"Cây của mình", ngoài phố...

PHÚ MỸ 11/09/2022 06:57

Mỗi khi thư thả, tôi lại đạp xe dạo phố, để ngắm người và ngắm cây xanh. Nhìn những gốc cây lớn nhỏ khác nhau, chủng loại khác nhau trên cùng một dãy vỉa hè, tôi thầm nghĩ trong số ấy hẳn là có những gốc cây của riêng ai đó, cho riêng ai đó, trên phố chung của muôn người...

Giữa không gian chung của cây xanh trên phố, dường như luôn có những dấu nhớ riêng tư. Ảnh: B.A
Giữa không gian chung của cây xanh trên phố, dường như luôn có những dấu nhớ riêng tư. Ảnh: B.A

Không có được hạ tầng thiết yếu gồm điện, đường, vỉa hè, cây xanh, hệ thống cấp thoát nước... hoàn chỉnh như các khu dân cư được quy hoạch mới sau này, khu dân cư nơi tôi được cấp đất ở tại Hòa Hương 20 năm trước gần như chỉ là bãi đất hoang.

Trước khi xây nhà, tôi và nhiều chủ đất khác ở đây rủ nhau trồng cây xanh lên vỉa hè phía trước khu đất của mình, hy vọng khi nhà xây xong thì có ngay bóng cây trước ngõ. Hầu hết chọn trồng cây trứng cá. Đây là loại cây dễ tìm, dễ trồng, phát triển rất nhanh nên chỉ chừng một năm sau, bóng mát đã trùm lên cả dãy phố dài.

Cây trứng cá không chỉ cho bóng mát mà còn góp phần làm cho dãy phố xôn xao hơn. Sáng sớm, các bà, các chị ra ngõ quét dọn, vì loại cây này rụng lá nhiều và rụng quanh năm; vào mùa trái chín rộ thêm một lớp trái đỏ rựng dưới đất. Buổi chiều, người lớn rủ nhau ra đi dạo, chuyện trò, trẻ con hái trái để ăn.

Nhưng khi thấy cây trứng cá “xả rác” nhiều quá, lại dễ ngã đổ vào mùa mưa gió, nên nhiều người thay bằng cây khác. Tùy sở thích, có người trồng xà cừ, người trồng so đũa, người trồng muồng hoàng yến.

Nhà tôi thay trứng cá bằng cây đào núi. Đào núi về phố được chăm kỹ nên lớn nhanh, chưa đầy hai năm, vào một ngày cuối đông đầu xuân thì khoe hoa. Nhưng gia đình tôi mới được ngắm hoa của nó vài mùa thì chuyển nhà.

Bẵng đi thời gian, quay lại thăm nơi ở cũ thì tôi không thấy cây đào núi “của mình” đâu nữa. Rồi vỉa hè ở đây được nâng cấp, những cây trồng cũ trước đây cũng biến mất, chờ trồng cây mới. Tự dưng nghe lòng tiêng tiếc...

Khi gia đình tôi rời chỗ cũ về làm nhà ở nơi mới, cha vợ tôi đào một cây lộc vừng cao tầm 2 mét trong vườn nhà ở quê rồi thuê hẳn một chiếc xe tải nhỏ chở vào tận Tam Kỳ để tôi trồng trên vỉa hè trước nhà.

Gia đình tôi rất quý cây lộc vừng này, không phải vì lúc ấy lộc vừng vẫn đang là loại cây cảnh có giá, mà vì cái tình, cái công và sự tận tụy của cha vợ tôi. Cây được chăm sóc kỹ, lớn rất nhanh.

Vậy nên, khi người của cơ quan kiến thiết thị chính đến khảo sát để quy hoạch lại cây trồng vỉa hè, tôi đã đề nghị cho phép gia đình mình giữ lại cây lộc vừng. Và cây vẫn sống cho đến bây giờ, tuy bắt đầu già cỗi nhưng vẫn xanh như một dấu nhớ riêng tư, nhiều yêu thương và trân quý!

Sống ở Tam Kỳ qua 25 năm, tôi từng chứng kiến thành phố này nhiều lần quy hoạch, thay đổi chủng loại cây trồng vỉa hè theo kiểu “đồng phục” trên một số tuyến đường.

Đó là những cuộc thay cây đổi cối đầy quyết tâm, hy vọng sẽ tạo ra thêm những vệt cây xanh đẹp và mới, nhưng cũng không ít... thương xót. Nhiều người đã không thể giữ lại những cái “cây của mình” - tự tay mình trồng và chăm sóc, trên vỉa hè trước nhà.

Nhưng lại nghe nói, thi thoảng cũng có cái “cây công cộng” trồng trên vỉa hè trước nhà bị chết, chủ nhà liền “tranh thủ” tìm một loại cây khác mà mình yêu thích đem về trồng thế vào. Để rồi phố vẫn xanh, thêm xanh mỗi ngày, bằng một màu xanh chung như muôn đời nay cây cối vẫn hồn nhiên chung một sắc xanh; nhưng trong đó ẩn chứa sắc xanh riêng của kỷ niệm, của mến thương tha thiết...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cây của mình", ngoài phố...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO