Cầu... sung sướng

TRUNG VIỆT 15/04/2023 06:59

Bây giờ ở Trà Sơn, Trà Giang, đường sá đâu có khó nữa, nhưng còn nhiều nơi chưa thoát khỏi đói nghèo, nên cả xã được hưởng chính sách khó khăn theo. 

Cầu Trà Sơn được gọi vui là cầu… sung sướng. Ảnh: T.V
Cầu Trà Sơn được gọi vui là cầu… sung sướng. Ảnh: T.V

Bữa lên Bắc Trà My xem khai mạc lễ hội cồng chiêng, trong nhịp la đà trầm bổng rồi rộn rã của sử thi đại ngàn in bóng xuống những đôi chân trần nghiêng ngả theo điệu nhảy, tôi chợt nghĩ đã lâu lắm rồi, thị trấn này mới bừng dậy, nó đâu phải ngủ yên như sóng sông Trường khi động đất đã lùi.

Nhưng có người đập vai, rằng, chưa hay bằng ở đây có cầu… “Sung Sướng”. Nói xong, anh bỏ đi. Tôi thì nghĩ người này giỡn, chắc nhắc tới… tệ nạn. Nhưng không phải!

1. Anh Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Bắc Trà My, ngó qua thẻ nhà báo của tôi, e hèm “hình như ta gặp nhau rồi”. Thì đúng rồi, cái thuở đì đoàng động đất ấy, trường gần chân đập tập chạy lở sụp, thầy cô và học trò tập dượt rúc… gầm bàn, tôi đã gặp anh để thấy âu lo của một người 35 năm làm nghề gõ đầu trẻ, mà lúc đó anh đã là Trưởng phòng Giáo dục...

Bỗng có một thầy giáo bước vào phòng, nói lan man rồi thầy lại nhắc đến chuyện bên này bên kia cầu Trà Sơn. Tôi bắt nhịp ngay: “Em muốn gặp anh chuyện đó, với tâm tư của cán bộ công chức bên này…”. “À, muôn sự ở chính sách”.

Chuyện là, từ 1/8/2018, Trung tâm Hành chính Bắc Trà My chính thức dời sang thôn Dương Hòa xã Trà Sơn. Muốn qua đó, thì phải lụy cái cầu Trà Sơn bắc qua sông Trường. Chỗ anh Tùng đang ngồi đây là trụ sở Ủy ban MTTQ huyện, qua đó, chừng hơn 1km.

“Thời điểm đó, mình qua chỗ mới, đến 1/11/2020 thì về lại bên này phụ trách Liên đoàn Lao động huyện, cũng có nghĩa mất đi mớ tiền. Thì đây, nếu  làm việc ở Trung tâm Hành chính mới, thì ví dụ trưởng ngành như mình, ngoài 25% lương trách nhiệm, thì sẽ được hưởng thêm 70% lương nữa bởi Trà Sơn thuộc xã đặc biệt khó khăn. Còn nếu về lại bên trung tâm huyện, thì 70% kia sẽ chỉ còn 30%” - anh Tùng nói.

Cầu dài 112m, bước từ thị trấn Trà My sang hoặc từ Dương Hòa lại, qua mét thứ 57 giữa cây cầu, số tiền hoặc bỗng trồi thêm 70% hoặc rớt cái bịch xuống sông Trường 30% lương.

Anh trong ngành giáo dục kia nói “tôi thấy không công bằng trong chuyện này”, xong anh đứng lên, ra ngoài. Tôi hỏi anh Tùng: “Anh nghĩ sao?”. “Cái này là chính sách”. “Nó như bỗng nhiên trúng số”. “Đúng, ai bên kia hoặc bên này là do công việc, chứ không phải muốn là được. Trung tâm Hành chính, sắp tới là trụ sở Huyện ủy xây mới bên đó sẽ đi vào hoạt động. Việc quy hoạch, mở rộng thị trấn Trà My đã được tính từ lâu, chứ tuyệt đối không có chuyện xây trụ sở chạy chính sách” - anh Tùng nói.

