Chuyện con rồng

LIÊU HÂN 23/12/2018 01:55

Rồng là con vật huyền thoại. Nhưng rồng phương Đông khác rồng phương Tây. Những câu chuyện về rồng cũng có nhiều điều thú vị…

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Quái vật

Có lần, do tình cờ, tôi xem “Chuyên đề Thế giới và hội nhập”, trong bài “Những quái vật nổi tiếng mọi thời đại” của tác giả N.S có đoạn viết: “Những thần thoại và truyền thuyết khắp thế giới bao gồm những câu chuyện về các sinh vật kỳ lạ và đáng sợ, như quái vật Minautor nửa bò nửa người của thần thoại Hy Lạp, yêu tinh của người Anh, và rồng của người Trung Quốc”. Tôi e rằng tác giả có sự nhầm lẫn vì con rồng làm sao có thể bị xem là quái vật? 

Con thú Minautor đúng là quái vật, song con rồng Trung Quốc không phải là quái vật. Theo thần thoại Hy Lạp, Minotaur - hay nhân ngưu là một quái vật nửa người nửa bò. Minos vì cạnh tranh với người em để làm vua xứ Crete, nên đã cầu xin thần biển Poseidon giúp đỡ. Poseidon bèn cho ông một con bò trắng tuyệt đẹp. Lẽ ra Minos phải giết con bò rồi đem cúng để tỏ lòng tôn kính với thần. Đằng này, do mê mẩn trước vẻ đẹp của con bò, Minos đã đem một con bò khác thế vào. Thần Poseidon nổi giận, đã trừng phạt Minos bằng cách hóa phép cho hoàng hậu của Minos là Pasiphaë yêu con bò đó. Hoàng hậu đã ra lệnh kiến trúc sư Daedalus làm một con bò cái bằng gỗ cho bà chui vào trong đó để giao phối với con bò đó. Kết quả là con quái vật Minotaur ra đời. Minotaur đã gieo rắc kinh hoàng cho toàn đảo Crete, nên vua Minos ra lệnh cho Daedalus làm một mê cung để nhốt nó lại. Mỗi năm, ông đem 7 người con trai và 7 người con gái từ Athena vào cho Minotaur ăn thịt. Sau này, người anh hùng Theseus nhờ sự giúp đỡ của Ariadne, con gái vua Minos, đã giết được Minotaur.

Ở phương Tây, vào thời Trung Cổ, rồng bị xem là hiện thân của quỷ sứ. Văn học phương Tây còn ghi lại truyền thuyết nổi tiếng về chuyện Thánh George giết rồng, vào khoảng thế kỷ 12 - 13. Câu chuyện xảy ra ở Silene tại Libya. Trong thành phố có một cái hồ lớn, một con rồng sống dưới đó và gieo rắc bệnh dịch khắp thành phố. Để xoa dịu con rồng, hằng ngày người ta phải hiến tế cho nó một con cừu, và một trinh nữ được chọn bằng cách bốc thăm. Một hôm, số phận bi đát lại rơi vào nàng công chúa Sabra xinh đẹp (có tài liệu nói tên nàng công chúa là Cleodolinda). Nàng được trang điểm lộng lẫy rồi đem đi tế rồng, để cứu thành phố khỏi lâm vào cảnh tang tóc. Thánh George nghe câu chuyện, bèn cưỡi ngựa đến bên hồ giết con rồng và cứu được công chúa. Sau đó, cả thành phố, vì cảm ơn đức của Thánh George, đều cải đạo thành tín đồ Thiên Chúa giáo. Nhà vua bèn cho xây một nhà thờ bên bờ hồ để thờ Đức Mẹ Đồng Trinh và Thánh George. Đây là đề tài gợi hứng rất nhiều cho hội họa phương Tây, đặc biệt là vào thời Phục Hưng.

Linh vật

Đem con rồng phương Đông đánh đồng với con rồng phương Tây, rồi để ghép chung với quái vật Minotaur là chuyện sai lầm. Rồng chỉ bị coi là quái vật đối với người phương Tây mà thôi. Nó chuyên gieo rắc tai họa cho loài người, như một loại Chằn tinh trong truyện cổ tích Việt Nam. Đặc điểm của loại rồng này là thường phun ra lửa, mà về sau các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng đó là hình ảnh cường điệu của con rồng Komodo với cái lưỡi dài màu đỏ hiện nay. Con rồng của phương Tây là “Dragon”, nó khác với linh vật “Long” (rồng) của người Á Đông, dù thông thường dragon vẫn được dịch là “rồng”.

Con rồng của người Trung Quốc không phải là quái vật mà là linh vật. Trong thời phong kiến rồng được dùng để tượng trưng cho vua, tức là hạng người ở ngôi vị cực cao trong cõi nhân gian. Trong Thiền tông Phật giáo, hàng “long tượng” (rồng và voi) được dùng để chỉ những bậc tôn túc có đạo hạnh cao thâm, kiến văn quảng bác. Trong quẻ Kiền (Càn) là quẻ đầu tiên của kinh Dịch, rồng là biểu tượng của linh lực trong trời đất, hàm nghĩa tâm linh. Rồng được xếp vào bộ bốn con vật linh thiêng, tức tứ linh là: long, lân, quy, phụng. Như vậy con rồng Trung Quốc làm sao có thể bị xem là quái vật như con rồng phương Tây?

Và… rồng trên sân Mỹ Đình

Người Việt Nam được xem là thuộc dòng dõi con Rồng cháu Tiên, theo thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Dù đó chỉ là câu chuyện hoang đường, nhưng nó đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người dân Việt để khơi dậy niềm tự hào dân tộc.  Giải bóng đá AFF đã khép lại với vinh quang thuộc về đội tuyển Việt Nam sau một trận cầu “long tranh hổ đấu” đúng nghĩa tại sân Mỹ Đình. Vì đội tuyển Việt Nam được gọi là “đội rồng vàng” một cách thân thương, còn đội Malaysia từ lâu đã được mệnh danh là “đội hổ”. Những chú hổ kiêu hùng đành chịu khuất phục trước những con rồng đang trong thời kỳ “Phi long tại thiên”. Con rồng kiêu dũng, uy nghi trở thành biểu tượng của chiến thắng.

Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.

(Kẻ sĩ - Nguyễn Công Trứ)

Rồng mà gặp mây thì tha hồ mà làm mưa làm gió, dễ dàng hoán vũ hô phong, tạo nên nhiều kỳ tích. Có thể nói đội tuyển Việt Nam gặp được huấn luyện viên Park Hang-seo như rồng gặp mây vậy. Hy vọng chiếc cúp  vàng AFF được nâng cao tại sân Mỹ Đình sẽ là biểu tượng của một tương lai rạng rỡ mới dành cho “đội tuyển Rồng Vàng” nước Việt.

LIÊU HÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện con rồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO