Giao thông - Xây dựng

Cầu giao thông thuộc dự án trọng điểm phía tây bắc:Vướng mặt bằng đường dẫn

Trần Công Tú, Hồ Trần Minh Quân 11/03/2024 14:43

(QNO) - Các cầu vượt sông thuộc 3 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đang triển khai phía tây bắc Quảng Nam đang được đẩy nhanh tiến độ, nhưng gặp vướng mắc mặt bằng đường dẫn.

2.jpg
Đại diện chủ đầu tư, lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc kiểm tra thực tế vướng mắc mặt bằng thi công đường dẫn bờ nam cầu An Bình (xã Đại Minh). Ảnh: CÔNG TÚ

Cầu An Bình vướng... nhiều công trình

Ngày 22/2/2022, tại huyện Đại Lộc, dự án đường nối ĐT609C đến quốc lộ (QL) 14B được thông báo khởi công xây dựng; ngày hoàn thành theo hợp đồng là 17/11/2024. Dự án có hạng mục rất quan trọng là cầu An Bình bắc qua sông Vu Gia.

Chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh) cho biết, kế hoạch là đến ngày 30/4 hợp long cầu An Bình; ngày 30/6 thảm xong bê tông nhựa đoạn đã bàn giao mặt bằng và cầu An Bình. Nếu mặt bằng bàn giao toàn bộ trước ngày 30/4, nhà thầu sẽ thi công hoàn thành dự án trong năm 2024.

Về khai thông mặt bằng, Đại Lộc bàn giao được 3,03/3,93km. Đại diện liên danh nhà thầu thi công dự án, ông Trần Quyết Thắng - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng cho biết, địa phương đã bàn giao 77% mặt bằng, song thực tế nhà thầu tiếp cận để thi công được chỉ hơn 60%. Nguyên do mặt bằng không liên tục, bởi vướng đường dây điện trung và hạ thế, trạm biến áp, nhà máy chế biến thức ăn gia súc, trạm Mobiphone thuộc địa phận xã Đại Quang.

000.jpg
Gần nút giao với QL14B còn vướng mặt bằng 3 trạm biến áp. Ảnh: CÔNG TÚ

Ông Thắng đơn cử, đường dây điện 22kV thuộc Công ty CP Thủy điện Sông Vàng quản lý đang án ngữ, việc thi công cọc cát để xử lý nền đất yếu không thể tiến hành. Trong khi đó, công đoạn xử lý nền đất yếu phải mất nhiều tháng trời. Chủ đầu tư cho hay, địa phương đã lựa chọn xong nhà thầu xây dựng khu tái định cư (TĐC), nhưng mặt bằng để làm khu TĐC chưa giải tỏa xong.

Chính vì thế, chủ đầu tư kiến nghị huyện Đại Lộc đôn đốc di dời đường dây điện trung và trạm biến áp (đoạn giáp QL14B) ra khỏi phạm vi giải phóng mặt bằng. Làm việc với các đơn vị quản lý di dời hạ tầng tại nút giao ĐT609. Lập phương án bồi thường đối với các hộ bị ảnh hưởng nhà và đất ở, đất màu còn lại qua xã Đại Minh và xã Đại Quang. Khẩn trương xây dựng các khu TĐC để bố trí cho các hộ bị giải tỏa trắng, hoàn thành bàn giao trước ngày 30/6/2024.

Còn nhiều hộ dân chưa di dời

cau-song-thu.jpg
Cầu Sông Thu nối liền xã Duy Tân (Duy Xuyên) với xã Đại Thắng (Đại Lộc). Ảnh: CÔNG TÚ

Dự án đường nối QL14H đến ĐT609C được phát lệnh khởi công xây dựng ngày 5/9/2022, điểm nhấn chính là cầu Sông Thu bắc qua sông Vu Gia, nối liền đôi bờ Duy Xuyên - Đại Lộc. Đến thời điểm này, nhà thầu làm xong 2 mố, 11/15 trụ; còn 3 trụ đang thi công (trụ T2 vướng mặt bằng bờ Duy Xuyên)...

[CLIP] - Chủ đầu tư, lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc kiểm tra hiện trạng vướng mắc mặt bằng thi công đường dẫn các cầu:

Về đường dẫn, đoạn tuyến phía Duy Xuyên thảm bê tông nhựa lớp 1 và đóng điện chiếu sáng dài 350m. Thuộc địa phận Đại Lộc, nhà thầu thảm xong bê tông nhựa lớp 1 và hoàn thành điện chiếu sáng dài 600m. Giá trị thực hiện hợp đồng xây dựng dự án đạt 110/287 tỷ đồng (38%). Nhà thầu phấn đấu ngày 2/9/2024 hoàn thành toàn bộ đoạn phía Đại Lộc và thông xe qua cầu Sông Thu.

Chủ đầu tư cho hay, Duy Xuyên bàn giao được 3,5/4,1km (đạt 85%); phía Đại Lộc 0,84/1,0km (đạt 84%) chiều dài mặt bằng. Như vậy, mặt bằng làm đường dẫn phía Đại Lộc còn vướng 160m, liên quan 12 hộ và 1 tổ chức (3 hộ giải tỏa trắng). Để bố trí nơi ở mới cho hộ bị giải tỏa trắng, TĐC ở xã Đại Thắng phải được xây dựng. Tuy nhiên, quyết định phê duyệt giá đất cụ thể mới được ban hành.

Riêng 160m đường, giá đất cụ thể chưa có nên chưa thể lập phương án bồi thường. Để đảm bảo kế hoạch thi công đề ra, chủ đầu tư kiến nghị huyện Đại Lộc sớm phê duyệt giá đất cụ thể đoạn tuyến còn lại để lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho 12 hộ và 1 tổ chức; di dời 4 trụ điện và bàn giao mặt bằng trước ngày 30/4; riêng 3 hộ giải tỏa trắng trước ngày 30/6.

Đường dẫn cầu Văn Ly vướng đất nông nghiệp

Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh - ông Nguyễn Văn Thường cho biết, ngoài 2 dự án nêu trên, đơn vị còn được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tự dự án cầu Văn Ly và đường dẫn (nối Điện Bàn với Đại Lộc). Công trình được phát lệnh khởi công tháng 9/2023. Sau khi Điện Bàn bàn giao mặt bằng thi công cầu, đến nay nhà thầu làm xong mố M1, trụ T1, trụ T8; đang hoàn thiện phần thân các trụ T5, T6, T7, mố M2…

5.jpg
Cuối tuần qua, đại diện chủ đầu tư làm việc với UBND huyện Đại Lộc để tìm giải pháp tháo gỡ ách tắc mặt bằng các công trình giao thông trọng điểm vừa nêu. Ảnh: HỒ QUÂN

Đường dẫn cầu Văn Ly đoạn qua Đại Lộc (dài 2,61km) chủ yếu liên quan đến đất nông nghiệp (2,41km) và đất ở (0,2km). UBND tỉnh đã chọn đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030), cho nên phải hoàn thành toàn bộ trước tháng 9/2025. Do vậy, huyện cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (sau khi hồ sơ trích đo địa chính được phê duyệt).

Theo đó, mặt bằng các thửa đất nông nghiệp phải bàn giao trước ngày 30/4/2024, các thửa đất ở không ảnh hưởng nhà ở bị giải tỏa (hoặc nhà bị ảnh hưởng một phần) và các loại đất khác bàn giao trước ngày 30/9/2024. Hoàn thành khu TĐC, bố trí cho các hộ dân bị giải tỏa trắng trước ngày 31/12/2024.

Làm việc với chủ đầu tư và các nhà thầu cuối tuần qua, ông Lê Đỗ Tuấn Khương - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc đã chỉ đạo đơn vị, địa phương liên quan tháo gỡ từng vướng mắc. Ông Khương cho biết, từ nay, lãnh đạo UBND huyện sẽ họp mỗi tuần 1 lần để nghe vướng mắc giải phóng mặt bằng và tìm hướng kịp thời tháo gỡ.

Tại cuộc họp, các bên liên quan thống nhất ký cam kết, quyết tâm đạt mục tiêu với các mốc thời gian chủ đầu tư đã nêu, đảm bảo hoàn thành các công trình chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Nam (24/3/1975 - 24/3/2025) và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu giao thông thuộc dự án trọng điểm phía tây bắc: Vướng mặt bằng đường dẫn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO