Kinh tế

Cau tươi tăng giá “chóng mặt”

HOÀI NHI 13/10/2024 11:11

(QNO) - Những ngày gần đây, nông dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên hết sức bất ngờ khi thương lái ồ ạt đến tận các khu vườn thu mua cau tươi với giá tăng “chóng mặt”, hiện nay dao động từ 60.000 - 65.000 đồng/kg.

Giá cau tăng mạnh

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cau dày đặc quả, ông Lê Văn Hải ở thôn Hà Mỹ (xã Duy Vinh, Duy Xuyên) cho biết, trước đây khu vườn chủ yếu trồng rau, đậu, bắp. Vùng đất này bị nhiễm phèn nặng nên năng suất cây trồng không cao, giá trị kinh tế thấp. Vì thế, ông Hải chuyển toàn bộ diện tích sang trồng cây cau, hiệu quả cao hơn.

1.jpg
Nông dân xã Duy Vinh phấn khởi vì cau được giá. Ảnh: H.N

Hiện nay, khu vườn của ông Hải trồng hơn 300 cây cau. Để cây cau phát triển tốt, ông sử dụng phân hữu cơ và tập trung phòng ngừa bệnh thối đọt cau. “Bây giờ, nếu tôi bán luôn cả vườn cau thì năm nay thu về không dưới 80 triệu đồng, cao nhất từ trước đến nay” - ông Hải nói.

2.jpg
Trồng cau khoảng 4 năm là cho thu hoạch. Ảnh: H.N

Cách vườn cau của ông Hải không xa, vườn cau 200 cây của gia đình ông Võ Đức Hồng cũng phát triển xanh tốt và trĩu quả. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, cây cau cho năng suất cao, giá cả lại tăng mạnh nên ông Hồng rất phấn khởi.

“Trồng cau hiệu quả kinh tế cao hơn so với làm lúa và các loại hoa màu khác. Mỗi năm, gia đình tôi thu về tầm 30 - 40 triệu đồng từ cây cau. Mấy tháng qua, thương lái vào tận vườn thu mua cau với mức giá cao hơn nhiều so với những năm trước nên nguồn thu năm nay ước đạt hơn 60 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống” - ông Hồng bày tỏ.

3.jpg
Người dân thu hoạch cau. Ảnh: H.N

Ông Nguyễn Văn Tài - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho biết, địa phương có hơn 1.000 hộ dân trồng cau với khoảng 52.000 cây, sản lượng bình quân đạt gần 520 tấn/năm. Hiện nay, trái cau xuất khẩu mạnh sang thị trường Trung Quốc và rất dễ bán.

4.jpg
Bên cạnh được giá thì cau năm nay cũng được mùa. Ảnh: H.N

“Cây cau chịu được thời tiết khắc nghiệt, chi phí ban đầu thấp lại không tốn nhiều công chăm sóc nên nhiều gia đình ở Duy Vinh mạnh dạn đầu tư phát triển loại cây trồng này, vừa tạo nguồn thu nhập, vừa tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh – sạch – đẹp. Thực tế, mô hình trồng cau giúp nhiều hộ dân có nguồn thu nhập tương đối khá. Riêng năm 2024, người dân thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng/vườn, cá biệt có hộ thu 80 - 100 triệu đồng/vườn, góp phần cải thiện đời sống người dân” - ông Tài chia sẻ.

Không khuyến khích mở rộng diện tích

Theo nhiều người dân trên địa bàn huyện Duy Xuyên, cây cau trồng khoảng 4 năm tuổi thì bắt đầu cho quả, mỗi vụ thu hoạch kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Nếu như các năm trước, giá cau đầu vụ dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg thì năm 2024, ngay từ đầu vụ giá cau đã hơn 30.000 đồng/kg. Đầu tháng 8 dương lịch đến nay, giá cau tươi liên tục tăng mạnh, thời điểm này khoảng 60.000 - 65.000 đồng/kg.

5.jpg
Quả cau góp phần cải thiện đời sống người dân. Ảnh: H.N

Duy Xuyên là một trong những địa phương có diện tích trồng cau lớn ở Quảng Nam. Những ngày này, người dân hết sức vui mừng vì trúng giá cau. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, cau là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, chi phí đầu tư không cao. Trồng cau chỉ trong thời gian ngắn là bắt đầu cho trái. Vòng đời của cây cau kéo dài cả chục năm nên nếu trúng giá, nông dân sẽ thu lãi rất cao so với nhiều loại cây trồng khác.

6.jpg
Cây cau vừa tạo thu nhập vừa tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp. Ảnh: H.N

“Tuy nhiên, quả cau tươi chủ yếu tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro vì giá cả khá bấp bênh. Vì vậy, địa phương không khuyến khích nông dân trồng mới hay phá bỏ một số loại cây trồng khác để bố trí cây cau mà hướng dẫn người dân nên tận dụng các diện tích đất gò đồi, bờ vườn, bờ rào, đất kém hiệu quả để trồng cau, vừa tạo cảnh quan sinh thái làng quê, vừa tăng thêm nguồn thu nhập…” – ông Công nói.

7.jpg
Người dân ươm cau giống để mở rộng diện tích. Ảnh: H.N
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cau tươi tăng giá “chóng mặt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO