Câu chuyện từ những kỷ vật!

QUẾ HÀ 26/06/2022 10:10

Mỗi kỷ vật để lại, dù là tấm ảnh, bức thư, tác phẩm dang dở, những dòng nhật ký hay dòng chữ nguệch ngoạc, nhưng đó là ký ức đẹp và bi hùng. Và từ những kỷ vật đó có nhiều câu chuyện được viết nên...

Đồng đội thăm lại chiến trường xưa và thả hương, hoa cầu nguyện cho các nhà văn - nhà báo liệt sĩ. Ảnh: Q.H
Đồng đội thăm lại chiến trường xưa và thả hương, hoa cầu nguyện cho các nhà văn - nhà báo liệt sĩ. Ảnh: Q.H

Trong tập sách “Thời tôi sống” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh, có viết về bức ảnh hiếm hoi được chụp tại chiến trường. Đó là bức ảnh duy nhất tập hợp đông đủ các nhà báo tại mặt trận Quảng Đà vào chiều ngày 14.7.1968 tại bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà.

Gồm các phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Giải phóng, Báo Cờ giải phóng Quảng Đà và phóng viên nhiếp ảnh Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà. Trong 8 nhà báo có mặt ở bức ảnh đó thì đã 4 người là liệt sĩ, 1 người thương binh nặng.

Theo thứ tự từ trái sang, ngồi ngoài cùng là nhà báo, nhà thơ liệt sĩ Nguyễn Trọng Định; nhà báo - liệt sĩ Trần Văn Anh; nhà báo - thương binh Đinh Trọng Quyền; nhà báo Hồ Hải Học; nhà báo - liệt sĩ Trịnh Xuân Hy; nhà báo - liệt sĩ Hoàng Kim Tùng; nhà báo Trần Mai Hạnh và nhà báo Nguyễn Quốc Toản.

Người hy sinh đầu tiên là nhà báo - nhà thơ Nguyễn Trọng Định. Anh quê huyện Gia Lâm (Hà Nội), tham gia hoạt động báo chí từ những năm 1965 ở Báo Nhân dân.

Nhận nhiệm vụ phản ánh cuộc đấu tranh nổi dậy của đồng bào chống sự kìm kẹp của Mỹ ngụy và chuẩn bị gấp tài liệu tuyên truyền cho chiến dịch xuân - hè 1968; Tổ công tác vừa dừng chân ở thôn Hạ Nông, Điện Phước, Điện Bàn thì bị pháo địch đột nhiên từ Bồ Bồ dồn dập bắn tới.

Nguyễn Trọng Định trúng nhiều mảnh đạn, một mảnh ghim ngay ngực trái, anh hy sinh tại chỗ. Kỷ vật anh để lại là “Ba lô, sổ tay phóng viên, 1 bộ quân phục, cái đài bán dẫn và 1 bức ảnh”.

Bức ảnh chụp chung với người yêu bị mảnh pháo xuyên thủng, bài thơ “Gửi em” được viết trước một ngày Nguyễn Trọng Định hy sinh thấm đẫm máu. Báo Nhân dân và gia đình bao năm tìm kiếm nhưng hài cốt của anh đã không được.

Nói như nhà báo Trần Mai Hạnh “Hài cốt của anh đã hòa tan trong đất Điện Bàn - nơi anh nguyện nhận là quê hương dù không cất tiếng chào đời, nơi sinh ra anh hùng Nguyễn Văn Trỗi - mảnh đất anh đã đến tận nơi rồi đổi sinh mạng mình cho bài viết “Thăm quê hương anh hùng Nguyễn Văn Trỗi”. Bài báo được chuyển ra miền Bắc, báo Nhân dân vừa in xong thì Nguyễn Trọng Định ngã xuống bên dòng sông La Thọ.

Bốn tháng sau ngày Nguyễn Trọng Định hy sinh, nhà báo Trần Văn Anh, lúc đó là Ủy viên Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy phụ trách cả hai tờ báo Giải phóng (cho nông thôn) và Cờ giải phóng (cho đô thị) ngã xuống.

