Cầu mưa

TƯ RUỘNG 04/06/2013 08:20

Cuối tuần rồi, anh Chín Tiên Phong ở huyện Tiên Phước gọi điện than thời tiết khô hạn khốc liệt, ruộng không có lấy một giọt nước nên không xuống giống được. Thấy tình hình căng thẳng nên hôm qua Tư Ruộng quyết định tìm về quê anh Chín Tiên Phong để tìm hiểu thực tế. Đứng trưa, nắng hầm hập, nhìn 3 sào ruộng lởm chởm đất cục của mình, anh Chín lắc đầu: “Thu hoạch lúa đông xuân xong là tui lập tức cày ải và chuẩn bị đủ nguồn giống chất lượng để chủ động triển khai gieo sạ trà 1 vào giữa tháng 5.2013 theo khung thời vụ mà ngành nông nghiệp đưa ra. Thế nhưng, từ cuối tháng 4 dương lịch đến nay, nắng nóng kéo dài trên diện rộng, kênh không một giọt nước nên chẳng thể nào gieo sạ được”.

Theo tìm hiểu của Tư Ruộng tôi, lâu nay cả 3 sào đất lúa của anh Chín Tiên Phong đều lấy nước tưới từ đập Phấn. Vụ đông xuân vừa rồi, nhờ con đập ấy dồi dào nước nên ruộng lúa phát triển rất tốt, bình quân mỗi sào anh thu được ít nhất 260kg thóc thịt. Tuy nhiên, gần 2 tháng trở lại đây, nắng nóng khốc liệt, trời chẳng chịu mưa khiến đập Phấn cạn kiệt dần. Anh Chín nói: “Do toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa của tui đều nằm ở khu vực cuối kênh, trong khi đó rất nhiều đoạn đang bị bồi lấp nghiêm trọng, hơn nữa bây giờ nước của đập Phấn lại quá ít nên không thể chảy về ruộng được”. Lội khắp thôn 3 của anh Chín Tiên Phong, đâu Tư tôi cũng thấy nông dân rầu lòng bên những chân ruộng đã cày lên khô khốc. Theo người dân địa phương, cũng vì dung tích nước của đập Phấn tụt giảm mạnh nên hơn 300 sào đất canh tác lúa thuộc khu vực cuối kênh ở nơi đây phải đành chấp nhận bỏ hoang.

Trời ngả bóng chiều, ghé thăm cô Ba Tiên Sơn, Tư Ruộng lại nghe người phụ nữ ngoài 50 tuổi này than về chuyện nước tưới. Chỉ tay về phía 13kg giống lúa thuần CH207 để nơi góc nhà, giọng cô Ba buồn thiu: “Theo kế hoạch thì cách đây nửa tháng vợ chồng tui phải đồng loạt gieo sạ 4 sào ruộng bằng loại giống dài ngày này. Thế nhưng, do hồ chứa Thắng Lợi bị cạn kiệt, đất sản xuất lại nằm ở cuối kênh dẫn nên chẳng có lấy giọt nước để đổ ải gieo sạ. Nếu tình trạng ni cứ tiếp tục kéo dài thì chắc phải ôm bao lúa giống trút cho gia súc”.

Một ngày ở Tiên Phước, băng qua rất nhiều cánh đồng, nơi nào Tư Ruộng cũng thấy cảnh đất ruộng bỏ hoang. Ông Đinh Thương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, hè thu này nông dân toàn huyện gieo sạ 1.600ha lúa, giảm 800ha so với vụ đông xuân vừa rồi. Theo ông Thương, nguyên nhân khiến diện tích canh tác lúa tụt giảm mạnh là do tất cả 8 hồ chứa trên địa bàn chỉ trữ được 50% dung tích nước, trong khi đó vì ngân sách quá eo hẹp nên hệ thống thủy lợi ở nhiều địa phương chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Ông Thương nói: “Nhằm giúp nông dân có nguồn thu nhập, hiện nay ngành nông nghiệp huyện và chính quyền cơ sở đang tích cực vận động bà con chuyển 800ha đất lúa không chủ động nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn chủ lực có sức chịu hạn tốt như đậu phụng, sắn, bắp lai, đậu xanh, mè. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này đang gặp rất nhiều khó khăn vì thời gian qua trời chẳng chịu mưa khiến nhà nông không thể triển khai gieo trồng được”.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO