Cầu thủ của bản làng vào đại học

LÊ VĂN CHƯƠNG 01/10/2023 10:42

Một cô gái nhỏ nhắn nhưng ý chí, nghị lực vươn lên thật đáng khâm phục, mở ra cơ hội vượt khỏi bản làng để theo đuổi ước mơ.

Bên cạnh nhiều bằng khen, giấy khen, Alăng Thị Nhiết còn được địa phương tặng danh hiệu “vua bóng đá”.
Bên cạnh nhiều bằng khen, giấy khen, Alăng Thị Nhiết còn được địa phương tặng danh hiệu “vua bóng đá”.

Cuộc thi cuối cùng mà cô gái Alăng Thị Nhiết tham dự trước khi rời mái trường để trở thành sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Quảng Nam là giải nhì đồng đội 3 môn quân sự phối hợp.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình Nhiết ở thôn Dading, xã Ga Ri (Tây Giang) treo 23 giấy khen, huy chương các loại, là dấu ấn suốt những năm tháng dài phấn đấu. Nhiết năm nay 19 tuổi, khiêm tốn khi nói về thành tích, trong khi trên tay cầm biểu tượng “vua bóng đá” của huyện.

Chiêm bao trái bóng

Tờ giấy khen đầu tiên Alăng Thị Nhiết được trao vào năm 2010, rồi suốt 13 năm sau đó, tên Alăng Thị Nhiết luôn được xướng lên trong rất nhiều dịp sơ kết, tổng kết, trao giải các cuộc thi chạy việt dã 500m, 1.500m, học sinh tiên tiến. Alăng Thị Nhiết là một tấm gương thanh niên tiêu biểu của bản làng.

Buổi sáng sớm ở thôn Dading, trên đỉnh núi Tà Xiên xuất hiện những đám mây trắng trôi bồng bềnh. Mây từ ngang lưng núi chồng thành từng lớp lên tới đỉnh núi, đó là dấu hiệu thiên nhiên báo cho những người sống ở dưới chân núi về thời tiết nắng mưa thất thường.

Đầu tháng 9 phải xuống phố trọ học, biết mình không còn nhiều thời gian lưu lại với núi rừng nên Nhiết tranh thủ lên nương rẫy để giúp gia đình.

Từ trên đỉnh dốc nhìn xuống thôn Dading, hơn 40 ngôi nhà lợp tôn màu xanh, đỏ còn mới, trông giống như những quân cờ xếp nối hình tròn. “Hỏi Nhiết à, nhà có mái tôn rỉ đen nhất ở xóm này, nằm ở bên nớ” - một người dân làng chỉ tay về ngôi nhà nằm ở góc bên phải.

Hai từ “tôn rỉ” dường như đã nói lên phần nào cuộc sống của gia đình Nhiết. Ngôi nhà tôn rỉ không giống như những ngôi nhà khác. Nhiết hơi lắng giọng, cô muốn khóc khi nghe tôi hỏi về người bố. Bố mất khi Nhiết còn nhỏ, nên ngôi nhà này thiếu mất trụ cột chính.

Bốn anh em Nhiết từ nhỏ đã phải bươn chải vất vả hơn những đứa trẻ trong thôn, nhưng anh em Nhiết vẫn đùm bọc thương yêu nhau và những người anh gánh vác công việc cho em đi học.

Kỷ niệm đầu tiên là năm 2010, cô bé Nhiết mang về tấm giấy khen học sinh mẫu giáo có kết quả tốt. Cả nhà nhìn tờ giấy khen và cười ồ lên. Nhưng đó là sự khởi đầu cho sự phấn đấu không mệt mỏi của cầu thủ nhí ở thôn Dading.

Từ năm 6 tuổi, cô bé Nhiết đã tỏ vẻ nhanh nhẹn, luôn dẫn dắt bóng trên sân đất và hò hét với bạn bè trong xóm. Trận đấu bóng có khi được tổ chức lúc sáng sớm, có lúc giữa trưa, rồi buổi chiều.

Bất kể lúc nào vui là Nhiết lại tưng bóng và cái dáng nhỏ nhắn chạy loi choi cũng thu hút được bọn trẻ trong xóm thò đầu ra khỏi cửa sổ nhìn, sau đó chui ra khỏi nhà và bắt đầu một trận thi đấu. Quả bóng đá trên sân là quả bưởi.

Giống bưởi ở Ga Ri trồng lên nhưng không có vị ngọt, vỏ dai như da bò, người lớn nghĩ tới việc bưởi không bán được gì cả, còn bọn trẻ thì nhân cơ hội đó biến thành quả bóng.

Rồi mùa bưởi ngày hè cũng đi qua, Nhiết lại ngồi khom lưng quấn giấy để làm thành một quả bóng. Bóng bằng giấy buộc dây thì đá rõ chán, cứ một lát thì lại tơi tả và xui xẻo nhất là quả bóng bay về phía vũng nước. Tuổi thơ của Nhiết trong giấc ngủ cũng mơ thấy bóng, chỉ ước ao một điều nhỏ nhoi nhất là có được quả bóng da săn chắc, có thể đá được cả trong điều kiện trời đổ mưa tầm tã.

Cầu thủ U17

Alăng Thị Nhiết học tới cấp 2 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, Tiểu học và THCS Ch’Ơm, đó là những năm tháng bóng đá Việt Nam đang ở đỉnh cao. Những pha sút bóng của các cầu thủ Việt Nam đều được Nhiết nhìn không chớp mắt.