Dù mắt cận rất nặng, nhưng Trần Văn Anh tình nguyện đi B. Nhận được chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy, từ căn cứ, nhà báo Trần Văn Anh, Hồ Hải Học, Vũ Thành Lê, Hoài Hà và Hồ Duy Lệ đến vành đai Đà Nẵng làm nhiệm vụ.

Ngày 29.12.1968, từ Gò Nổi vượt sông Thu Bồn đặt chân lên đất Điện Thái thì bị thả bom, dập nát đùi và anh đã hy sinh lúc 38 tuổi. Bốn năm sau, đêm 21 rạng sáng 22.5.1972, máy bay B52 ném bom rải thảm trúng cơ quan phía trước của Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà đóng tại núi Hòn Tàu.

Nhà báo Hoàng Kim Tùng - Phó Tổng Biên tập kiêm Bí thư Chi bộ Báo Giải phóng và Báo Cờ giải phóng Quảng Đà cùng 4 cán bộ Ban Tuyên huấn Quảng Đà hy sinh trong hang đá, bị các khối đá lớn nặng hàng chục tấn đè lên hài cốt.

Chưa đầy một năm sau, năm 1973 nhà báo Trịnh Đình Hy - phóng viên ảnh của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Đà, quê anh ở Tam Thanh (Tam Kỳ), hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụ.

Bức ảnh duy nhất tập hợp đông đủ các nhà báo tại mặt trận Quảng Đà. Ảnh tư liệu
Bức ảnh duy nhất tập hợp đông đủ các nhà báo tại mặt trận Quảng Đà. ẢNH TƯ LIỆU

Đinh Trọng Quyền, Trần Mai Hạnh, Hải Học và Nguyễn Quốc Toản, bốn người còn lại trong bức ảnh đã sống sót sau bao trận bom pháo dập vùi, ai cũng bị thương, nặng nhất là nhà báo Đinh Trọng Quyền.

Lúc đó, thuốc men thiếu thốn, không có thuốc giảm đau, vết thương bị nhiễm trùng nặng, hoại tử nhưng chỉ có nước muối sát trùng, người thương binh đó đã cắn răng chịu đựng, để bác sĩ cưa từng đoạn xương chân…

Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam trong tập sách “Chân dung các nhà báo liệt sĩ”, có 342 nhà báo là liệt sĩ, trong đó 14 liệt sĩ hy sinh ở Quảng Nam.

Trong “Mảnh trời xao xuyến” của Trần Mai Hạnh, chiến trường Quảng Đà đêm ngày bị bom đạn Mỹ cày xới, chất độc hóa học rải xuống khắp nơi. Đói rét, bệnh tật, thương vong… là chuyện thường ngày. Ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh như hơi thở.

Để có một dòng tin chiến sự, một đoạn phim, một tấm ảnh, nhà báo ra mặt trận cũng giống như người lính. Nhà báo - người chiến sĩ với vũ khí là ngòi bút, chiếc máy ảnh, máy quay phim, sóng phát thanh và cả bằng khẩu súng, họ đã sống, sáng tác, chiến đấu và hy sinh như người lính thực thụ.

 Nhiều người trong số họ, kịp để lại những tác phẩm cho đời như nhà báo - nhà văn - Anh hùng lực lượng vũ trang Chu Cẩm Phong - những trang nhật ký máu lửa và nhiều truyện ký như “Mặt biển, Mặt trận”, “Gió lộng từ Cửa Đại”, “Lá đơn tình nguyện”…

Còn Nguyễn Trọng Định với tập thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” và “Nước vối quê hương”. Trần Văn Anh có bút ký nổi tiếng “Đêm Gò Nổi”, Dương Thị Xuân Quý để lại tập nhật ký, nhiều truyện ngắn “Hoa rừng”, “Niềm vui”, bút ký “Tiếng hát trong hang đá”, “Gương mặt thách thức”...

Nhưng nhiều người chưa thành danh thì ngã xuống và rất nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Những nhà báo còn sống viết tiếp những câu chuyện lịch sử, những gương mặt anh hùng để quá khứ hào hùng của dân tộc, của những người làm báo không được phép quên.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Câu chuyện từ những kỷ vật!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO