Phán nhăng phán cuội

HỮU LÂM QUÊ |

1. Nhà văn Nguyễn Quang Lập kể, Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ IV, ông đăng đàn phát biểu văng mạng. Mọi người vỗ tay ầm ầm. Thừa thắng xông lên, ông càng nói hăng. Khi về chỗ ngồi ông mới thấy run, “không biết mình có nói hớ chỗ nào không”? Lúc nghỉ giải lao, ông ra hành lang ngồi cạnh nhà văn Nguyễn Khải và hỏi: “Em nói có được không anh?”. Tác giả “Mùa lạc” nhìn chăm chăm tác giả “Những mảnh đời đen trắng”, cười: “Ông có cái miệng tươi kinh. Tôi mà là đàn bà thì đã có chửa với ông lâu rồi”. Ôi trời! Hỏi “em nói có được không”, ông không trả lời, lại đi khen “cái miệng tươi kinh”. Tại sao Nguyễn Khải lại “lạc đề” như thế? Nguyễn Quang Lập băn khoăn mãi. Bốn năm sau, tình cờ gặp nhau, Nguyễn Quang Lập hỏi: “Hồi đó anh nói vậy là có ý gì?”. Nguyễn Khải phì cười: “Khi ông lên đăng đàn nói, tôi có nghe đâu! Tôi đang tán phét với Đỗ Chu ở ngoài sảnh...”.

2. Anh bạn tôi là một cây bút thơ trẻ với nhiều cách tân, được những người yêu thơ ngưỡng mộ. Nhất là các bạn sinh viên. Một hôm có nhà phê bình văn học “tiếng tăm ngất trời” về công tác ở hội văn nghệ tỉnh và được trường đại học nọ mời nói chuyện thơ văn với sinh viên khoa văn. Nhà phê bình... được dịp đưa anh bạn tôi lên chín tầng mây. Rằng, đấy là cây bút thơ trẻ tài năng số 1 Việt Nam. Rằng, thơ của cây bút thơ trẻ ấy có thể sánh ngang với các tên tuổi lớn làm nên “thơ tiền chiến”. Rằng... Và rằng... Nhà phê bình nức nở khen thơ anh bạn tôi hay nhưng không nói hay ở chỗ nào, chỉ “bốc thơm” theo kiểu “tình mẹ bao la như biển Thái Bình...”. Nhiều người thắc mắc. Hôm sau, nhà phê bình cười: “Ở xứ ta, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Tớ về quê cậu, vớ được cái tên cây bút thơ trẻ ấy, vậy là tán suông, chứ tớ đâu có đọc được bài thơ nào của cây bút thơ trẻ ấy mà biết hay hay dở...”.

3. Có phải đó là “hội chứng nói bừa” của không ít người trong giới văn nghệ sĩ? Bởi vì, hiện nay có một số nhà văn nhà thơ... cậy tuổi tác cao, nhìn lớp đàn em bằng nửa con mắt với cái tật phán nhăng phán cuội... Lựa chốn đông người, họ cao giọng phán xét cây bút thơ này có triển vọng, cây bút văn kia đang “tiến một bước nhưng lại lùi hai bước”. Họ tấm tắc khen thơ của cây bút thơ này “hay tuyệt đỉnh”, chê bỏ xó văn của cây bút văn kia dở như... dỡ nhà! Và cũng giống như nhà phê bình văn học nêu ở phần trên, họ không chứng minh được thơ của cây bút thơ này hay ở chỗ nào, văn của cây bút văn kia dở ở chỗ nào? Khi bị truy hỏi gắt gao, họ xoay sang đánh trống lảng với... 1001 lý do! Nào là chỉ ra cái hay cụ thể dễ khiến cây bút thơ này tự mãn. Nào là chỉ ra cái dở cụ thể dễ khiến cây bút văn kia bi quan nhụt chí... Cổ nhân đã dạy: “Nói có sách, mách có chứng”. Nói mà không chứng minh được, thiên hạ sẽ cười cho!

HỮU LÂM QUÊ