Cầu trệt sông Trường (xã Sông Trà, Hiệp Đức): Ba năm thi công vẫn không xong

HOÀNG LIÊN 30/08/2017 08:57

Sau 3 năm thi công, cầu sông Trường (thôn 2, xã Sông Trà, Hiệp Đức) do Công ty CP Thủy điện Đắk Mi làm chủ đầu tư, vẫn chưa hoàn thành đúng như cam kết, khiến việc đi lại, sản xuất của người dân trong vùng gặp nhiều trắc trở.

Cầu sông Trường thi công ì ạch suốt 3 năm vẫn chưa xong trong nỗi mong ngóng của người dân vùng bị ảnh hưởng. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Cầu sông Trường thi công ì ạch suốt 3 năm vẫn chưa xong trong nỗi mong ngóng của người dân vùng bị ảnh hưởng. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Công trình “rùa bò”

Phần lớn diện tích keo và trang trại chăn nuôi của người dân ở thôn 2, xã Sông Trà nằm bên kia sông Trường. Mùa nắng, người dân lội sông qua lại dễ dàng nhưng mùa mưa phải đi ghe vất vả. Nhất là từ khi thủy điện Đắk Mi chặn dòng nơi thượng nguồn, xả nước về xuôi phát điện khiến mực nước sông Trường dâng cao, lên xuống thất thường. Bức xúc do bị “chặn đường” đi lại, vận chuyển gỗ keo và sản phẩm chăn nuôi, người dân thôn 2 đồng loạt làm đơn kiến nghị gửi lên xã và huyện Hiệp Đức. Theo đơn kiến nghị, năm 2012, khi thủy điện chưa xây dựng xong, chưa xả nước về sông, việc đi lại, canh tác, chăn nuôi của bà con tại khu vực tiểu khu 520 (đoạn từ ngã ba Trà Nô đến khu cầu Mò O) rất thuận lợi. Tuy nhiên, từ năm 2013, mỗi khi thủy điện xả nước, người dân thôn 2 như “chết đứng” vì rất khó qua sông thu hoạch nông sản, chăm sóc gia súc, keo trồng... Năm 2013, dự án xây cầu chìm bắc qua sông Trường được các cấp chính quyền khảo sát, lập dự toán công trình, theo đó, cầu cao 1,5m, gồm 6 nhịp, có tổng vốn đầu tư 3,8 tỷ đồng, do Công ty CP Thủy điện Đắk Mi làm chủ đầu tư. Song 3 năm nay (2014-2017), việc thi công cầu sông Trường cứ ì ạch theo kiểu “rùa bò” khiến  người dân vùng bị tác động bởi thủy điện bức xúc.

Ông Trần Minh - người dân thôn 2, có 10ha keo lá tràm và đàn bò cả chục con ở bên kia sông cho hay, ngày nào ông cũng phải vượt sông tới khu rẫy. Những lúc thủy điện xả nước về, gia đình ông phải đi ghe đò, hay dùng ruột xe tải bơm căng để làm phương tiện qua sông. Ông đang lo rẫy keo đến kỳ thu hoạch nhưng không biết làm sao khai thác để trả nợ vay ngân hàng. Đồng cảnh ngộ, bà Võ Thị Hoa cũng “chết đứng” vì đã tới kỳ trả lãi nợ ngân hàng mà xe tải không thể qua sông để khai thác rẫy keo được. “Ở đây, nhiều người cũng không thể khai thác keo, chứ không riêng gì tôi. Ngay cả đàn gia súc cũng hay bị “cô lập”, bị đói, bởi có thời điểm nước về cuồn cuộn, không ai dám bơi sang sông” - ông Minh nói. Người dân càng bức xúc hơn khi hàng trăm hộ đứng ngồi không yên chờ có cầu để thu hoạch nông sản thì suốt 3 năm nay, cây cầu cứ ì ạch chẳng xong. Năm 2015, thủy điện thi công xong 3 cái trụ cầu rồi dừng hẳn, năm 2017 này, vừa đắp đất thì trận mưa to trong tháng 6 đã khiến mực nước về xuôi mạnh, cuốn phăng tất cả. Theo ông Trần Định - Trưởng thôn 2, năm 2013, trên sông này từng xảy ra trường hợp chết người do người dân vượt sông qua lại sản xuất. Nước sông lên xuống quá thất thường, không lường được. “Đã bao lần đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh về họp, dân đã kiến nghị nhiều rồi nhưng tình hình vẫn vậy” - ông Định bày tỏ.

Xây xong vào cuối tháng 6.2018

Cũng theo ông Trần Định, suốt 3 năm nay, việc xây cầu sông Trường cứ ì ạch mãi không xong là do đơn vị thi công chọn thời điểm không phù hợp,  để thất thoát vật liệu. “Cứ gần mùa mưa họ mới đổ đất, đổ móng làm cầu. Đang thi công, gặp một trận mưa to, lũ từ thượng nguồn đổ là cuốn phăng tất cả. Năm thứ nhất phần đất đắp xong bị cuốn, năm thứ hai cũng vậy. Cách đây mấy tháng, họ tập trung đổ xong ụ đất lớn giữa dòng rồi rút nhân công đi hết, nước lớn đổ về, xóa sạch ụ đất. Cứ kiểu này, chẳng biết khi nào mới xây xong cầu” - ông Định nói. Ông Nguyễn Văn Lợi - Chủ tịch UBND xã Sông Trà cho biết, UBND huyện và Công ty CP Thủy điện Đắk Mi cũng đã tổ chức họp dân, hứa sẽ tiếp tục thi công cầu sông Trường và hoàn thành  cuối tháng 6.2018. Cũng theo ông Lợi, cây cầu sông Trường có vị trí huyết mạch, không chỉ tạo thuận lợi trong vận chuyển lâm sản cho bà con đi lại thuận lợi, mà còn tạo điều kiện để huyện mở đường kết nối tuyến đường cầu sông Trường với quốc lộ, phát triển hạ tầng giao thông liên vùng. Hiện, bên kia sông Trường, không chỉ riêng người dân thôn 2 có khoảng 200ha đất rừng trồng keo (100ha đang thời kỳ thu hoạch) mà còn có nhiều diện tích đất trồng keo của các xã lân cận khác thuộc địa bàn Phước Sơn.

Trao đổi với báo giới, đại diện Công ty CP Thủy điện Đắk Mi thừa nhận, việc thi công cầu sông Trường bị chậm là do diễn biến mưa lũ bất thường trong thời gian thi công. Một nguyên nhân nữa là việc tính toán mực nước sông Trường phục vụ công tác đắp đê quai của đơn vị tư vấn thiết kế không đúng với mực nước thực tế nên đê quai phục vụ công tác thi công bị cuốn trôi nhiều lần khi có mưa lũ. Từ 9.2016 đến 4.2017, đê quai đã bị lũ cuốn 5 lần. Hiện đơn vị nhờ đơn vị tư vấn thiết kế làm lại, chậm nhất là cuối năm nay thi công trở lại, bởi thời điểm này đang vào mùa mưa.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cầu trệt sông Trường (xã Sông Trà, Hiệp Đức): Ba năm thi công vẫn không xong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO