Cây công nghiệp ngắn ngày ở Duy Xuyên: Điểm nhấn nhạt nhòa

QUỐC TUẤN 26/02/2016 08:57

Các loại cây công nghiệp hàng năm trên địa bàn huyện Duy Xuyên khá đa dạng và chiếm diện tích đất nông nghiệp không nhỏ. Thế nhưng còn nhiều điều trắc trở khiến phần lớn các loại cây trong nhóm này vẫn chưa phát huy hết giá trị.

NHỮNG năm gần đây, nền nông nghiệp của Duy Xuyên khá khởi sắc ở nhóm cây lúa và cây thực phẩm. Địa phương có hơn 3.700ha lúa canh tác mỗi vụ cho năng suất khoảng 63 tạ/ha, xây dựng được 11 cánh đồng chuyên canh các giống lúa thương phẩm chất lượng cao giúp tăng giá trị kinh tế cho nông dân. Ngoài ra, nhiều cây trồng cạn khác như ớt, dưa leo, đậu xanh, khoai môn… cũng mở ra hướng đi mới cho nền nông nghiệp của huyện. Trong khi đó, với nhóm cây công nghiệp hàng năm, chỉ có cây đậu phụng là phát triển tương đối ổn định, còn lại các loại cây khác vẫn chưa tạo được sức bật.
Nhắc tới cây công nghiệp ngắn ngày, cách đây khoảng chục năm cây bông vải từng “rộ” lên ở Duy Xuyên với diện tích lên đến vài trăm héc ta vào giai đoạn 2006 - 2007, nhưng hiện tại đã hoàn toàn “mất tích” bởi quá tốn kém chi phí chăm sóc, trong khi năng suất không cao lại thêm mất một khoảng thời gian khá dài (kéo dài từ vụ hè thu đến vụ xuân hè) mới thu hoạch được, không thể sản xuất cây hoa màu khác. Ông Phạm Đình Xuân - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho biết: “Cây bông vải hiện không còn nằm trong cơ cấu sản xuất của địa phương bởi nhiều khó khăn khách quan lẫn chủ quan. Huyện đã và đang chuyển đổi nhiều diện tích cây công nghiệp hàng năm không hiệu quả sang các loại cây trồng cạn khác có giá trị hơn để cải thiện đời sống của người dân”.

Trồng và thu hoạch lác rất vất vả nhưng giá trị kinh tế đem lại không cao. Ảnh: QUỐC TUẤN
Trồng và thu hoạch lác rất vất vả nhưng giá trị kinh tế đem lại không cao. Ảnh: QUỐC TUẤN

Một loại cây khác cũng đang sụt giảm diện tích canh tác rõ rệt trong vài năm qua là cây thuốc lá. Khác với cây bông vải, cây thuốc lá đem lại hiệu quả kinh tế tích cực cho người trồng, nhưng do trong quá trình chăm sóc khá độc hại bởi nhiều loại thuốc trừ sâu nên dần dà mất hút khỏi địa phương. Cây mè cũng là loại cây đem lại tín hiệu tốt nhưng đang đối mặt với nguy cơ thu hẹp diên tích gieo trồng, bởi nhiều vùng cát phía đông Duy Xuyên đã và đang dần được quy hoạch lại để phục vụ mở mang đất thổ cư và các ngành kinh tế khác.

Đáng buồn nhất là hai loại cây đặc trưng của vùng đất Duy Xuyên, vài trăm năm nay cây dâu và cây lác đã theo chân và trở thành sinh kế của người dân vùng đất này. Nó cũng là nguồn nguyên liệu chất lượng cho hai làng nghề truyền thống dệt chiếu và ươm tơ dệt lụa, thế nhưng lại đang chật vật đi tìm chỗ đứng trên thị trường bởi thời kỳ hoàng kim đã qua rất lâu. Cách đây hàng chục năm, phần lớn nông dân ở xã Duy Vinh (nơi có làng chiếu Bàn Thạch nổi tiếng) bám trụ với nghề trồng lác, nhưng hiện tại chỉ còn khoảng 150ha đất canh tác loại cây này. Bà Đỗ Thị Đào (thôn 2, xã Duy Vinh) vừa đập lác vừa bộc bạch: “Một bó lác khô to bán được 400 nghìn đồng, 1 sào lác thu hoạch được khoảng 10 bó, vị chi là 4 triệu đồng. Một năm hái được hai lần nhưng trừ hết mọi chi phí thì chẳng còn lời bao nhiêu, mà khi thu hoạch lại còn rất khổ. Giới trẻ lớn lên bây giờ không còn thiết tha với cây lác nữa bởi chúng có thể tìm được nhiều công việc ổn định hơn, không vất vả như thế này”. Diện tích trồng dâu ở Duy Xuyên hiện nay rất khiêm tốn, chỉ là con số lẻ so với trước đây, thời mà tơ lụa Mã Châu hay Đông Yên vùng này còn nức tiếng khắp chốn.

Những năm gần đây, những người có tâm huyết với cây dâu, con tằm đã đổ nhiều công sức, vốn liếng để hồi sinh lại làng nghề tơ lụa Mã Châu. Bước đầu, làng nghề đang tạo được hiệu ứng tích cực nhưng do diện tích trồng dâu trên địa bàn huyện quá ít, vì vậy nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu phải nhập từ các tỉnh khác về với giá thành cao khiến hợp tác xã tơ lụa gặp rất nhiều khó khăn. Một loại cây khác cũng đang hứa hẹn là… cỏ. Trong vụ đông xuân 2015 - 2016, có gần 250ha cỏ, chủ yếu là cỏ voi được trồng rải rác khắp xã, thị trấn của Duy Xuyên để nuôi bò. Chị Nguyễn Thị Hạnh - cán bộ nông nghiệp của xã Duy Trinh cho biết, vài năm gần đây nhiều hộ thuộc các thôn Thi Lai, Đông Yên… tận dụng triệt để các diện tích trống trong vườn hoặc canh tác hoa màu khác không hiệu quả chuyển sang trồng cỏ để nuôi bò. Chỉ riêng ở thôn Thi Lai đàn bò đã lên đến gần 1 nghìn con, giúp cải thiện đời sống kinh tế cho người dân. Tuy vậy, đó cũng mới chỉ là những tín hiệu tích cực bước đầu, còn hiện tại cây công nghiệp ngắn ngày chỉ là một điểm nhấn khá nhạt nhòa trong bức tranh nông nghiệp của địa phương này.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây công nghiệp ngắn ngày ở Duy Xuyên: Điểm nhấn nhạt nhòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO