(QNO) - Cũng như nhiều địa phương khác trên đất Quảng Nam, tại các đình miếu, nhà thờ tộc họ... tại khu vực huyện Hà Đông xưa còn lưu nhiều câu đối rất ý nghĩa. Các câu đối ấy vừa thể hiện sự biết ơn của con cháu đối với công lao khó nhọc của của tiền nhân; vừa thể hiện niềm tự hào về quê hương có chiều sâu văn hóa. Nhân dịp đầu xuân, thử đọc một số câu đối có liên quan xa gần đến chủ đề mùa xuân tại các nơi nói trên để biết rõ thêm.
Phía tây thôn Gia Thọ, xã Tam An (huyện Phú Ninh) có ngôi miếu nằm ở vị trí rất đẹp; người địa phương thường gọi là miếu Tướng quân. Chẳng rõ nơi ấy thờ vị tướng của thời nào? Chỉ biết trước miếu không xa có một ngôi mả Voi; cũng chẳng rõ thớt voi nằm trong mả có liên quan gì đến nhân vật được thờ trong ngôi cổ miếu? Từ ngôi mả Voi nhìn thẳng vào miếu có thể thấy đôi câu đối khắc ngay trước bình phong: “Miếu mạo trang nghiêm khai vạn cổ/ Thần ma a hộ ấm hương xuân” (Tạm dịch: Miếu mạo xây nghiêm từ thuở ấy/ Mong Ngài giúp đỡ cảnh luôn xuân). Tại ngôi miếu này có treo tấm bảng kể về sự tích lập làng Gia Thọ. Qua đó, khách qua đường có thể biết nơi đây là quê quán của các cụ phó bảng Nguyễn Dục, tiến sĩ Trần Văn Dư, tiến sĩ Nguyễn Thích và nhiều bậc khoa bảng yêu nước khác mà nhiều vị trong số đó đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp.
Theo đường thiên lý, vào phía nam khoảng hơn cây số có làng Chiên Đàn là lỵ sở của huyện Hà Đông xưa. Tại mặt tiền của ngôi đình cổ hơn 500 năm tuổi này có đôi câu đối: “Thu báo, xuân kỳ, lễ nhạc y quan chi sở/ Địa linh nhân kiệt, phi danh văn vật chi hương” (Tạm dịch: Xuân thu hương khói phụng thờ/ Đất linh, người giỏi, danh thơm lẫy lừng). Nơi đây được truyền tụng là quê hương của nhiều vị dũng tướng Tây Sơn. Thời Nho học thịnh đạt, vùng Chiên Đàn từng là trụ sở học thuật của nho sĩ cả vùng nam Quảng Nam. Từng có một Văn thánh Chiên Đàn uy nghi, một Văn hội nho học đầy thành tích đã góp phần rèn luyện nhiều bậc khoa bảng yêu nước thành tài mà tên tuổi các vị Huỳnh Thúc Kháng, Phan Châu Trinh là tiêu biểu.
Cách làng Chiên Đàn không xa về phía đông nam là làng cổ Phương Hòa. Gia phả của tộc Bùi ở làng này cho biết, từ năm Thiệu Thành thứ 2 (1402) thời Hồ Hán Thương, ông tổ 18 đời của tộc là Bùi Viết Nhân đã cùng thê tử băng rừng vượt suối trong vòng hai tháng từ vùng xã Văn Xá, huyện Thanh Oai, Hà Đông đến cư ngụ tại đây; khi ấy có tên là ấp Bà Môn. Sau đó ông quy dân lập làng Chiên Đàn. Tại một ngôi nhà thờ một nhánh tộc Bùi ở làng Phương Hòa có đôi câu đối: “Vị hiệp chi lan hương mãn thất/ Xuân thâm tùng trúc tú đương đình” (Tạm dịch: Chi lan hương ngát khắp nhà/ Hơi xuân thấm đẫm cả ngoài mái hiên). Lời lẽ toát lên niềm tự hào vô cùng về gia tộc mình - gia tộc đến vùng Tam Kỳ sớm nhất.
Tộc Lê làng Trường Xuân (nay là phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) cũng là gia tộc cũng đến vùng này từ rất sớm - ngay từ thời Hồng Đức (1470 - 1497). Theo gia phả, ông thủy tổ của tộc là Lê Tấn Trung, quê gốc ở phủ Thiệu Thiên, thừa tuyên Thanh Hoa, được vua Lê Thánh Tông bố trí ở lại cai quản vùng đất mới. Vị hoàng thân này, về sau được tuyên xưng là tiền hiền làng. Cũng theo gia phả Lê tộc, làng Trường Xuân có hai vị tướng tham gia phong trào Tây Sơn là các ông Lê Văn Thủ và Lê Văn Long. Tại nhà thờ tộc Lê - Trường Xuân có đôi câu đối: “Trường địa giang sơn thiên cổ quý/ Xuân thiên hoa thảo tứ thời hương” (Tạm dịch: Đất quý nghìn năm bền vững mãi/ Trời xuân hoa cỏ ngát hương đưa). Câu đối này ghép hai từ đầu thành tên làng Trường Xuân và ghép hai âm cuối thành từ “quý hương” gợi lên hình ảnh “ngôi làng danh giá”; tất cả thể hiện niềm tự hào sâu sắc của con cháu về công tích mở cõi của cha ông. Trong tư liệu của tộc Lê làng Trường Xuân cũng còn lưu hai câu “Trường tồn tôn tử thịnh/ Xuân lai quân dân hưng” (Tạm dịch: Cháu con thịnh đạt lâu dài/ Nước nhà hưng vượng giữa mùa xuân vui) đều thể hiện những ý nghĩa tốt đẹp đã nêu trên.
Ven sông Tam Kỳ có ấp Hương Trà (nay thuộc phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ). Ấp này cùng với ấp Hương Sơn là hai đơn vị hành chính đầu tiên của làng Tam Kỳ, thành lập từ cuối thế kỷ 16 do hai ông Trần Văn Nghiêm và Nguyễn Đăng Vinh cùng đứng tên đồng tiền hiền. Đình làng Tam Kỳ xưa hiện không còn. Người đời sau tái lập đình ở ấp Hương Trà để tưởng nhớ ngôi đình xưa đã mất dấu tích. Hiện nay, tại đình Hương Trà có đôi câu đối mang hơi hướm mùa xuân với nhiều hình ảnh nên thơ: gió mát, sông trong, hoa thơm, cỏ thắm... “Hương địa thủy phong thanh, vạn cổ giang san y cảnh cựu/ Trà thiên tinh nguyệt lãng, tứ thời ba thảo hoán minh tân” (Diễn dịch: Đất lành gió mát sông trong/ Đứng trông cảnh cũ mà lòng lâng lâng/ Trăng sao lãng đãng xa gần/ Bốn mùa thành một mùa xuân rạng ngời). Có đặt chân đến “con đường sưa Hương Trà” ven sông Tam Kỳ vào một đêm xuân mới cảm nhận được hết ý tình mà người viết câu đối muốn gửi gắm.
Đối diện ấp Hương Trà, bên kia sông có ấp Phú Bình (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành)). Đây là nơi an nghỉ của bốn vị tiền hiền của làng Phú Hưng xưa thuộc các tộc Nguyễn, Trần, Lê, Đỗ. Tại nhà thờ tộc Lê làng Phú Hưng có câu đối: “Bình lâm Cổ Lũng điền thiên mẫu/ Phủ khám tình giang thủy nhất hoằng” (Tạm dịch: Đến vùng Cổ Lũng khai nghìn mẫu/ Ven một giòng sông nước rất trong). Cổ Lũng là tên xưa của vùng đất này. Chẳng rõ hai từ đầu của câu đối “Phủ” và “Bình” có phải là ghép lại theo tên ban đầu của ấp Phú Bình? Cần phải tìm hiểu thêm! Bởi, khi đặt các câu đối trên miếu vũ, đình làng, nhà thờ tộc... người xưa đều muốn lưu lại một dấu tích nào đó cho con cháu mai sau.
Cũng với ý lưu dấu tích nói trên, ta gặp tại nhà thờ tộc Trần Hữu ở làng Khương Mỹ (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) câu đối: “Phú Quý xuân hoa hồng vũ hậu/ Đức Hòa kiều thụ tráng phong tiền” (Diễn xuôi: Hoa xuân ở tổng Phú Quý tươi thắm sau mưa/ Cây cao ở tổng Đức Hòa sum suê trước gió). Đây là câu đối lưu lại một thực tế thay đổi địa giới hành chính: Làng Khương Mỹ vốn trước thuộc tổng Phú Quý sau giao về tổng Đức Hòa. Cả hai tổng đều thuộc phạm vi huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa.
Trong các làng xã ven các con sông ở Tam Kỳ chỉ có làng Tứ Bàn (nay thuộc hai phường Hòa Hương và Phước Hòa, TP.Tam Kỳ) là thành lập muộn nhất. Phần lớn diện tích đất của làng này thuộc xứ Truông Dài của làng Tam Kỳ. Tên đầy đủ của làng mới lập là Tứ Chánh Bàn Thạch. Nó nằm ven triền sông Phước Xuyên. Giữa lòng con sông này có một khối đá rất lớn; vì thế, từ xưa sông này còn gọi là Bàn Thạch. Do những xuất xứ đó, tại nhà thờ Thất phái tiền hiền làng Tứ Bàn có đôi câu đối: “Bàn Thạch tự thiên khai, hạ ốc cừ cừ quang tổ ấm/ Truông Dài bồi địa thắng, xuân phong diếu diếu phát tôn chi” (Tạm dịch: Đá tảng tự trời sinh, nhà cửa dày liền nương phước tổ/ Truông Dài thêm đất tốt, cháu con phát triển tựa hơi xuân). Có đến ven sông vùng này vào một chiều xuân mới cảm nhận hết ý nghĩa của cụm từ “xuân phong diếu diếu” (gió xuân hây hẩy) mà người xưa đã nhẹ nhàng phô diễn.
Phía đối diện làng Tứ Bàn, tại thôn Quý Thượng làng Quảng Phú (nay thuộc phường an Phú, TP.Tam Kỳ) có nhà thờ tộc Nguyễn - một tộc đồng tiền hiền làng Tứ Bàn nhưng sau chuyển sang định cư bên kia sông. Tộc này nổi tiếng có nhiều người văn hay, chữ tốt - trong đó có ông Nguyễn Quý Hương từng một thời làm thư ký tại tòa soạn báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tại ngôi nhà thờ nói trên có câu đối với dòng lạc khoản đề tên ông Nguyễn Quý Hương trang tặng như sau: “Sắc hoán đan thanh quang tự vũ/ Hương đằng lan ngọc mãn đình giai” (Tạm diễn xuôi: Ánh dương luân chuyển như nét vẽ làm sáng cả ngôi nhà thờ tộc/ Hương của cỏ hoa quanh vườn thơm lừng từ trong nhà ra đến bậc thềm). Điểm tài tình của câu đối này là vẽ nên một bức tranh xuân sống động mà không dùng bất kỳ một từ “xuân” nào.
P.B