LTS: Công ty TNHH Sản xuất nút áo Tôn Văn (Ton Van shell buttons Co., Ltd - TP.Hồ Chí Minh) do doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa (quê Tiên Phước) làm giám đốc đã gặt hái được nhiều thành công và được thị trường thế giới biết đến. Ông Nghĩa cũng là doanh nhân thường xuyên tổ chức các đoàn bác sĩ Nhật Bản, Hàn Quốc về phẫu thuật miễn phí cho trẻ em nghèo bị sứt môi, hở hàm ếch tại Quảng Nam từ 10 năm nay. Nhân Ngày doanh nhân Việt Nam (13.10), Báo Quảng Nam được ông chia sẻ về những ngày đầu vượt qua nhiều thử thách để đưa công ty có chỗ đứng trên thương trường như hôm nay...
Ông Tôn Thạnh Nghĩa (bìa phải) và những người bạn Nhật Bản. |
“Mẹ” thất bại - “cha” tri thức
Ở Việt Nam người ta thường dùng câu “Thất bại là mẹ thành công” để khẳng định một quy luật, một logic để đi đến thành công trong cuộc đời hoặc tự an ủi cho mọi thất bại trên đường đời. Tuy nhiên, với tư duy hiện đại và khoa học hơn thì một mình “mẹ” không thể “đẻ” được thành công mà phải có sự tác hợp của người “cha”. Người “cha” trong trường hợp này chính là tri thức, mà tri thức chính là kinh nghiệm, kiến thức mình cóp nhặt, tổng hợp được trên đường đời. Đối chiếu với bản thân tôi, câu này đúng một cách tuyệt đối, đặc biệt là sau chuyến đi học 2 tuần ở Nhật vào năm 2000 theo chương trình tu nghiệp của AOTS. Tôi nghĩ mình không nói quá khi cho rằng đây là bước ngoặt lớn trong đời mình và tác động đến đời sống của hàng trăm con người đang làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất nút áo Tôn Văn.
Tôi nhớ ngày đầu tiên ra nước ngoài, đi cùng là những anh, chị doanh nghiệp lớn trong nước ở trong Nam lẫn ngoài Bắc, chỉ qua việc ăn ở, sinh hoạt, giao lưu và giữ liên lạc thăm viếng nhau sau khi về nước cũng tạo ra cơ hội làm ăn, hợp tác lẫn nhau. Rồi sự sạch sẽ, sang trọng trong cách tổ chức các chương trình…, tất cả những cái bên lề này đã giúp tôi học được rất nhiều điều. Từ quan sát nước họ, tôi nhìn lại và tự hỏi sao nước mình vẫn còn nghèo, lạc hậu và đến bao giờ mới đạt được sự phát triển đồng bộ như thế? Công ty mình cũng vậy, ở nước ngoài nhìn về, cứ thấy rõ từng chi tiết về những nghèo nàn trong cơ sở vật chất, máy móc thiết bị lạc hậu, công nhân cán bộ đều là những người trẻ xuất thân từ nông thôn, điều kiện học hành cũng hạn chế, vốn liếng không nhiều… Thế thì làm sao cho ra được sản phẩm nút áo đủ tiêu chuẩn sản xuất ra thế giới? Lúc đó là lần thứ hai sang Nhật Bản nhưng ấn tượng mạnh mẽ đã hình thành những ý tưởng mới, chi phối rất nhiều đến những quyết định của tôi trong công việc cũng như trong đời thường. Và tôi nghĩ, văn hóa công ty ở Tôn Văn hiện nay luôn có nét gần gũi với phong cách Nhật Bản.
Bên cạnh những giá trị tưởng như là khuyến mãi vì không có trong chương trình học, chúng tôi còn học được biết bao điều bổ ích chỉ trong hai tuần ngắn ngủi. Đầu tiên là khắc phục hai nhược điểm lớn nhất của người Việt Nam là cách làm việc theo nhóm và cách diễn đạt, phát biểu trước đám đông. Hiện nay các trường ở Việt Nam (trung học lẫn đại học) luôn chú trọng bổ sung hai kỹ năng mềm này cho người học vì nhược điểm này dẫn đến hạn chế sự phát triển của bản thân. Rồi chúng tôi cũng thấy tự tin hơn trong giao tiếp tiếng Anh khi được thầy cho biết khả năng học tiếng Anh của người Việt có thứ hạng dưới 10 trong khi Nhật là 17 vì tiếng Việt dùng mẫu tự La Mã (Alphabet) mà các nước trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… không thể chuyển được dù đã thử nhiều lần. Và âm tiết tiếng Việt phong phú hơn nên học nói rất dễ.
Dấu ấn trên thị trường
Trong quản lý sản xuất, chúng tôi học được cách phân tích cho ra bản chất của vấn đề bằng sơ đồ “xương cá” hoặc áp dụng nguyên tắc 20 - 80 (đại loại chọn những vấn đề trọng yếu để chỉ với 20% công sức nhưng có thể thỏa mãn 80% yêu cầu) khi giải quyết vấn đề. Những điều học được lúc đó với tôi đều mới mẻ. Sau khi về nước tôi đã truyền đạt lại cho cán bộ quản lý của mình và ứng dụng nó trong công việc hằng ngày. Khi đoàn đến thăm một doanh nghiệp tại Nhật, được họ đón tiếp rất trọng thị và có cả một lá cờ Việt Nam được treo trang trọng trước cột cờ nhà máy. Tôi cũng học được chi tiết này, khi xây dựng nhà máy mới năm 2007 với cột cờ ba nhánh để treo cờ Việt Nam, cờ công ty và cờ của quốc gia có khách hàng đến thăm hôm đó. Tôi cũng học được rằng hai lá cờ quốc gia phải to bằng nhau nhưng khi treo, lá cờ nước chủ nhà phải to hơn một tí. Và nhiều khách hàng đến thăm dù không nói ra nhưng tôi cũng hiểu họ vui như thế nào, giống như tôi đã từng cảm động biết bao khi nhìn lá cờ Việt Nam tại công ty Nhật Bản hôm đó.
Sinh hoạt tập thể của Công ty TNHH Sản xuất nút áo Tôn Văn. |
Nếu vào Google Việt Nam gõ chữ “nút áo Tôn Văn”, “Ton Van shell buttons”… mọi người sẽ thấy nhiều hình ảnh, bài viết về Tôn Văn liên tục trong nhiều năm qua. Với một công ty nhỏ, chỉ khoảng 100 cán bộ, công nhân viên nhưng có rất nhiều người biết đến, báo chí đăng bài miễn phí, khách hàng luôn ổn định (mỗi quốc gia chỉ có 1 - 2 khách hàng làm ăn như đại lý lâu đời của Tôn Văn). Doanh số thì mỗi năm đều tăng dù khủng hoảng kinh tế kéo dài từ năm 2008 đến nay. Tất cả thành công đó, tất nhiên là nhờ vào nhiều yếu tố, trong đó có cả sự may mắn, tuy nhiên không thể phủ nhận vai trò của tri thức mà người chủ doanh nghiệp trang bị. Với vốn kiến thức tích lũy được và với người trong cuộc, tôi nhận thấy rằng chính chuyến đi tu nghiệp ngắn ngủi tại Nhật hơn 10 năm trước là chìa khóa, là bước ngoặt để Tôn Văn vươn lên được thứ hạng cao trong thị trường nút áo thế giới.
Tôi mong bài viết này có thể là kinh nghiệm bổ ích cho nhiều người, đặc biệt là những bạn trẻ như chúng tôi 15 năm về trước: chuẩn bị sang Nhật tu nghiệp, tìm cơ hội thăng tiến và phát triển bản thân.
TÔN THẠNH NGHĨA