Cầu học - cầu tiến bộ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 19/08/2018 02:54

Cuối tuần này, tại Quảng Nam diễn ra những hoạt động giao lưu văn hóa Việt - Nhật. Thêm tin vui trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Nhật, Nhật Hoàng đã trao tặng Huân chương Thụy Bảo Vàng cho GS.Trần Văn Thọ, một người con của quê hương Quảng Nam đã có nhiều cống hiến to lớn cho việc phát triển quan hệ kinh tế và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước trong 50 năm qua. Từ các sự kiện nêu trên, lại nhắc nhớ về phong trào Đông du với ý nghĩa về việc cầu học để cầu tiến bộ.

Vinh dự thay khi lịch sử chọn Quảng Nam làm nơi khởi xướng cho phong trào Đông du khi thành lập Hội Duy tân (1904) mà chí sĩ Phan Bội Châu và Tiểu La Nguyễn Thành chủ trương cùng 20 đồng chí. Phong trào Đông du đã vận động sự ủng hộ của các sĩ phu cùng phú thương trong nước, các nhân sĩ người Nhật, để đưa thanh niên du học Nhật Bản, nhằm chuẩn bị lực lượng cho công cuộc đấu tranh giành độc lập. Theo nhiều tài liệu lịch sử, trong giai đoạn phát triển cao trào nhất (1906 – 1908), phong trào Đông du đã đưa được khoảng hơn 200 thanh niên Việt Nam du học Nhật Bản. Tại Nhật Bản, du học sinh được thụ hưởng chương trình giảng dạy phong phú, từ học tiếng Nhật, học tri thức phổ thông, kể cả kiến thức, kỹ năng quân sự. Hội Việt Nam Công hiến cũng được cụ Phan thành lập (10.1907) tại Nhật để giúp đỡ lưu học sinh. Phong trào Đông du có sự cổ vũ, tạo điều kiện của hai nhân vật quan trọng trong Đảng Tiến Bộ đang cầm quyền ở Nhật lúc bây giờ là Okuma Shigenobu và Thủ tướng Inukai Tsuyoshi. Đặc biệt, một người Nhật được xem là ân nhân của lưu học sinh Việt Nam – bác sĩ Asaba Sakitaro, đã ủng hộ rất nhiều công sức tiền của cho phong trào Đông du.

Rõ ràng, phong trào Đông du đã tạo nên dấu ấn lịch sử với công cuộc xiển dương cho việc cầu học – cầu tiến bộ, mong muốn Việt Nam được độc lập tự chủ và tự cường như nước Nhật. Trong khi đó, cũng tại quê nhà Quảng Nam, các chí sĩ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng lại khởi xướng phong trào Duy tân (1906), cũng với mục tiêu cầu tiến bộ. Sau đó có những thanh niên qua phương Tây du học. Như thế có thể nói Đông du hay Tây du đều hướng đích làm cho thanh niên Việt Nam có điều kiện nắm bắt các tri thức mới của thế giới, cầu tiến bộ để trở về phụng sự Tổ quốc.  

Trở lại câu chuyện về mối quan hệ với Nhật Bản càng thấy dấu ấn Quảng Nam trong lịch sử bang giao rất đặc biệt. Có lẽ những người tổ chức phong trào Đông du đã hiểu biết ít nhiều về người Nhật qua thương cảng Hội An. Bởi thương gia người Nhật là Chaya Shinrojiro đến Hội An từ rất sớm (khoảng từ 1615-1624). Vị thương gia này đã lập bản đồ hàng hải “Giao chỉ mậu dịch hải đồ”, và vẽ bức tranh về Hội An. Cũng đã có thêm nhiều người Nhật nữa đến định cư tại Hội An và đã lập nên phố Nhật (khoảng năm 1617). Có những người Nhật đã được chúa Nguyễn bổ chức Tổng bang trưởng Hội An như ông Dimigo (từ 1633 -1636), Hayadhi (từ 1637), Kodoya Shichi Irobei (1668). Học từ các tân thư, cộng với hiểu biết về người Nhật ở Quảng Nam, tiếp đến là dư vang của thời Minh Trị duy tân, là những cơ sở để lập thành ý tưởng dấy lên phong trào du học nhằm khai dân trí, chấn dân khí.

Đi du học thời phong trào Đông du quá khó khăn, lại phải trốn tránh sự tầm nã của thực dân Pháp, nhưng chí khí của lớp thanh niên ngày ấy là đi cầu học để cầu tiến bộ, không phải để vinh thân phì gia mà tìm con đường tranh đấu vì tự chủ, tự cường cho quốc gia, dân tộc. Đó thực sự là bài học lịch sử sâu sắc, còn nguyên ý nghĩa thời đại dù đã hơn trăm năm trôi qua kể từ khi khởi xướng cuộc Đông du.
Việc du học ngày nay đã trở nên dễ dàng với người Việt. Chỉ riêng tại Nhật Bản, hiện đã có khoảng 54 ngàn lưu học sinh Việt Nam. Nhờ mối quan hệ ngoại giao thân thiện, cởi mở, chính phủ và các tổ chức giáo dục ở Nhật Bản đã dành nhiều chương trình du học cho thanh niên Việt Nam, và Nhật đang là quốc gia phát triển có nền giáo dục thuộc hàng tân tiến trên thế giới. Tuy nhiên cần thức nhận lại giá trị  và ý nghĩa của việc đi du học không phải để chạy theo phong trào cầu hư danh một cách vô lối. Có lẽ cần tham chiếu mục đích du học bằng ý nghĩa thực tế, với hình mẫu con đường 50 năm du học và làm việc tại Nhật của GS.Trần Văn Thọ, là sự tiếp nối tinh thần cầu học - cầu tiến bộ mà cha ông thuở trước đã thực hành.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu học - cầu tiến bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO