Cầu nối xoa dịu nỗi đau

HOÀNG YÊN 26/07/2013 08:39

Được thành lập từ năm 2007, Hội Nạn nhân chất độc da cam  (CĐDC) huyện Đại Lộc là chỗ dựa của hàng nghìn nạn nhân trên địa bàn.

Luôn ý thức vươn lên trong cuộc sống, Trương Thị Thương đã trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. (Ảnh: Internet)
Luôn ý thức vươn lên trong cuộc sống, Trương Thị Thương đã trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng. (Ảnh: Internet)

Đến nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc đã thành lập được 11 Hội Nạn nhân CĐDC ở 18 xã, thị trấn với hơn 400 hội viên. Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau của những gia đình có người thân bị nhiễm chất độc hóa học, hội đã có nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần một cách thiết thực.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện có 3.032 người bị nhiễm CĐDC, trong đó 1.689 trường hợp bị phơi nhiễm trực tiếp nhưng chỉ có 219 người đang được hưởng chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước. Với thực tế trên, những năm qua hội đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa để tạo nguồn kinh phí, góp phần giúp đỡ các nạn nhân vượt qua khó khăn, tạo điều kiện hòa nhập với cộng đồng. Trong 6 năm qua, hội đã tích cực vận động sự ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân với số tiền trên 3 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, hội triển khai thăm hỏi, tặng quà và trợ cấp khó khăn dịp lễ tết; xây mới và sửa 25 căn nhà, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ vốn sản xuất chăn nuôi, tặng 55 xe lăn, 20 xe lắc cho các nạn nhân CĐDC.

Bên cạnh hoạt động hiệu quả của Hội Nạn nhân CĐDC huyện, những năm qua, Hội Nạn nhân CĐDC cấp xã đã vận động hơn 70 triệu đồng, tặng 2 ngôi nhà tình nghĩa, 30 xe lăn, 1 dàn máy vi tính và hàng trăm suất quà cho các gia đình nạn nhân, tổng trị giá gần 100 triệu đồng. Nhiều tổ chức từ thiện trong và ngoài nước cũng đến thăm hỏi, tặng quà cho những gia đình có người thân nhiễm chất hóa học trong chiến tranh. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ Mỹ hỗ trợ vốn chăn nuôi bò cho 15 nạn nhân (4.500.000 đồng/suất), Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng 3 ngôi nhà nhân đạo (20 triệu đồng/nhà), Hội Bảo trợ nạn nhân Việt Nam tại Pháp đỡ đầu cho 9 nạn nhân (5.000.000 đồng/năm/người) và hiện đã duy trì được 3 năm. Riêng Hội Nạn nhân CĐDC huyện còn vận động các cá nhân, tập thể, các tổ chức từ thiện, Việt kiều về thăm quê đến thăm và tặng quà trên 600 triệu đồng cho nạn nhân CĐDC trên địa bàn.

Nhờ sự vận động của hội, bản thân những nạn nhân nhiễm CĐDC và gia đình họ đã tự ý thức vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Bà Đỗ Thị Thanh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC xã Đại Lãnh cho biết: “Được sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng xã hội, đã có nhiều nạn nhân CĐDC nỗ lực vươn lên. Điển hình như Trương Thị Thương ở xã Đại Hồng là nạn nhân CĐDC chỉ cao 70cm, không được bình thường như những bạn cùng trang lứa nhưng Thương đã không ngừng vượt qua khó khăn thử thách để trở thành sinh viên của trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng”. Với kết quả đạt được, Thương chia sẻ: “Trở thành sinh viên đại học là ước mơ lớn, dù còn nhiều khó khăn nhưng em luôn ý thức tự bản thân phải vượt qua để sau này có thể tự nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội”.

Ông Nguyễn Văn Hai - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện Đại Lộc cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn cả về mạng lưới nhân lực cũng như cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động nhưng thời gian qua hội đã không ngừng nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần chăm lo đời sống và đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân CĐDC trong huyện. Thời gian tới, hội tiếp tục cùng với cộng đồng xã hội đồng hành với các nạn nhân, tập trung xây dựng tổ chức hội các cấp vững mạnh và là cầu nối xoa dịu nỗi đau da cam”.

HOÀNG YÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu nối xoa dịu nỗi đau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO