Ông Trương Xuân Mai thôn Xuân Trung, xã Tam Đàn (Phú Ninh) - nguyên du kích xã Kỳ Thịnh cũ vẫn giữ lá thư ố vàng bị cũ rách nhiều chỗ là vật kỷ niệm sâu sắc. Ông kể, sau giải phóng, trong khi làm vườn ông đào được thùng đạn chôn dưới đất trong đó có một lá thư, cùng với bộ đồ và tờ báo Giải phóng. Ông đã đọc được những dòng chữ đầy cảm xúc của bức thư và nhận ra đó là nét bút của cha mình. Đây là lá thư của liệt sĩ Trương Xướng - thân phụ ông Mai viết trong khoảng năm 1967.
Bức thư của cha mà ông Mai vẫn còn lưu giữ. Ảnh: TRẦN VŨ |
Lúc đó gia đình ông Mai là cơ sở cách mạng ở vùng Kỳ Thịnh. Hai chị gái đang tuổi mới lớn của ông cũng thoát ly tham gia cách mạng. Lúc này, địch liên tục tổ chức càn quét Kỳ Thịnh rất ác liệt, mọi liên lạc đều thông qua thư tay. Thời gian con gái thoát ly tham gia cách mạng đã lâu, cha ông Mai đã gửi nhiều lá thư thăm hỏi và động viên con. Cha ông rất nhớ và lo cho con gái nên tiếp tục viết thư thông báo tình hình sức khỏe của gia đình và sự việc ở địa phương, đồng thời động viên con hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng.
Bức thư ông Mai còn lưu giữ có nội dung như sau (trích một số đoạn): “KT ngày 29 tháng 11 âm lịch. Từ ngày con bước chân lên đường làm công tác cho đảng đến nay, trong gia đình ta đã bắt được hai ba lá thư của con gửi về cho gia đình, cha mẹ cũng gửi thư cho con mà sao con không bắt được… Hôm nay cha mẹ viết lá thư này gửi ra cho con mong rằng con phục vụ cho đảng đến cùng, đừng lo việc gia đình mà sinh ra đau ốm… Từ hôm con ra đi làm công tác cho đảng đến nay gia đình cha mẹ sức khỏe cũng bình thường... Còn chị Năm của con từ hôm con đi đến nay đã về phép được một lần… Còn phần anh Bốn bị địch bắt chị bốn lo cho gia đình của chỉ, anh Hai của con cũng bị địch bắt. Xóm làng ta thì bình yên, vườn gò mả phía sau nhà ta thì máy cày cày hết, chúng trù bình định nông thôn nhưng chúng đã bị thất bại với nhân dân và du kích của xã ta. Thôi đến đây cha mẹ có mấy lời mong con đầy sức khỏe, suốt đời thắng giặc Mỹ”.
Thư viết xong chưa kịp gửi đi thì tổ chức yêu cầu cha ông Mai theo dõi tình hình đi càn của địch. Lần theo dõi đó cha ông đã bị địch phát hiện, bắn chết. Thế là lá thư vẫn nằm lại, chị gái ông thoát ly không biết tin tức về gia đình và tình hình địa phương.
Cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc đã lùi xa, những kỷ vật còn lại là những câu chuyện sống động về cuộc sống, con người và sự kiện một thời. Qua đó giúp những thế hệ hôm nay và mai sau hiểu hơn về lịch sử dân tộc, hun đúc tinh thần yêu nước.
TRẦN VŨ