Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), khi đúc xong Cửu đỉnh, vua Minh Mạng cho khắc hình tượng cây cau (tân lang) lên Anh đỉnh (tượng trưng cho sự hiển đạt) để tôn vinh một loài thực vật đặc trưng của đất nước.
Thuở xưa, ở miệt nguồn xứ Quảng có nhiều cánh rừng cau lớn mọc tự nhiên. Trong “Phủ biên tạp lục” (1776), nhà bác học Lê Quý Đôn cho hay: “Ở chân núi Ải Vân cùng các xứ Phường Lạc, Phường Giá, Phường Rây thuộc Quảng Nam, cau mọc thành rừng, quả già da sém, người địa phương lấy hạt chất cao như gò, tàu bắc mua chở về Quảng Đông, bán uống thay chè”.
Cau còn được trồng rất nhiều ở trong vườn nhà do tập quán ăn trầu của người Việt. Ở xứ Quảng, cau không chỉ có giá trị kinh tế cao mà còn gắn với câu chuyện bảo tồn giá trị văn hóa Việt.
Mặt hàng xuất khẩu quan trọng
Cau được nhắc đến khá kỹ trong tập ký sự “Xứ Đàng Trong”, in lần đầu tiên năm 1631, của Cristoforo Borri, người Ý, một trong những giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên đến Đàng Trong, thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên.
“Ở Đàng Trong còn có một loại quả đặc biệt của riêng xứ này mà người Bồ Đào Nha gọi là Areca (cau). Thân cây thẳng tắp như cây cọ và rỗng bên trong, lá trổ trên ngọn cây giống lá cọ, và chen giữa đám lá này là những nhánh quả có hình dáng và vỏ cứng như hồ đào nhưng bên ngoài xanh, bên trong ruột trắng và cứng như hạt dẻ, không mùi vị. Quả này ăn cùng với lá trầu mà ta thấy nhiều ở Ấn Độ...”.
Bằng cặp mắt quan sát sắc sảo, Cristoforo Borri nhận định: “Lượng tiêu thụ cau lớn đến nỗi thu nhập chính của xứ này là nhờ trồng cau, như dân Ý trồng ô liu và những loại cây khác vậy”.
Trong quan hệ giao thương trên nguồn - dưới biển ở xứ Quảng xưa bằng đường thủy, cau là mặt hàng không thể thiếu: “Trầu nguồn ở tận sông Bung/ Chờ cau Đại Mỹ để cùng về xuôi” (ca dao). Sông Bung là nhánh sông có lưu vực rộng lớn, chảy qua các huyện Tây Giang, Nam Giang và Đông Giang trước khi đổ vào sông Vu Gia ở xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc, còn Đại Mỹ là một làng nay thuộc xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, nổi tiếng trồng cau.
Hạt cau khô từng là mặt hàng xuất khẩu quan trọng ở cảng thị Hội An xưa: “Tơ, cau, thuốc lá đầy ghe/ Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần”. Theo “Phố người Đường và việc mua bán ở Hội An thế kỷ 17 - 18” của tác giả Chen Chin Ho, tàu Nhật Bản đến Hội An mua nhiều hạt cau khô và chở về Nagasaki.
Còn Pierre Poirre trong “Mémoirestouchant la Cochinchine” (1744) cũng cho biết, thuyền buôn Trung Hoa chở hàng đến Hội An để bán và mua lại nhiều mặt hàng của Đàng Trong, trong đó có hạt cau.
Giá cau khô bán ra ở hội chợ quốc tế Hội An thời xưa là 3 quan 1 tạ (100 cân), trong khi đó giá 1 tạ hồ tiêu 12 quan, tô mộc 6 quan, đậu khấu 5 quan, gân hươu 15 quan, vây cá 5 quan, tôm khô 6 quan, gỗ sơn 1 quan, ốc hương 12 quan, đồi mồi 180 quan, ngà voi 40 quan, sa nhân 12 quan, gỗ trắc 1 quan, đường phèn 4 quan, đường trắng 2 quan…
Công dụng từ cau
Thời xưa, hạt cau khô không chỉ được người nước ngoài dùng làm thức uống thay chè (theo “Phủ biên tạp lục”) mà còn được sử dụng trong nghề nhuộm, thuộc da (khi công nghệ nhuộm màu hóa chất chưa phát triển).
Trong y học cổ truyền, hạt cau khô (binh lang) là vị thuốc được sử dụng rất phổ biến. Dược liệu này có tác dụng hạ khí, sát trùng, phá tích và hành thủy, được sử dụng trong việc trị tiểu tiện khó, nhiễm giun sán và tiêu hóa kém.
Ngày nay, y học hiện đại đã chỉ ra trong thành phần hóa học của hạt cau có chứa catechin, arecolidine, hormoarecolin, guvacolin, arecolin, arecadidine… Các thành phần này giúp ức chế vi khuẩn gây hại cho khoang miệng, hỗ trợ trị bệnh sâu răng, kích thích sản xuất nước bọt, giúp giảm triệu chứng khô miệng cho bệnh nhân đái tháo đường. Ngoài ra, hạt cau khô còn có công dụng cải thiện các tế bào thần kinh và kiểm soát đường huyết.
Theo những người già ở Đại Hưng, Đại Lộc, để đảm bảo chất lượng, quả cau chỉ được thu hoạch khi đã chín già, tức là vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch. Sau khi quả cau được hái xuống thì chẻ đôi lấy hạt.
Hạt cau sẽ được đem ngâm với nước cho mềm, cạo đáy, xắt lát mỏng, phơi khô hoặc sấy khô. Hạt cau khô dễ bị mối mọt và hư hại nên phải bảo quản ở nơi thoáng mát, kín và tránh ánh nắng trực tiếp. Trường hợp thời gian sử dụng kéo dài thì thi thoảng cần đem phơi nắng để tránh ẩm mốc.
Tục ăn trầu xưa
Với người Việt, từ xa xưa, cau cùng với trầu xuất hiện trong ngày cưới mang ý nghĩa tượng trưng đề cao tình vợ chồng thủy chung, son sắt. Đây còn là “phương tiện” để kết nối giao duyên giữa tình yêu nam nữ, như trong ca dao: “Trầu vàng nhá lẫn cau xanh/ Duyên em sánh với tình anh tuyệt vời”; “Nhà em đất tốt trồng cau/ Cho anh trồng ghé bụi trầu gần bên”… Cau gắn liền với tục ăn trầu - biểu hiện của phong cách văn hóa, ứng xử người Việt.
Ăn trầu là một cách nói gọn, bởi thực tế đây là sự kết hợp của các thành phần: trầu, cau, vỏ cây, vôi tôi. Trong sinh hoạt hằng ngày của người Việt, “miếng trầu là đầu câu chuyện”, ăn một miếng trầu chẳng những làm môi đỏ, miệng thơm, răng chắc mà còn giúp câu chuyện tâm tình giữa chủ và khách thêm phần cởi mở.
Khi “hành phương Nam”, tục ăn trầu được những lưu dân Việt xem là thứ “hành trang” vô cùng quý giá cần “gánh theo” cùng với tên xã, tên làng. Trong tập ký sự “Xứ Đàng Trong”, Cristoforo Borri mô tả khá chi tiết về tục ăn trầu cách đây 4 thế kỷ ở xứ Quảng: “Trong mỗi gia đình xứ này luôn có một người làm nhiệm vụ sửa soạn trầu cau, gọi là betlere (người têm trầu).
Trầu cau đã têm được sắp đặt trong cơi và người ta nhai suốt cả ngày, không chỉ ở nhà mà còn trên đường, lúc trò chuyện, song người ta không nuốt mà nhổ bã đi. Người ta chỉ thưởng thức mùi vị và tính chất của hỗn hợp vốn rất tốt cho dạ dày này.
Việc ăn trầu phổ biến tới nỗi, người nào tới nhà người khác chơi đều mang theo trầu cau mời chủ nhà, và chủ nhà không ngần ngại lập tức nhận lấy bỏ vào miệng. Sau đó, trước khi khách ra về, chủ nhà sai người têm lấy một cơi trầu tặng cho khách để đáp lễ, chính vì vậy mà họ cần phải sửa soạn trầu cau têm sẵn”.