Chạy làm sao được, Trà Sơn đang hướng tới mục tiêu hết 2025 là xã nông thôn mới, lúc đó thì  bên này hay bên kia cầu đều “nhạc và lời” như nhau.

“Anh em cán bộ có tâm tư không?”. “Ban đầu, nhiều người đề nghị bên đó hưởng lương, chế độ như bên này, nhưng đâu có được, bởi đó là quy định Nhà nước hỗ trợ cán bộ ở vùng đặc biệt khó khăn, không ai tự đẻ ra.

Nói thẳng, Trà Sơn bây giờ chỉ còn hai thôn Tân Hiệp và Cao Sơn là khó khăn thôi, chứ chỗ Dương Hòa thì khó chi. Mình ví dụ, ngày xưa Nhà nước quy định chế độ lương theo bình độ độ cao, ví dụ vùng cao hơn một chút thì nhận thêm 0,5 - 0,7%  lương, so với 0,3 - 0,4% dưới này, Sau này thì bỏ”.

2. Bây giờ ở Trà Sơn, Trà Giang, đường sá đâu có khó nữa, nhưng còn nhiều nơi chưa thoát khỏi đói nghèo, nên cả xã được hưởng chính sách khó khăn theo. Anh Tùng đưa ra bài tính: một cô giáo nhà ngay thị trấn, đi tới Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ở Trà Sơn, đường sá ngon lành, 3km đi cái vù là tới, nhưng sẽ nhận được 240% lương, gồm 10 tháng lương cơ bản trợ cấp ban đầu, 70% tiền chế độ vùng đặc biệt khó khăn, 70% tiền đứng lớp và 100% lương, hơn hẳn đồng nghiệp ở thị trấn...

Trụ sở Ủy ban MTTQ huyện tại thị trấn. Cán bộ làm việc ở đây không được hưởng chính sách cao hơn, dù đây đến cầu kia chỉ hơn 1km. Ảnh: T.V
Trụ sở Ủy ban MTTQ huyện tại thị trấn. Cán bộ làm việc ở đây không được hưởng chính sách cao hơn, dù đây đến cầu kia chỉ hơn 1km. Ảnh: T.V

Chính sách không sai, nhưng nói thiệt, thấy như có vẻ chi đó... sai sai, sai theo nghĩa thiệt thòi cho kẻ bên này. Nghịch lý trong hợp lý, vô lý trong có lý. Cãi không được đâu. Ăn sáng cùng một chỗ. Cà phê một chỗ. Ở cùng xóm. Nhậu cũng một chỗ. Nhưng đứng lên, qua cầu thì thêm mớ tiền.

Cũng chẳng ai ganh ăn tức ở với bạn bè anh em đồng nghiệp được hưởng lợi, mà điều có thiệt là họ nghĩ về phận mình, cũng công chức viên chức, cũng ngày 8 tiếng một núi việc…

Tôi đi qua cầu, chẳng dám như Nguyễn Tuân thuở qua cầu Hiền Lương đếm bao nhiêu tấm ván 20 năm đôi bờ Nam Bắc gọi nhau bằng ánh mắt chứa chan biết khi nào gặp nhau, nhưng nghĩ, Nhà nước làm chính sách là làm chung, cứ cào bằng vậy, chính vì thế nó với nảy ra lồi lõm thấp cao, mọc mầm tâm tư, cựa mình trăn trở.

Trung tâm hành chính mới của huyện, trên đồi cao nhìn xuống sông Trường, xây bề thế và tạo hình khá đẹp, mai này nó cũng thuộc về thị trấn khi hoàn thành quy hoạch và sáp nhập Dương Hòa vô thị trấn. Có điều, miền núi, đâu cũng thế, thiệt thòi là cái tên đứng đầu bảng liệt kê  thuận lợi hay khó khăn.

Tôi bao lần ngồi với lãnh đạo huyện Nam Trà My, họ thở dài cán bộ xin về xuôi hết, kẻ ở lại phải choàng gánh bao việc, cũng vì xã Trà Mai là nông thôn mới, mà Tắc Pỏ là trung tâm của xã.

Báo động đến mức huyện ra một văn bản nội bộ tạm ngừng chuyển công tác. Đi, vì mất chế độ vùng đặc biệt khó khăn. Giá cả cao, xa đồng bằng, thiếu thốn, kẻ nhà Tam Kỳ, người con ở Thăng Bình, tiền lương thì tụt giảm, chạy xe máy hay đi xe đò mỗi khi lên, về, đã mớ tiền, chưa nói mưa gió bão lụt, rồi điều kiện học hành, sinh sống của con cái…

Ai cũng có quyền đòi sống tốt, xứng đáng với công sức mình bỏ ra, nên ngay cả có một đơn vị của huyện Bắc Trà My chấp nhận phòng ốc chật chội, vẫn sang khu vực mới để làm việc, hưởng lương cao.

Nghĩ cho cùng cũng bình thường, chẳng tham ô tham nhũng chi ở đây. Nhưng bức tranh miền núi, với xử lý về chế độ chính sách, sao thấy như người đang khỏe mạnh, bỗng thành thiếu máu ở những nơi ngủ một đêm thành siêu nhân.

Có người nói, như ở A Tiêng của Tây Giang, là thị tứ, đang phấn đấu lên thị trấn. Heo hút vùng biên. Những sáng mù sương, những chiều mưa biên giới không biết đi về đâu.

Thì cũng nhà đó, đường đó, con người đó, nhưng họ phải đối mặt với vật giá cao hơn nhiều lần từ xuôi đưa lên, rồi cũng chừng đó tiền lương như một xã đồng bằng, gói ghém sống, xoay xở bằng mọi giá cho đắp đủ nhu cầu hàng ngày, cho nên chẳng trách ngoài giờ hành chính, công chức đi làm thêm. Bài toán tiền lương công chức, chính là trụ đỡ cho cái gọi là dưỡng liêm, là chính sách để tạo sự sạch sẽ về đạo đức công vụ...

3. Huyện Bắc Trà My đang tổ chức giải bóng đá, sân vận động nơi chân cầu bên này thị trấn. Tàn cuộc, thiên hạ ầm ầm ra về, chỉ ít cán bộ huyện qua bên kia cầu để làm việc.

Nắng chói chang, xung quanh là đồi, không dân cư, nghĩ tới những ngày mưa gió, chắc ai không trách nhiệm thì chẳng qua đây làm chi. Nghe người ta nói, quán xá bên này cầu bán được lắm, vì công chức sáng tới đây uống ly cà phê, xong, chạy cái vù qua cầu là tới.

Đầu óc tôi lơ mơ nhớ tới trụ sở UBND huyện cũ, ngay đầu dốc chỗ chợ chạy về hướng nam. Ngôi nhà cũ, đá rửa, nứt nẻ, xuống cấp trầm trọng và chật chội, giờ một số hội đặc thù tận dụng làm nơi làm việc tạm, rồi sau sẽ trù tính quy hoạch làm lại cái gì đó.

Đâu cũng phải sống, làm việc, nhưng đồng lương chênh nhau quá lắm, khi cũng hít thở làm việc ăn uống như nhau, sao thấy trăn trở quá. Xin đừng lên giọng là sao cứ nói tiền bạc? Sự công bằng luôn là chỉ dấu của những giá trị.

Cũng anh Tùng nói rằng, cái cầu… sung sướng đó, rất nhiều người, đến ngày 1/8/2023 sẽ hết… sung sướng, bởi ai sang đó từ 1/8/2018, đúng 5 năm, sẽ hết hưởng 70% bởi không còn thuộc vùng đặc biệt khó khăn.

Cái gì nó đến, sẽ đến, mai này nó sẽ là ký ức. Trong mớ nhảy múa hoa nắng hắt lên từ mặt nước sông Trường, hình như tôi nghe “cầu sung sướng”… nói vậy.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu... sung sướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO