Trong chuyến công du châu Á kéo dài một tuần, Giáo hoàng Francis đã “lặng người’ và rất xúc động trước câu hỏi của một bé gái Philippines, khi em nói những nỗi đau mà nhiều trẻ em phải gánh chịu.
Tại buổi lễ ở Santo Tomas - một trường đại học ở thủ đô Manila của Philippines, cô bé Glyzelle Palomar, 12 tuổi đứng trước đám đông khoảng 30 nghìn người và nói: “Rất nhiều đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Rất nhiều trẻ em bị dính vào ma túy và mại dâm. Tại sao Chúa lại để điều đó xảy ra với chúng con. Trẻ em không có tội gì cả”. Những người có mặt tại buổi lễ rất ngạc nhiên về câu hỏi của một đứa bé ngây thơ nhưng lại có cái nhìn rất sâu sắc về thế giới đang xảy ra xung quanh em. Nhất là câu hỏi đó khiến người đứng đầu tòa thánh Vatican quá đỗi xúc động. Giáo hoàng Francis đã ôm chặt cô bé vào lòng và nói: “Cô bé là người duy nhất đưa ra câu hỏi mà chúng ta không thể đưa ra câu trả lời. Cô bé thậm chí không diễn đạt được bằng lời nhưng những giọt nước mắt đã nói lên tất cả”.
Giáo hoàng Francis xúc động ôm cô bé Glyzelle Palomar. (Nguồn ảnh: AFP) |
Câu hỏi của cô bé Glyzelle Palomar nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng xã hội, làng báo và truyền thông thế giới, lay động không biết bao trái tim. Rõ ràng, tiếng nói của em không chỉ giới hạn về những gì đang xảy ra ở quê hương em mà dường như đại diện cho hàng triệu tương lai tươi sáng, đầy hứa hẹn của những đứa trẻ ngây thơ, vô tội trên thế giới đang bị đánh cắp tuổi thơ. Một câu hỏi tuy ngắn gọn nhưng cũng đủ làm thổn thức bao người và đánh động những suy nghĩ và hành động của những bậc làm cha mẹ, những người lớn hay xã hội nơi các em đang sinh sống. Cô bé Glyzelle Palomar cũng từng bị bỏ rơi và từng là một đứa trẻ vô gia cư trước khi được một nhà thờ ở Manila đón về nuôi. Năm 2009, Quỹ Bảo trợ trẻ em Philippines cho biết, nước này có khoảng 1,2 triệu trẻ em sống lang thang trên đường phố, 35,1% trẻ em sống trong nghèo đói.
Chiến tranh, nghèo đói, bệnh tật, hôn nhân tan vỡ, sự bất bình đẳng trong xã hội, không được học hành… được xem là những nguyên nhân chính không những đẩy hàng triệu trẻ em bị mồ côi, bị bỏ rơi mà các em còn trở thành nạn nhân của hàng loạt các tệ nạn xã hội.
Câu hỏi của cô bé Glyzelle Palomar đã không tìm được lời giải đáp. Vì thế, tình trạng trẻ em trên thế giới - những nạn nhân của các tệ nạn xã hội chưa thể chấm dứt, tương lai của nhiều em sẽ không được trả lại. Lời nói của Giáo hoàng Francis như gợi ý để kêu gọi lòng trắc ẩn của mọi người trên trái đất này. Rằng chỉ khi nào, mỗi một con người biết thương, biết khóc khi nhìn thấy một đứa trẻ đói khát, một đứa trẻ đường phố dùng ma túy, một đứa trẻ vô gia cư, một đứa trẻ cơ nhỡ, một đứa trẻ bị lạm dụng, một đứa trẻ mà xã hội xem như nô lệ thì khi đó, mọi người sẽ thay đổi những hành động của mình để cuộc sống của các em trên thế giới sẽ tươi đẹp hơn.
KIM OANH