,66% kế hoạch tỉnh giao...
“Nói vậy để thấy, lũ lụt dân mình quen rồi, nó chỉ là một phần khó khăn trong cả một năm trời phấn đấu và phát triển rõ rệt của huyện, điều quan trọng là đi tìm bài toán phát triển bền vững” - anh Bình nói. Thế mạnh Nông Sơn rất rõ: Du lịch sinh thái; phát triển và chế biến từ rừng. “Ngoài Đại Bình, huyện đã nhân ra trồng cây trái ở Quế Trung, Quế Phước, Quế Ninh, Quế Lộc một số loại cây” - anh nói - “Bưởi Đại Bình ai cũng biết, nhưng để tạo cho nó có tên tuổi thương hiệu chính danh, làm ăn quy củ, thì chưa, mà chưa thì phải làm. Mùa có trái chín, khách về đông như đi hội. Nó mở ra cơ hội, là phải làm khác. Tỉnh đã đồng ý đầu tư làng sinh thái hữu cơ ở đây, làm cây sạch, trái sạch, chứ không kiểu mạnh ai nấy làm như lâu nay; không phải một mùa, mà phải làm cây trái mùa”.
“Tôi đi nhiều huyện miền núi, nghị quyết tỉnh nói bao nhiêu lần, nói lâu rồi, về chuyện cây dược liệu dưới tán rừng, nhưng vẫn cứ loay hoay không có lối ra rõ ràng, lạ thiệt”. “Đúng, Nông Sơn đã và đang nghĩ chuyện đó. Vừa rồi có doanh nghiệp đặt vấn đề làm thí điểm về dược liệu” - anh Bình nói - “Chứ nói thiệt, công nghiệp, dịch vụ ở Nông Sơn không phải là thế mạnh, chưa nói là khá khó khăn. Bảy xã, 32 nghìn dân, mặt bằng khó tìm lắm, ngay cả chuyện quy hoạch tái định cư để phòng hiểm họa sạt lở, đã làm huyện đau đầu, mọi thứ phải đề phòng, vì thiên tai ngày càng bất trắc khó lường. Huyện sẽ chú trọng phát triển du lịch sinh thái, sắp tới huyện tính mở đường từ Tây Viên, tận dụng nước nóng Tây Sơn làm điểm dừng chân, mở qua Hòn Tàu, kết nối với Mỹ Sơn...”. Vẫn là bài toán cũ mà giải bao nhiêu năm chưa có đáp số đúng, kịp thời, dù biết rằng cách giải có đó, ai cũng thấy, đó là cán bộ. Làm chi cũng muốn, chẳng ai chịu mình nghèo đói, co ro, thu kín mãi, nhưng mở lối làm ăn, đi lên được bằng chị bằng em, tất cả đều phát xuất từ tư duy. Cả huyện đang trên đà đi tới, riêng chuyện giao thông, chỉ còn 1 thôn chưa có đường đi... Cái quan trọng nhất là người đi trên đường ấy, nghĩ gì? Thay đổi tư duy lãnh đạo, cung cách làm ăn, lan tỏa từ cán bộ đến dân để chuyển mình thực sự, không hề đơn giản. Phá bỏ lối cũ, bắt nhịp và chuyển mình thực sự, là cuộc chơi sinh tử chứ không phải chuyện đùa. Đó là bài toán cam go mà Nông Sơn đang phải giải, mà đâu phải riêng chi huyện này...
Tôi vào chợ Trung Phước, xứ sở bao năm trước, hễ mở miệng ra là vàng, trầm, bây giờ trầm thành... trầm ngâm rồi. Chợ xã mà to thiệt, hình như so với bao chợ quê ở tỉnh này tôi đã ghé qua, nó thuộc loại nhất nhì, tràn kín ra đường, hai bên đường, kẻ đến lần đầu sẽ hết sức ngạc nhiên, hàng quán, đồ đạc không khác chi ở phố; tết về xe con đậu la liệt. Nhưng đi một vòng, ra ngoài, không giấu được khó thở. Chật chội quá, ken dày quá. Phải thoáng ra kia, rộng ra nữa, thoát ra khỏi mình, họ đủ sức bung ra làm ăn đó, vấn đề là bao năm quen rồi, mà đã vậy, chỉ có dừng lại ở đó mà thôi...
Ký của TRUNG VIỆT