Cầu treo ở Tiên Lãnh (Tiên Phước): Vừa khánh thành đã hỏng

VĂN HÀO 27/11/2015 08:39

Vừa được bàn giao đưa vào sử dụng từ ngày 11.11.2015, đến nay cây cầu treo ở Tiên Lãnh (Tiên Phước) đã bị nứt, sụt lún một bên mố cầu.

Hư hỏng nặng

Cây cầu treo này nối thôn 1 và tổ 3 của thôn 4 xã Tiên Lãnh, nhưng có sự nhầm lẫn nên gắn biển tên cầu thôn 2. Trước những thông tin phản ánh về tình trạng hỏng hóc của cây cầu, ngày 25.11 chúng tôi có mặt tại địa phương này và ghi nhận nỗi âu lo của người dân nơi đây. “Cầu vừa đưa vào sử dụng được vài hôm thì nhiều mảng bê tông ở một đầu cầu sụp xuống, ai qua cũng lo sợ. Những ngày này, thương lái muốn vào tổ 3 chúng tôi thu mua trái lòn bon cũng phải dựng xe máy ở bên kia cầu rồi đi bộ qua” - cụ bà Võ Thị Hoang (75 tuổi) cho biết.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng bong tróc, nứt toác khối bê tông ở phía đầu cầu thôn 1 xảy ra chỉ vài ngày sau khi cây cầu treo được bàn giao đưa vào sử dụng. Những ngày qua do trời mưa nên mố cầu càng sụt lún sâu, cát sỏi, sắt thép lộ thiên nham nhở. Ở phần đế của mố cầu cũng đã xuất hiện nhiều vết nứt dài hơn 1m, vỡ ta luy. Điều đáng nói, không có bất kỳ biển cảnh báo hay vật chắn nào để cảnh giác người qua cầu.

Một bên mố cầu treo ở Tiên Lãnh đã bị nứt, sụt lún (ảnh chụp ngày 25.11.2015).  Ảnh: VĂN HÀO
Một bên mố cầu treo ở Tiên Lãnh đã bị nứt, sụt lún (ảnh chụp ngày 25.11.2015). Ảnh: VĂN HÀO

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Tiên Lãnh được xây dựng 2 cây cầu treo từ đề án “Xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên” của Bộ Giao thông vận tải. Cả hai cây cầu đều được nghiệm thu đưa vào sử dụng vào đầu tháng 11.2015. Trong đó, cây cầu treo nối các thôn 10 và 11, hiện chưa có dấu hiệu bất thường nào. Ở một địa phương vùng núi còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về hạ tầng giao thông như Tiên Lãnh, việc được đầu tư xây dựng 2 cây cầu treo đã mang lại niềm vui rất lớn cho người dân nơi đây, bởi sẽ không còn chịu cảnh cách trở vào mùa mưa lũ. Cũng vì lẽ đó, bà Võ Thị Hồng có nhà nằm sát đầu cầu bên thôn 4 đã sẵn sàng hiến nhiều diện tích đất để phục vụ xây dựng cầu. Rồi cũng chính bà Hồng chua xót rằng, cầu xây xong, chưa kịp vui đã phải lo.

Khắc phục sau mùa mưa

Thực hiện đề án “Xây dựng cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên”, ở Quảng Nam vừa có 12 cầu treo được khánh thành đưa vào sử dụng, trong đó riêng huyện Tiên Phước có 9 cầu. Tháng 9.2015, UBND tỉnh cũng đã đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư xây thêm 6 cầu treo ở giai đoạn 2, tập trung tại các huyện Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước.

Cũng trong ngày 25.11, trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh bày tỏ lo ngại, nếu xảy ra mưa lớn có khả năng mố cầu tiếp tục sụt lún, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. “Sau lễ nghiệm thu đưa vào sử dụng được khoảng ba bốn ngày thì chính quyền địa phương nhận được phản ánh của người dân. Chúng tôi đã đi khảo sát và có văn bản báo cáo thực trạng lên Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện nhờ kiến nghị các đơn vị liên quan can thiệp, khắc phục. Hồi cây cầu còn đang thi công, người dân cũng đã có ý kiến nên đầm chặt đất hai bên mố cầu và địa phương cũng đã trao đổi với đơn vị thi công vấn đề này” - bà Tuyết nói. Theo chính quyền xã Tiên Lãnh, địa phương chỉ có vai trò phối hợp trong giải phóng mặt bằng, còn công tác giám sát thi công, người dân và chính quyền xã không được giao tham gia.

Theo Sở Giao thông vận tải, cây cầu treo trên có chiều dài 50m, rộng 1,5m, với mức đầu tư hơn 3,1 tỷ đồng; do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, Công ty TNHH MTV Duyên Hải (trụ sở chính tại Hà Nội) chịu trách nhiệm thi công, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông (thuộc Sở Giao thông vận tải) được thuê quản lý, giám sát. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy - Trưởng phòng Triển khai dự án Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh cho biết, đã có văn bản gửi đến đơn vị thi công và đơn vị này cũng đã phản hồi sẽ khắc phục sau mùa mưa năm nay. Còn ông Trần Ngọc Thanh - Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông Sở Giao thông vận tải nói: “Có thể do các đơn vị làm sai khối lượng. Ban Quản lý dự án các công trình giao thông của sở cũng có một phần trách nhiệm trong sự việc này vì là đơn vị được thuê để trực tiếp quản lý khối lượng, chất lượng công trình trên”.

Các bộ phận đảm nhận đều phải có trách nhiệm
Sáng 26.11, ông Lưu Nhựt - Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh chia sẻ, dù không thuộc mảng phụ trách nhưng nhìn ở góc độ chuyên môn, để xảy ra tình trạng nứt, sụp đường dẫn nối liền thân cầu treo này có thể do việc đầm đất không chặt. Ông Nhựt nói: “Qua quá trình nắm thông tin ban đầu, tôi đánh giá phần chính của cây cầu không bị tác động nhiều. Làm cầu treo ở địa bàn núi non, đường sá khó khăn nên thiết bị xe lu không tới được, việc đầm đất thủ công có thể là nguyên nhân chính. Nếu để xảy ra sự cố đáng tiếc nào thì tất cả các bộ phận đảm nhận đều phải có trách nhiệm. Muốn khắc phục xong hiện trạng, cần thời gian từ 5 đến 7 ngày”. Ông Nhựt chia sẻ thêm, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh được ủy quyền một số nhiệm cụ thể trong quá trình làm các cây cầu treo dân sinh này như xử lý hồ sơ, theo dõi điều hành, quản lý, giám sát một phần việc thi công cho đến khi công trình hoàn thành… Lãnh đạo ban cũng đã tổ chức họp bàn để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục. Trong sáng 26.11, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh - ông Nguyễn Thanh Tâm đã đi kiểm tra thực tế tại hiện trường.
* Cũng trong sáng qua, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho biết, UBND tỉnh đã nắm được thông tin và sẽ yêu cầu đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công kiểm tra, cắm biển cảnh báo để đảm bảo an toàn cho người dân qua cầu. Còn vấn đề quy trách nhiệm, UBND tỉnh sẽ có hướng giải quyết sau.(QUẾ CHÂU)

VĂN HÀO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu treo ở Tiên Lãnh (Tiên Phước): Vừa khánh thành đã hỏng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO