Hiện nay, phương pháp chữa bệnh cấy chỉ vào huyệt đang được áp dụng khá hiệu quả cho hàng chục ca bệnh khó chữa như: di chứng liệt sau đột quỵ, di chứng liệt nửa người do tai biến mạch máu não, bại liệt do viêm màng não và các loại bệnh thường gặp: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, đau lưng do thoái hóa cột sống, đau thần kinh cánh tay, đau thần kinh hông to, đau lưng...
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, từ những năm 1950, ngoài châm cứu truyền thống có nhiều hình thức mới tác động vào huyệt như: thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt), từ châm (tác động vào huyệt bằng từ trường), laser châm (tác động vào huyệt bằng ánh sáng)… trong đó có cấy chỉ vào huyệt.
Cấy chỉ (chôn chỉ) vào huyệt là một phương pháp chữa bệnh, phục hồi chức năng rất độc đáo, kết hợp giữa đông và tây y, trên nền tảng châm cứu của đông y. Phương pháp này dùng dụng cụ đưa chỉ catgut (có khả năng tự tiêu sau một thời gian nhất định) vào huyệt vị, sự tồn lưu của chỉ tại huyệt trong thời gian đó đã phát huy vai trò kích thích huyệt đạo nhằm tạo được sự cân bằng âm dương, điều chỉnh chức năng tạng phủ, hành khí hoạt huyết, khai uất trệ, giảm đau…. Ngoài ra, cấy chỉ catgut có tác dụng tăng cường đồng hóa, giảm dị hóa, kèm theo tăng cao protein và hydratcarbon ở cơ, giảm nồng độ acid lactic cũng như giảm sự phân giải acid ở cơ. Vì vậy, cấy chỉ catgut góp phần tăng chuyển hóa và dinh dưỡng ở cơ, làm tăng sinh lưới mao mạch, lưu thông máu trong lòng mạch ở các chi thể, kích thích miễn dịch, tăng sức đề kháng của cơ thể.
Một trong những ưu điểm của phương pháp cấy chỉ vào huyệt làm tăng hiệu quả trong điều trị và phục hồi chức năng là một lần cấy chỉ 10 - 20 phút, khoảng cách giữa 2 lần 10 - 20 ngày, người bệnh không cần nằm viện và có thể điều trị nhiều bệnh cùng lúc. Bên cạnh đó, phương pháp này hầu như không gây phản ứng phụ do không dùng thuốc. Bệnh nhân có thể đau tại huyệt cấy chỉ, nguyên nhân quan trọng của nó là do thường dùng kim troca (kim chọc dò tủy sống) có kích thước to để đưa chỉ catgut vào huyệt vị (nên 1 lần cấy chỉ không quá 4 huyệt). Sau thời gian dùng kim troca, Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam đã cải tiến dùng kim tiêm nhỏ để thay thế nên khắc phục được việc gây đau, cấy được nhiều huyệt và đặc biệt là kim dùng 1 lần nên đảm bảo vô trùng và tránh lây nhiễm bệnh tật; điều trị có kết quả nhiều ca bệnh như: bệnh nhân Hồ Thị Tuyết V (SN 1982) ở An Mỹ (TP.Tam Kỳ) bị đau lưng khoảng 1 tháng, cấy chỉ 1 lần hết đau đến nay khoảng 3 năm chưa tái phát; bệnh nhân Hứa Thị T (SN 1970) ở Duy Phước (Duy Xuyên) bị viêm khớp dạng thấp cấy chỉ 3 lần, trước cấy chỉ mỗi khi thời tiết thay đổi người bệnh đau nhức các khớp rất nhiều, sau cấy chỉ khi “trái gió trở trời” các khớp đau ít; ông Phạm Tấn S (SN 1951) ở Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) bị đau lưng gần 10 năm, sau 2 lần cấy chỉ giảm đau khoảng 80%.
Quy trình kỹ thuật cấy chỉ đang ngày càng hoàn thiện, hạn chế các khuyết điểm như gây đau, chảy máu, dễ nhiễm trùng. Các chứng bệnh châm cứu được thì đều áp dụng cấy chỉ.
Một số chứng bệnh chữa bằng phương pháp cấy chỉ có kết quả tốt như: liệt nửa người, liệt mặt, liệt 2 chân; bệnh cơ xương khớp thoát vị đĩa đệm, đau lưng, đau thần kinh hông to (thần kinh tọa), đau xương khớp do phong thấp, đau vai gáy cổ, viêm quanh khớp vai; bệnh đường tiêu hóa: viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn tính; bệnh đường hô hấp: hen phế quản, viêm phế quản; bệnh phụ nữ: đau bụng kinh, khí hư, hội chứng mãn kinh; bệnh ngũ quan: viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm họng, cận thị, loạn thị; béo phì, đau đầu, mất ngủ, rối loạn tiền đình.
BS LÊ THÂN
(Bệnh viện Y học cổ truyền)