Câu lạc bộ máu sống của làng

NGUYỄN TRƯỜNG HAI 22/02/2014 11:37

Làm nghề nông quanh năm chân lấm tay bùn nhưng mỗi khi có trường hợp cấp cứu cần máu là người dân xã Đại Cường (huyện Đại Lộc) luôn có mặt kịp thời. Toàn xã có 2.300 hộ dân, gần như năm nào cũng hiến hơn 200 đơn vị máu, hầu như mỗi hộ ở đây đều có người từng đi cho máu.

 “Chuyện dân xã tôi đi hiến máu, nếu cách đây hơn chục năm, thiệt khó như bắc thang lên trời bởi người dân sợ đủ thứ: có người sợ kim tiêm lây nhiễm bệnh, có người bảo người có vài lít máu, cho đi lấy chi đi làm” - ông Nguyễn Văn Tám, Chi hội trưởng Hội Chữ thập đỏ xã Đại Cường vừa cười vừa kể lại những ngày đầu đi vận động bà con hiến máu hơn 10 năm trước. Ngày ấy, Hội Chữ thập đỏ huyện phát động phong trào hiến máu cứu người, giao chỉ tiêu mỗi địa phương 30 đơn vị máu/năm. Ông Tám và các anh em bên hội nông dân lo sốt vó vì không biết tìm đâu ra người hiến máu. Thế là ông đi nhờ cán bộ xã, đoàn thanh niên hiến máu và vận động thêm các hộ dân trong xã. Sợ bà con không chịu đi, ông chắc nịch: “Mọi người xem nhé, tui hiến máu về mà ăn ngon, ngủ khỏe, tăng ký thì mọi người cũng đi hiến theo tui nhé. Rồi liên tục trong những tuần sau đó, mỗi bữa cơm tui đều ép mình ăn thêm để tăng ký”.

Đó là chuyện của những ngày đầu. Còn bây giờ, những khi có đoàn đến lấy máu thì cả xã Đại Cường như một ngày hội. Trạm y tế, trụ sở ủy ban xã luôn kín người đi đăng ký hiến máu, người dân í ới hỏi nhau có được hiến máu hay không. Cả xã có 2.300 hộ dân nhưng năm nào cũng hiến ngót nghét 200 đơn vị máu. “Bệnh viện lấy theo nhu cầu, thông thường ưu tiên lấy máu thanh niên và đàn ông trung niên trước mà người đăng ký thường đông gấp ba lần nên nhiều khi bà con phải ra về. Bà con nông dân coi việc cho máu định kỳ như là dịp để kiểm tra sức khỏe”- anh Nguyễn Thanh Hòa, Bí thư Đoàn xã Đại Cường cho biết. Tại 7/9 thôn của xã đã có câu lạc bộ hiến máu tình nguyện. Quảng Đại 1, Quảng Đại 2, Gia Bắc, Ô Gia Nam…, những thôn này đều có hơn 40 tình nguyện viên là nông dân đăng ký hiến máu mỗi năm hai lần. Ngoài ra, bất kể khi nào có người cần máu thì các thành viên đều sẵn sàng hiến tặng.

Bác sĩ Nguyễn Đức Hối - Trưởng khoa Xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam) nhận xét, hiếm có nơi nào mà người dân lại nhiệt tình tham gia cho máu như ở xã Đại Cường. “Chúng tôi có danh sách của hơn 200 người dân của xã Đại Cường với đủ nhóm máu, bất cứ khi nào có người cần máu khẩn cấp chúng tôi kêu gọi, họ đều đến kịp thời” – bác sĩ Hối nói.

Xã Đại Cường chỉ nằm cách trung tâm huyện chưa đầy năm cây số nên mỗi khi có trường hợp nguy cấp cần máu thì các bác sĩ ở thị trấn thường gọi lên đường dây nóng của Hội Chữ thập đỏ xã. Những khi như thế, ông Tám, anh Hòa cùng những thành viên liền tức tốc lên đường. Toàn xã cũng có hơn chục trường hợp cho máu đến lần thứ 15 như chị Lê Thị Hà, Nguyễn Thị Hại, ông Trần Rê… Người hiến máu kỳ cựu nhất của xã Đại Cường là anh Đỗ Minh Trường (thôn Ô Gia Nam) với hơn 20 lần. “Có lần tôi vội đi cho máu một ông già bị té xe ở xã Đại Thắng nên không mang tiền. Lúc về giữa đường xe hỏng, dắt về tới mà mệt muốn đứt hơi nhưng cứ nghĩ nếu giọt máu của mình mà cứu sống được mạng người thì thấy ý nghĩa, những lần sau lại tiếp tục làm” - anh Trường thật thà. Cầm trên tay xấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện, ông Trần Rê (thôn Quảng Đại 2) không nhớ nổi mình đã cho đi những giọi máu quý bao nhiêu lần. Ông chỉ nhớ lại lần đầu: “Tối đó tui với vợ đi thăm người bà con trên bệnh viện huyện thì nghe ngoài hành lang có người nhỏ to chuyện cần máu. Tui bèn chạy ra thử máu, thấy mình cùng nhóm máu, thế là cho luôn”. Những lần cho máu đột xuất không cần lấy giấy chứng nhận hay khoản tiền bồi dưỡng với ông Rê cũng không phải là hiếm. Cả gia đình ông Rê hết thảy 5 người thì chưa ai hiến máu dưới năm lần.

NGUYỄN TRƯỜNG HAI

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Câu lạc bộ máu sống của làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO