Cầu phao dập dềnh

VĂN HÀO 12/12/2014 08:56

Lo ngại nước lớn cuốn trôi cây cầu phao, người dân tổ 2 thôn Phước Mỹ 3 (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) đã tháo dỡ cầu đưa vào bờ. Điều đó đồng nghĩa với việc đi lại, sản xuất của 80 hộ dân nơi đây hiện gặp rất nhiều khó khăn.
Trước những trận mưa lớn cũng như lo ngại ảnh hưởng của cơn bão Hagupit vừa qua, người dân tổ 2 thôn Phước Mỹ 3 đã tập trung tháo dỡ chiếc cầu phao bắc ngang sông Bà Rén. Thôn Phước Mỹ 3 có 5 tổ dân cư nhưng  khác với 4 tổ còn lại, tổ 2 bị chia cắt bởi dòng sông và người dân nơi đây thường xuyên đối mặt với nỗi bất an khi hằng ngày qua sông trên chiếc cầu cũ kỹ. Ông Đặng Mậu Cứ (62 tuổi) nói: “Dân chúng tôi đều làm nông nghiệp, trong khi đất sản xuất nằm hết ở bên kia sông nên việc tháo dỡ cầu phao là chuyện bất đắc dĩ và đang gặp vô vàn khó khăn trong đi lại. Không có cầu, nếu đi làm đồng chỉ còn cách chạy xe máy ra quốc lộ, xuống ngã ba Nam Phước rồi vòng lên mất khoảng hơn 10 cây số”.

Chiếc cầu phao được làm rất giản đơn, không có thành chắn bảo vệ. Ảnh: VĂN HÓA
Chiếc cầu phao được làm rất giản đơn, không có thành chắn bảo vệ. Ảnh: VĂN HÓA

Sau nhiều lần làm cầu tre và luôn bị cuốn phăng mỗi khi lũ về, năm 2001, Nhà nước hỗ trợ 55% kinh phí còn người dân đóng góp 45% làm chiếc cầu phao dài 144m, rộng 2,3m bằng tre, gỗ và thùng phuy nhựa. Qua hơn mười năm đưa vào sử dụng, đến nay chiếc cầu này đã xuống cấp, nhiều chỗ gỗ đã mục gãy. Chiếc cầu được làm rất giản đơn, không có thành  chắn bảo vệ nên tiềm tàng hiểm họa. Ông Phạm Hải - Tổ trưởng tổ 2 (thôn Phước Mỹ 3) cho biết, tổ có 80 hộ dân với gần 200 nhân khẩu, trong đó có khoảng 40 em học sinh cấp 2 và cấp 3 thường ngày vẫn qua lại trên chiếc cầu phao này để đến trường. “Không chỉ con em trong tổ mà nhiều học sinh ở xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) vẫn đi trên cầu phao này để đến học các trường ở thị trấn Nam Phước. Vì cầu phao dập dềnh, rung lắc nên các cháu phải xếp hàng rồi lần lượt dắt xe đạp qua. Bây chừ không có cầu nên học sinh phải đạp xe đường vòng với quãng đường xa gấp đôi” - ông Hải nói.

Đây là thời điểm chuẩn bị xuống giống sản xuất vụ đông xuân nhưng người dân tổ 2 vẫn chưa thể qua sông cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng vì không có cầu. Phó thôn Phước Mỹ 3 - Trần Văn Cường cho biết, 30ha đất ruộng và hoa màu của người dân tổ 2 nằm hết ở bên kia sông nên cứ vào mùa bão lũ là người dân lại đối mặt với nhiều khó khăn. “Ngay cả khi mùa nắng thì việc vận chuyển thóc lúa, rơm rạ qua sông của người dân cũng đã khó. Mỗi khi nước lớn là người dân tập trung tháo dỡ một đầu cầu để khỏi bị cuốn trôi, khi nào nước lặng thì nối lại để qua sông đi làm đồng” - ông Cường nói. Người dân địa phương còn cho biết, đã có 2 trường hợp chết đuối và rất nhiều người bị trượt té xuống sông khi qua cầu. Cách đây nửa tháng, có nhóm người Tây đi du lịch về đây. Khi dắt xe máy qua cầu thì 2 người bị ngã xuống sông, cũng may có người dân phát hiện và cứu vớt kịp thời.

Ông Trần Văn Cường cho biết thêm, hàng năm mỗi hộ dân tổ 2 đóng góp 100 nghìn đồng để phục vụ cho việc tu sửa cầu phao; cách đây một tuần, UBND thị trấn Nam Phước cũng đã hỗ trợ 3 triệu đồng để giúp người dân sửa cầu. Ông Nguyễn Ngoạn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, thôn Phước Mỹ 3 là thôn thuần nông của địa phương, trong đó riêng tổ 2 phải thường xuyên đối mặt với khó khăn trong nhu cầu đi lại, sản xuất vụ mùa. “Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và đang lập dự án xây dựng cầu chìm bắc qua khúc sông Bà Rén này. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm làm cầu nối các khu dân cư ở xã Duy Trinh, Duy Thành, dự kiến năm 2015 địa phương sẽ tiến hành khởi công với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ngoài ra còn tích cực đi kêu gọi nguồn kinh phí từ các nhà hảo tâm, người con xa quê… để cùng chung sức” - ông Ngoạn nói.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu phao dập dềnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO