Câu chuyện tình yêu

HÀ AN 15/08/2013 08:25

Tôi lấy làm lạ vì sao một người con gái xinh đẹp, nết na, không một lời thề hẹn vẫn thủy chung chờ đợi rồi gắn bó đời mình với một người tàn tật cả về tinh thần lẫn thể xác. Chị Nguyễn Thị Chung cười bảo rằng, đó là tình người, tình thương và tình yêu. Chị chậm rãi kể chuyện tình của mình…

Anh là Trà Quang Hảnh (SN 1960) và chị cùng ở làng Đại An, xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Hai nhà cách nhau bởi rặng chè tàu. Hai người học chung một lớp, sinh hoạt cùng một chi đoàn. Bạn bè ai cũng ghép anh chị thành đôi. Năm 1980 anh đi bộ đội tình nguyện sang chiến trường Campuchia. Cho đến ngày lên đường anh vẫn không một lời hứa hẹn. Nhưng chị bảo, nhìn vào mắt anh chị biết mình cảm nhận được điều gì. Bốn năm anh đi bộ đội, những cánh thư gửi cho chị cũng chỉ vài dòng thăm hỏi người bạn cùng làng. Ấy mà chị chờ!

Đơn vị anh đóng quân gần đền Prết-vi-hia. Trong trí nhớ của anh bây giờ, ngôi đền ấy rất đẹp và thiêng liêng đối với người bản xứ. Thời tiết ở vùng Prết-vi-hia khắc nghiệt. Mùa mưa thì mưa như trút nước suốt cả ngày lẫn đêm. Mùa nắng, đất đai khô cằn, không có lấy một giọt nước. Đồng đội của anh nhiều người phải đổi máu để lấy nước, không chỉ chết vì bom đạn mà còn chết sốt rét, vì khát... Ngày ấy, có khi buổi sáng hành quân cả một đại đội, buổi chiều trở về chỉ còn chưa đầy tiểu đội.

Tháng 12.1983, trong một trận truy đuổi tàn quân Pôn pốt, anh bị vướng mìn, dập nát cả hai chân. Mất quá nhiều máu, anh được chuyển về tuyến sau. Nằm điều trị trong khu dã chiến, điều kiện chăm sóc y tế không có, một tuần sau, hai chân anh bắt đầu hoại tử. Anh được đưa đến Bệnh viện 21 ở đất bạn chờ máy bay trực thăng đưa về nước. Tuy nhiên vết thương nhiễm trùng quá nặng, hai chân bị hoại tử nặng, anh phải ở lại phẫu thuật lần hai. Sau đó đơn vị phải đưa anh về Việt Nam. Về đến Pleiku (Gia Lai) anh được phẫu thuật lần thứ 3 nhưng thất bại, sau đó chuyển về Bệnh viện C17 chờ lần phẫu thuật tiếp theo...

Khi nghe tin anh bị thương và được chuyển về Bệnh viện C17, chị đến thăm. Thấy anh nằm bất động trên giường bệnh, chị không cầm được nước mắt. Ngày tiễn đưa, anh là một chàng trai to, cao, đẹp trai, vui tính nhất làng, nay cơ thể chỉ còn một nửa... Cũng có thể chính lần gặp lại chị, một nghị lực vô hình tiếp thêm cho anh để lần phẫu thuật lần thứ 4 thành công. Anh đã được sống, “lấy tay làm chân”.

Chị đã đến và ở bên anh trong những ngày anh cận kề cái chết. Chị chăm sóc, dỗ dành anh như một người mẹ, tâm sự với anh như một người bạn. Bởi chị hiểu, trong con người anh bấy giờ là sự mặc cảm, đau đớn về thân thể, bấn loạn về tinh thần. Tình yêu cũng từ ngày đó đã thành lời.

Thuyết phục được gia đình, đám cưới của anh chị là một đám cưới lạ lùng ở làng quê nghèo Đại An. Trong lễ rước dâu, cô dâu phải tự đi về nhà chồng, chú rể ở nhà đợi vợ. Nhưng đám cưới anh Hảnh, chị Chung đông vui nhất làng. Người tò mò, người cảm phục đều đến chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Về nhà chồng, chị vừa chăm sóc cha mẹ chồng già yếu, vừa chăm lo cho anh giống như chăm trẻ. Nhà chật, mọi vật dụng trong gia đình chị phải sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp để thuận tiện cho anh di chuyển cùng chiếc xe lăn cũ kỹ. Trời, Phật thương, rồi anh cũng được làm cha. Ngày bế đứa con đầu lòng trên tay, nước mắt anh cứ chảy dài sung sướng. Và rồi 4 đứa con lần lượt ra đời trong thời bao cấp khốn khó. Cả 8 miệng ăn trong gia đình chỉ trông chờ vào chị.

Chị là thợ cấy giỏi nhất làng Đại An lúc bấy giờ, vì bao giờ chị cũng phải cấy gấp hai lần người khác. Từ 3 giờ sáng chị đã dậy, thu xếp công việc gia đình; anh cũng dậy sớm, lọ mọ giúp vợ bó rau chuẩn bị cho buổi chợ. Chị chạy chợ, anh giúp vợ chăm con cái, lo việc nội trợ. Khi con cái lớn hơn một chút, anh ngồi xe lăn đi châm ga hộp quẹt khắp làng. Chị chia sẻ rằng, hình ảnh chồng gồng hai tay đẩy chiếc xe lăn trên đường đá gồ ghề cứ ám ảnh chị đến bây giờ. Mỗi ngày anh kiếm được chỉ 3 - 5 nghìn đồng đem về cho vợ nhưng nhìn anh vui lắm.

Tôi hỏi, có lúc nào chị buồn tủi không? Chị nói, sống ở đời sao mà có lúc không buồn, không tủi. Thấy vợ chồng người ta chở nhau đi cũng tủi. Lúc vượt cạn, ốm đau không người dìu cũng tủi. Nhưng rồi nỗi buồn tủi ấy chỉ thoáng qua thôi, bởi hơn ai hết chị biết mình hạnh phúc. Chị chỉ sợ  mỗi lần vết thương tái phát, cơn đau dữ dội kéo dài, những ám ảnh của cuộc chiến đày đọa con người anh, thuốc kháng sinh liều cao cũng không giúp anh qua cơn vật vã...

Các con của anh chị lớn lên trong tình thương, trong khó khăn, chứng kiến sự hy sinh của cha, sự vất vả của mẹ đã tạo cho mình nghị lực kiên cường. Cả 4 đứa con của anh chị đứa nào cũng học giỏi, có công việc ổn định và yên bề gia thất.

Chị nói, nếu so nỗi buồn tủi, thiệt thòi của mình với sự mất mát của anh thì có đáng là bao. Kể cả những thiệt thòi của anh so với những người khác đã hy sinh cũng chẳng là gì. Tôi thì nghĩ, mối tình của anh chị đẹp như nụ cười của tượng thần ở đền Ăngco Vát. Nhìn cảnh hai vợ chồng tuổi đã chuẩn bị sang chiều âu yếm nhau, tay trong tay, vợ kể chồng, chồng khen vợ, ánh mắt của chị ánh lên niềm hạnh phúc. Bởi, anh và chị đang có tình yêu.

HÀ AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Câu chuyện tình yêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO