Câu chuyện về một vùng đất với nhiều biến thiên qua những thời kỳ lịch sử được tái hiện qua Địa chí huyện Tiên Phước đã được các nhà khoa học xã hội biên soạn một cách đầy đủ và toàn diện.
Hội đồng nghiệm thu phần tự nhiên và lịch sử Địa chí huyện Tiên Phước phản biện cụ thể nhiều phần nghiên cứu của đề tài. Ảnh: L.D |
Khởi đầu vùng đất
Trường Đại học Khoa học Huế là đơn vị được UBND huyện Tiên Phước chọn thực hiện việc biên soạn cuốn Địa chí huyện Tiên Phước. Sau 3 năm thực hiện, những phần cơ bản nhất của Địa chí huyện Tiên Phước đã được nghiên cứu và biên soạn. Hạ tuần tháng 9 vừa qua, phần tự nhiên và lịch sử của địa chí được bàn thảo trong một hội thảo nghiệm thu do UBND huyện Tiên Phước tổ chức. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Trường Đại học Khoa học Huế, câu chuyện về vùng đất được kể lại từ thời kỳ Đại Việt (1471-1801); thời kỳ của đồ đồng và đồ sắt sớm, Tiên Phước đã được ghi nhận có dấu vết cư trú của con người. Những di tích của nền văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy ở các xã Tiên Hà, Tiên Lãnh như mộ chum có đồ tùy táng là hai khuyên tai hình vành khăn, thuổng sắt, hay di chỉ mộ táng với nhiều đồ gốm, sắt đồng, trang sức... Có dấu tích của người cổ Sa Huỳnh, nhưng đến thời kỳ cách đây gần 400 năm mới có sự thành lập làng, là những dòng họ đầu tiên đến Tiên Mỹ, Tiên Sơn, Tiên Châu, Tiên Kỳ... định cư khoảng 12 đến 15 đời. Sau đó, những người dân ở ngoài Bắc di cư đến đất Tiên Phước nhờ vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên giàu có, thuận lợi cho việc sinh sống của con người, hình thành nên vùng đất với tinh thần cộng đồng, những nghi lễ văn hóa mang tính chất đặc trưng, đậm chất nền văn hóa vùng trung du xứ Quảng.
Cứ thế, câu chuyện tiếp tục được các nhà khoa học đến từ Huế nghiên cứu qua các thời kỳ chúa Nguyễn, Tây Sơn, triều Nguyễn. Lúc này, Tiên Phước đã bắt đầu có sự phát triển của nền kinh tế nông lâm nghiệp, với những đồng ruộng được người dân canh tác 2 mùa trong năm, đã có dùng trâu để giậm lúa. Cùng với việc khai phá vùng đất mở rộng về phía tây, người dân ngoài sống dựa vào rừng thì đã biết khai thác nguồn lợi từ rừng, như làm đồ mỹ nghệ hay đóng thuyền bằng gỗ. Công thương nghiệp lúc này đã xuất hiện ngành nghề thủ công, với các sản phẩm từ rừng như gỗ, quế được cung cấp cho thương cảng Hội An. Đến triều Nguyễn và thời kỳ đầu thực dân Pháp đô hộ, hệ thống chính trị được hoàn thiện hơn. Nhưng đời sống người dân khốn khó hơn do phải chịu sưu cao, thuế nặng, đói nghèo dưới chế độ quân chủ.
Vùng đất tạo nên tính cách con người
Chính thời điểm bị áp bức, chèn ép đã làm thổi bùng các phong trào đấu tranh của nhân dân và sĩ phu vùng đất Hà Đông, Tiên Phước trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trước khi có Đảng, nhiều phong trào đấu tranh của sĩ phu và nhân dân Tiên Phước đã nổ ra như tham gia chống Pháp, phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, phong trào Cần vương, phong trào Duy tân, và phong trào đấu tranh của nhân dân Tiên Phước vẫn cứ tiếp tục phát triển cho đến trước khi có Đảng. Đến khi có tổ chức Đảng lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân, người dân Tiên Phước với tính cách kiên trung, không khuất phục hay nao núng trước đòn roi, nhục hình. Người dân cùng với chính quyền cách mạng quyết liệt đấu tranh cho đến khi có được độc lập, tự do. Những tấm gương được lịch sử được nhân dân khắc tên tạc tượng trong lòng như Lê Cơ, Lê Vĩnh Huy, Trần Huỳnh, Nguyễn Đình Tựu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Vĩnh Khanh... Những danh nhân kiệt xuất trên đều là hiện thân làm rạng danh đất học xứ Quảng. Họ là những nhân vật có tầm ảnh hưởng to lớn với xã hội đương thời và để lại cho hậu thế nhiều phẩm giá cao đẹp của người sĩ phu yêu nước, luôn dấn thân, cương trực, khẳng khái.
Trong hội thảo khoa học nghiệm thu phần tự nhiên và lịch sử Địa chí huyện Tiên Phước, ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá phần tự nhiên và lịch sử đã được các nhà khoa học biên soạn kỹ với nhiều kiến thức địa lý và môi trường chuyên sâu. Nhưng theo ông Tiếng, phần này chưa có sự nghiên cứu về cội nguồn văn hóa đá ở Tiên Phước, đây là một nét văn hóa quan trọng góp phần hình thành nên vùng đất, cuộc sống của con người nên cần được nghiên cứu kỹ hơn trong phần nghiên cứu về tự nhiên và lịch sử của Tiên Phước. Phần lớn các ý kiến tại hội thảo đều đánh giá các nhà khoa học đã có sự nghiên cứu khá kỹ lưỡng về tự nhiên và lịch sử Tiên Phước. Nhưng trong các nghiên cứu, có những phần còn chưa chính xác về vùng đất, có những phần viết quá sâu, quá chi tiết và mang tính nghiên cứu sâu, mà thực ra điều đó không cần thiết. Bí thư Huyện ủy Tiên Phước Phạm Văn Đốc cho rằng, Tiên Phước cần một sự nghiên cứu ngắn gọn về tự nhiên, lịch sử với từ ngữ dễ hiểu để có thể ai đọc cũng hiểu chứ không phải là một nghiên cứu quá chuyên sâu khiến người đọc sẽ khó đọc. Mà mục đích thực hiện Địa chí huyện Tiên Phước nhằm phục vụ cho người dân Tiên Phước, để phổ biến cho học sinh cũng có thể đọc hiểu, và để lại cho đời sau có cơ sở để hiểu về vùng đất Tiên Phước.
LÊ DIỄM