Cầu nối giữa Đảng với dân

VINH ANH (thực hiện) 15/10/2013 14:38

Nhân kỷ niệm 83 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đã dành cho phóng viên Báo Quảng Nam cuộc trao đổi về những kết quả đạt được cũng như yêu cầu triển khai công tác dân vận trong tình hình mới theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) vừa qua. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung cho biết:

Thời gian qua, công tác dân vận của các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền và nhân dân. Chính vai trò “cầu nối” này đã góp phần củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Ban Dân vận các cấp đã thực hiện tốt vai trò tham mưu cấp ủy triển khai quán triệt, kiểm tra, giám sát và sơ kết, tổng kết việc thực hiện chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận. Các cấp đã triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 12.10.2009 của Tỉnh ủy “về công tác dân vận trong tình hình mới”; Quyết định số 290 -QĐ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 1422 -QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”... Ngoài ra, cán bộ làm công tác dân vận đã thường xuyên sâu sát với cơ sở, nắm chắc tình hình đời sống, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân để phản ánh, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, phát sinh...

Dân vận “khéo” thì việc gì cũng thành công. Ảnh: VINH ANH
Dân vận “khéo” thì việc gì cũng thành công. Ảnh: VINH ANH

- PV: Thưa đồng chí, những mô hình, những lĩnh vực hoạt động nào trong công tác dân vận những năm qua có thể được xem là tiêu biểu và đem lại thành công nhiều nhất?

- Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung: Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước đã có nhiều chuyển biến tốt thông qua công tác cải cách bộ máy hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ công chức. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng được các cấp, các ngành quan tâm. Các đơn vị lực lượng vũ trang đã phối hợp làm tốt công tác dân vận, giữ vững mối quan hệ gắn bó giữa quân với dân, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Ngành dân vận đã phối hợp với các cấp, ngành cùng chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương, giúp bà con phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa; phát huy vai trò của già làng, trưởng bản trong cuộc vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và xây dựng nông thôn mới...

Để thích ứng yêu cầu trong từng giai đoạn, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận thường xuyên được củng cố và tăng cường, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng công tác dân vận của Đảng. Với vai trò, nhiệm vụ của mình, ngành dân vận các cấp tham mưu cấp ủy đảng lãnh đạo, định hướng hoạt động của Mặt trận, đoàn thể và các hội quần chúng, tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, thường xuyên phát động đoàn viên, hội viên thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt công tác nhân đạo từ thiện, xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế... Những việc làm đó đã nâng cao vai trò hiệu quả hoạt động của Ban Dân vận các cấp, nhất là trong thực hiện phong trào “Dân vận khéo”, tham gia xây dựng nông thôn mới.

- PV: Công tác dân vận thời gian tới sẽ có nhiều thuận lợi hơn, khi tại Hội nghị lần thứ 7 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Theo đồng chí, đâu là những nét mới cần chú ý tại nghị quyết này?

- Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung: Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính là nét mới trong tinh thần của nghị quyết. Theo đó, chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận theo tinh thần Chỉ thị số 18/2000/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 5.6.2009 về tăng cường công tác dân vận trong tình hình mới và Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 12.10.2012 của UBND tỉnh về tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian làm việc trong các cơ quan, đơn vị. Trong đó, nâng cao chất lượng về cải cách hành chính, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân; làm tốt công tác thanh tra nhân dân, công tác hòa giải ở cơ sở và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu vừa mang tính cấp bách vừa lâu dài đó là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng.

- PV: Không riêng gì ngành dân vận, hoạt động của tất cả các ngành, đơn vị đều gắn liền với công tác dân vận. Theo đồng chí, thời gian đến công tác dân vận cần triển khai ra sao để mang lại hiệu quả, chuyển biến hơn trước?

- Đồng chí Nguyễn Thị Kim Dung: Điều trước tiên, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng cần phải đổi mới để tập hợp nhân dân. Công tác dân vận phải tiếp tục làm tốt khâu tuyên truyền vận động, tập hợp quần chúng nhân dân thành lực lượng xã hội rộng lớn tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải kết thành một khối vững chắc, làm nên sức sống các phong trào thi đua. Vận động và tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy tiềm năng, sức sáng tạo, tích cực lao động, học tập, sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng cho mình, cho cộng đồng và đất nước; tham gia đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí quan liêu, đấu tranh với các loại tội phạm, các tiêu cực trong xã hội.

- PV: Xin cám ơn đồng chí!

VINH ANH (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu nối giữa Đảng với dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO