(QNO) - Gần một tháng nay, giá cau tươi giảm sâu, trong khi đó, quả cau non để lâu sẽ già không thể tiêu thụ, khiến nhiều nhà vườn trồng cau trên địa bàn tỉnh lo lắng tìm thị trường.
Theo tìm hiểu, hiện giá thu mua quả cau tươi ngoài thị trường dao động từ 5 - 9 ngàn đồng/kg, thậm chí nhiều chủ lò ngừng thu mua. Khoảng 1,5 tháng trước giá cau tươi hơn 40 ngàn đồng/kg, rất nhiều nhà vườn trồng cau ở các huyện Núi Thành, Tiên Phước mừng thầm sẽ có nguồn thu lớn. Nay cau tươi rớt giá thê thảm, khiến họ không khỏi lo lắng tìm thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Văn Chín (thôn 5, xã Tiên Hiệp, Tiên Phước) cho biết, gia đình ông trồng hơn 1,5ha đất với hơn 5.000 cây cau đang thời kỳ cho quả. Mỗi năm đến mùa thu hoạch, ông hái hơn 4 tấn quả con để cân bán cho thương lái trên địa bàn huyện, thu về hơn 100 triệu đồng.
“Cách đây vài tháng, tôi bán cau non với giá 40 ngàn đồng/kg, nay chỉ còn 9 ngàn đồng, trong khi đó công thuê người hái, vặt quả rất tốn kém. Nhưng không phảilứa quả cau tươi nào cũng bán được, thương lái giờ rất kén chọn. Cau phải non, vỏ xanh mới được ưa chuộng. Nghe nói sắp tới, thương lái ngừng thu mua cau, không biết bán cho ai” - ông Chín lo lắng.
Tương tự, gia đình ông Trần Văn Phúc (thôn 3, xã Tiên Ngọc) với 200 cây cau trồng trong vườn nhà, mỗi năm đem lại cho gia đình ông hơn 20 triệu đồng nguồn thu từ quả cau non.
“Để cây cau phát triển tốt, tháng Giêng, tôi bón phân, nhưng đợt vừa qua nắng quá, nên cây cau bị vàng lá, cho quả ít. Nay giá cau giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, doanh thu cũng giảm đáng kể” - ông Phúc nói.
Tại huyện Núi Thành, thời điểm này nhiều vườn cau của người dân ở các xã Tam Thạnh, Tam Sơn, Tam Xuân 1, 2 cũng khá sai quả, nhưng không có thương lái thu mua, người dân để cau chín đỏ vườn.
Ông Nguyễn Tấn Thuận (xã Tam Xuân 2) cho biết: “Đợt vừa rồi tôi bán được hơn 1 tạ quả cau non thu được hơn 5 triệu đồng. Nay cây cau đang cho quả lứa thứ 2, 3 nhưng chưa thấy người thu mua cau tới hái, giờ để vậy thì quả cau già bỏ đi tiếc lắm” – ông Thuận bày tỏ.
Trước đây, mỗi khi cây cau bắt đầu ra hoa, thương lái đã đến đặt cọc thu mua cả vườn. Cau tươi tăng giá, còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ ở nông thôn với thu nhập ổn định từ việc vặt trái cau thuê cho các chủ lò cau. Cạnh đó nhiều thanh niên, đàn ông trung niên đi thu mua cau về nhập cho chủ lò cũng kiếm được kha khá tiền mỗi năm.
Còn năm nay, thị trường tiêu thụ cau tươi ảm đạm, không chỉ khiến nhà vườn trồng cau sụt giảm nguồn doanh thu mà nhiều người lao động tự do cũng không có thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Khoa (xã Tam Xuân 2) - chuyên đi mua cau dạo ở các nhà vườn cho biết, mùa cau tươi đắt giá, ông lặn lội ra các huyện Tiên Phước, Điện Bàn... để mua cau về nhập lại các lò cau để kiếm lời, mỗi ngày thu được 500 - 1 triệu đồng.
"Nghề hái cau rất nguy hiểm, nhưng giúp tôi có tiền để lo trang trải cuộc sống gia đình, nay cau giảm giá, đi buôn chỉ có lỗ nên tôi đợi giá cau tăng mới đi hái tiếp" - ông Khoa chia sẻ.
Nhiều thương lái thu mua cau ở Tiên Phước, Núi Thành cho biết, cau tươi mua về sấy khô hoặc đóng vào các giỏ tre xuất bán sang thị trường Trung Quốc để họ làm kẹo. “Đợt này, thị trường Trung Quốc ngừng mua cau non, nên tôi ngừng thu mua cau tươi, sắp tới nếu thị trường Trung Quốc sẽ tiếp tục tiêu thụ cau, nhưng giá sẽ không cao” – một thương lái ở huyện Núi Thành cho biết.
Những năm gần đây, cau tươi được giá nên nhiều hộ dân trên địa bàn đua nhau mua cau giống về trồng quanh vườn, ít thì vài trăm, nhiều thì lên tới hàng ngàn cây. Từ việc trồng làm bóng mát, đẹp sân vườn thì nay cây cau trở thành cây trồng chủ lực giúp họ có nguồn thu mỗi năm.
Hiện nay, quả cau tươi chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng con đường tiểu ngạch, thị trường luôn biến động nên người trồng cau còn dễ gặp nhiều rủi ro, lo lắng là điều khó tránh khỏi.
[VIDEO] - Cau tươi rớt giá, nhiều nhà vườn lo lắng tìm đầu ra cho quả cau: