Công đoàn cơ sở (CĐCS) trong các doanh nghiệp (DN) khu vực ngoài nhà nước có vai trò khá quan trọng, là cầu nối giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. Một số nơi CĐCS hoạt động khá hiệu quả, nhưng một số nơi còn xem nhẹ.
Hoạt động gặp khó
Các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 240 CĐCS khu vực ngoài nhà nước, trong các loại hình DN tư nhân, liên doanh nước ngoài, có vốn nước ngoài, nghiệp đoàn. Số CĐCS thành lập được so với số hơn 3 nghìn DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh còn quá khiêm tốn, đó là chưa kể một số nơi có thành lập công đoàn nhưng không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả. Trừ một số nơi, chủ sử dụng lao động quan tâm đến đời sống của người lao động, thì CĐCS hoạt động mạnh và thuận lợi hơn. Lúc này, CĐCS sẽ giúp chủ sử dụng lao động các vấn đề như: chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tham mưu những chính sách đãi ngộ, chăm sóc sức khỏe, đời sống của người lao động. Khi đó, người lao động yên tâm sản xuất, góp phần nâng cao sự tăng trưởng, làm ra lợi nhuận cho DN.
Vận động doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở giúp doanh nghiệp và người lao động gắn kết hơn.Ảnh: D.LỆ |
Làm thế nào để nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS khu vực ngoài nhà nước vẫn là câu hỏi khó. Bởi người làm công tác ở các CĐCS không ai khác chính là người lao động được DN cắt cử kiêm nhiệm thực hiện công tác công đoàn. Hỏi họ đứng về phía nào nếu có tranh chấp lao động xảy ra, không ai trả lời được. Bởi vậy, nên khi có các mâu thuẫn lao động xảy ra, công nhân lao động đành phải đình công, lãn công trái pháp luật, không có tổ chức CĐCS nào đứng ra hướng dẫn, tổ chức cho công nhân đình công đòi hỏi quyền lợi. Nói về chất lượng hoạt động của CĐCS khu vực ngoài nhà nước, ông Đặng Văn Chương - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Hoạt động của CĐCS khu vực ngoài nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, số lượng ít, chất lượng thấp, cán bộ kiêm nhiệm, một số nơi chủ sử dụng lao động còn cản trở không cho thành lập CĐCS hoặc đã thành lập thì không quan tâm đến hoạt động của CĐCS. CĐCS chưa thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Nhiều quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động bị vi phạm nhưng chưa được công đoàn bảo vệ. Công nhân lao động chưa được hưởng lợi tương xứng với những thành quả, đóng góp của chính họ. Đời sống công nhân lao động còn nhiều khó khăn. Quan hệ lao động trong một số DN trở nên căng thẳng, phức tạp, dễ dẫn đến đình công, ngừng việc tập thể”.
Đẩy mạnh vai trò tương tác
“Một số nơi chủ DN quan tâm thì CĐCS hoạt động hiệu quả. Nơi nào lơ là thì nhiều chủ trương, chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động chưa được phổ biến kịp thời. Ban chấp hành CĐCS thì thường xuyên biến động; đội ngũ cán bộ công đoàn ở các CĐCS khu vực ngoài nhà nước còn hạn chế về năng lực, kỹ năng và kinh nghiệm hoạt động, tất cả đều kiêm nhiệm nên chưa dành nhiều thời gian để tổ chức hoạt động công đoàn. Chế độ tiền lương, tiền thưởng phụ thuộc vào chủ DN nên thiếu mạnh dạn trong đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”. (Ông Trương Đắc Hưng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Điện Bàn) |
Với CĐCS Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ Miền Trung (thuộc liên đoàn lao động thị xã Điện Bàn), “Nói cho công nhân biết, công nhân thông để công nhân làm” là phương châm được thực hiện xuyên suốt. Ông Bùi Phước Thiện - Chủ tịch CĐCS của công ty chia sẻ: “CĐCS đã xây dựng quy chế hoạt động của Ban chấp hành Công đoàn và quy chế phối hợp với Ban giám đốc. Đặc biệt, việc triển khai quy chế dân chủ giúp cho cán bộ, công nhân lao động biết quyền hạn và nghĩa vụ của mình. Thông qua việc tổ chức tốt hội nghị người lao động hàng năm đã tập hợp được trí tuệ tập thể của cán bộ, công nhân, đóng góp ý kiến xây dựng công ty. Việc thực hiện quy chế dân chủ đã góp phần nâng cao tinh thần làm chủ, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động”. Chăm lo cho người lao động cũng là cách gián tiếp nâng cao chất lượng sản phẩm cho DN để đôi bên cùng hưởng lợi. Thu nhập bình quân mỗi công nhân hiện nay là 4,5 triệu đồng/tháng, góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định để họ gắn kết với công ty. Còn CĐCS Công ty CP nhựa Miền Trung (thuộc Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh) thì phát huy vai trò qua việc đại diện cho người lao động ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi cho người lao động như chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần vật chất. Người lao động tin tưởng, gắn kết với công ty, làm ra giá trị vật chất và chính họ hưởng lợi từ thành quả đó, với mức lương bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng.
Là một địa phương có đông DN như thị xã Điện Bàn, việc vận động các DN thành lập CĐCS có vai trò quan trọng góp phần làm hài hòa các mối quan hệ lao động. Toàn thị xã có 20 CĐCS khu vực ngoài nhà nước với 3.637 đoàn viên công đoàn. Ông Trương Đắc Hưng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Điện Bàn nhìn nhận: do cường độ lao động cao, thời gian lao động thường xuyên bị kéo dài (làm tăng ca) nên người lao động ở nhiều DN không có thời gian tham gia các hoạt động công đoàn. Mặt khác, một số chủ DN chưa tạo điều kiện về thời gian cho công đoàn tổ chức các hoạt động phong trào. Đối với những rào cản như trên, không có cách can thiệp nào khác ngoài việc tuyên truyền, vận động cho cả người lao động và chủ sử dụng lao động để họ hiểu rõ vai trò, lợi ích của tổ chức công đoàn. Đồng thời phải thường xuyên thanh tra, kiểm tra tại các DN, qua đó vận động DN cùng chung tay với tổ chức công đoàn chăm lo đời sống cho người lao động.
DIỄM LỆ