Giờ đây Nhiết đã có đôi giày vải, bộ quần áo thể thao màu đỏ chứ không còn chân trần, quần đùi như thời ở bản. Bên cạnh đó, mỗi trận ra sân Nhiết còn có những cổ động viên hò hét, cổ vũ hết mình.

Những ngày mưu sinh giúp gia đình của Alăng Thị Nhiết. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Những ngày mưu sinh giúp gia đình của Alăng Thị Nhiết. Ảnh: VĂN CHƯƠNG

Lúc còn bé khá “lì”, vì vậy, Nhiết đã có cơ hội trổ tài trong các trận đấu. Những trận cuối cùng trước khi Nhiết rời mái trường để vào đại học, đội của Nhiết thi đấu với 2 đội Gôn Đa và Bớt ở huyện Đông Giang, Nhiết đã ghi 20 bàn.

Nhiết đã chơi hết mình khi gặp những đối thủ mà Nhiết thừa nhận là “chân họ mạnh hơn, có nhiều người hơn mình”. Nhiết đảo bóng, lật người, sút thủng lưới bằng những cú đá đẹp.

Đôi chân khỏe và tốc độ rướn nhanh của Nhiết có được là nhờ tập luyện, cùng với tố chất hình thành nhờ trải qua lao động chân tay. Nhiết kể, thời là học sinh cấp 2, cứ đến ngày cuối tuần, hoặc nghỉ hè lại đi với các chị vô rừng hái măng.

Cái dáng người nhỏ nhắn của Nhiết khi vào rừng cũng trở nên lợi hại, chui rúc được vào các bụi rậm, chiếc rựa trên tay lúc bổ xéo, lúc cắt ngang để hái măng rừng.

Để đến được điểm hái măng, Nhiết đi từ lúc ánh sáng le lói trên đỉnh núi Tà Xiên và cho đến khi bóng chiểu đổ dài dưới thung lũng núi Ta Pra mới cõng gùi măng trở về. Trọng lượng cơ thể Nhiết lúc đó 45kg, nhưng chiếc giỏ sau lưng nặng hơn 50kg. Những đứa trẻ ở vùng cao như Nhiết, lúc mẹ sinh ra 10 ngày đã địu con sau lưng để lên nương rẫy.

Người mẹ đặt con nằm trong tấm khăn trong túp lều gỗ nằm giữa rẫy lúa. Gió từ đại ngàn và cái nắng hanh hao trên triền núi đã ngấm vào đứa trẻ. Rồi những ngày cùng mẹ cõng sắn, bắp, cuốc đất đi giữa cơn mưa rừng.

Những năm tháng cháy hết mình trong các phong trào của Đoàn Thanh niên, tư duy búp măng non của Nhiết đã sớm rướn lên thành những cây tre nhỏ khi được người đồng hành thay đổi danh xưng “em Alăng Thị Nhiết” sang “đồng chí Alăng Thị Nhiết”.

Đó là khi Nhiết trở thành chiến sĩ dân quân của xã Ga Ri, tham gia chương trình huấn luyện, hội thi của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang, Nhiết đã đoạt giải nhất thành tích về môn ném lựu đạn và giải 3 môn bắn súng AR 15.

“Manchester ở vùng cao”

Trong tất cả bộ quần áo của mình, Nhiết thích nhất là bộ quần áo thể thao màu đỏ, vẽ những hoa văn sọc chìm, đôi giày ba-ta màu trắng. Năm nay 19 tuổi, sân bóng đá mi ni giờ đây đã trở thành khoảng sân hẹp đối với Nhiết.

Một cú sút bóng mạnh mẽ, những cú lấy tốc độ chạy rướn, Nhiết đã bắt đầu chứng tỏ sức dẻo dai của mình. Cú ra bóng của Nhiết có lúc là bóng lết sát đất, va vào xà ngang rồi dội vào lưới, có lúc là bóng bổng, giống như cảm xúc của Nhiết đang treo theo quả bóng và nụ cười rạng rỡ khi bóng vào lưới.

Những người bạn học từng ôm bóng và đi cổ vũ cho Nhiết đều khoái được xem cô bạn gái làng Dading đá bóng. Em Lỷ, một thanh niên ở xã Lăng cho biết: “Hồi còn học ở trường, môn thể thao nào cũng thấy mặt Nhiết, bạn ấy chạy tốc độ nhanh, dẫn bóng tốt, đảo người rất lẹ để áp sát cầu môn. Nhiết là một đoàn viên thanh niên tiêu biểu, nếu bạn ấy có chiều cao tốt thì chắc bạn ấy có thể tham dự vào đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam”.

 Nhiết cười ngặt nghẽo khi nghe tôi hỏi về chiều cao. Nhiết có giọng nói trong veo, nụ cười tươi đáp lời “Dạ chiều cao chỉ là 1,45 mét ạ”. Khi nghe con gái định theo nghiệp bóng đá suốt đời thì người mẹ khuyên con, chỉ nên theo học chương trình để sau này có thể làm cô giáo.

Bên ngoài vẻ mặt của Nhiết là nụ cười, nhưng đôi mắt của Nhiết vẫn thấp thoáng nỗi buồn vì thiếu vắng người cha. Buồn thoáng qua rồi lại vui cười, cái tính lạc quan ở người đam mê thể thao giúp Nhiết kéo mình ra khỏi nghịch cảnh, không ngừng phấn đấu. Ngày mai, Nhiết sẽ tiếp tục cháy hết mình ở khung trường đại học.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu thủ của bản làng vào đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO