Cây di sản nơi xứ đảo

PHẠM QUỐC - CAO NGUYÊN 12/08/2023 06:08

(VHQN) - Qua trăm năm thẩm thấu nắng mưa, chùm cây ngô đồng, cây nánh, cây kén, cây đa núi đã gắn chặt với đất, người Cù Lao Chàm và mang trong mình định danh di sản của quê xứ.

Cây đa núi di sản hơn 600 tuổi ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.N
Cây đa núi di sản hơn 600 tuổi ở Cù Lao Chàm. Ảnh: Q.N

 Những “cụ” cây đi cùng năm tháng

Câu chuyện về cây ngô đồng gắn liền với cuộc sống của dân đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, Hội An) không còn xa lạ. Nhưng không nhiều người biết có một cụm cây ngô đồng ở đây đã được công nhận là cây di sản.

Chúng nằm ngay đoạn dốc Suối Tình trên đường từ Bãi Làng đến Bãi Xếp. Theo ước tính của cơ quan chức năng, 3 cây ngô đồng đỏ có tuổi đời từ 155 năm đến 250 tuổi.

Năm 2015, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao bằng công nhận Cây di sản cùng lúc ba cây ngô đồng đỏ tại dốc Suối Tình thôn Bãi Làng, cây đa núi ở sườn đông của Hòn Lao, cây nánh, cây kén ở Miếu tổ nghề Yến thôn Bãi Hương. Theo các chuyên gia, còn rất nhiều cây với tuổi đời xấp xỉ cũng đang nằm trong rừng sâu Cù Lao Chàm nhưng do hiểm trở nên chưa thuận tiện cho công tác nghiên cứu, đo đạc.

Với truyền thống tôn thờ những “cụ” thụ mộc, những người lớn tuổi trên đảo thường dặn lớp trẻ mỗi lần đi ngang qua cây đều phải giữ im lặng, cúi đầu tôn kính như một cách để cảm tạ thần rừng.

“Điều đặc biệt là do nằm cạnh suối, tán của cụm 3 cây ngô đồng này lúc nào cũng tỏa rộng và xanh mát hơn những cây ngô đồng mọc đơn lẻ nơi đất sỏi khô. Đến mùa hoa, cây nở hoa muộn hơn một chút nhưng hoa lúc nào cũng rực rỡ và sẫm màu hơn” - cụ ông Trần Tư - 80 tuổi, trú thôn Bãi Hương kể.

Đến với Bãi Hương, án ngữ Miếu tổ nghề Yến là bộ đôi cây nánh (thàn mát) và kén chừng 200 năm tuổi.

Cây kén nằm góc phải sân, cây nánh nằm góc trái, tán hai cây quyện vào nhau che mát cả khoảng sân trời. Hoa kén nở sắc vàng óng trong khi hoa nánh lại buông rũ màu tím mộng mơ, mỗi cây thay nhau nở mỗi mùa, mang cả không gian thương nhớ cho bao người con làng chài Bãi Hương.

Với người dân ở đây, từ lâu bóng cây đã trở thành một di sản không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Đây là nơi mỗi chiều cả làng tụ tập, người lớn đan lưới, trò chuyện, còn trẻ con chơi đùa, đọc sách dưới tán cây xanh mát.

Vòng qua Bãi Hương một đoạn, dễ dàng bắt gặp ngay cây đa hơn 600 năm tuổi sừng sững bên vệ đường. Thân cây như một vách thành, hệ rễ vươn lên cao chống đỡ vòm lá rộng như “ôm chặt” núi đá Cù Lao. Cây nằm bên trên vực thẳm, hướng cành về phía biển đón những tia nắng đầu tiên của ban mai chiếu lên đảo.

Trải qua bao biến động của tự nhiên và lịch sử, cây vẫn kiên cường bám trụ, gắn chặt cuộc đời với núi rừng Cù Lao Chàm, là địa điểm linh thiêng trong tâm thức của nhiều người dân xứ đảo, những người sống dựa vào núi rừng từ bao đời. Đến nay, đây được xem là cây có tuổi đời lớn nhất ở Cù Lao Chàm.

Cây nánh, cây kén trong khuôn viên Miếu tổ nghề Yến. Ảnh: Q.N
Cây nánh, cây kén trong khuôn viên Miếu tổ nghề Yến. Ảnh: Q.N

Mơ về cung đường khám phá cây di sản

Do vị trí cách không quá xa nhau và đường đi không quá hiểm trở, trong một buổi sáng du khách có thể dạo hết cung đường trải nghiệm cây di sản ở Cù Lao Chàm. Rong chơi dọc đường biển từ Bãi Làng đến Bãi Hương rồi vòng qua sườn đông đảo một chút, du khách có thể “chạm mặt” đủ 4 loài cây di sản đã gắn bó bao đời cùng đất, người xứ đảo.

Điều độc đáo là cụm hoa ngô đồng di sản lộ ra ngay ven đường nên du khách rất dễ tiếp cận và là địa điểm chụp hình “check-in” yêu thích của nhiều du khách khi đến Cù Lao Chàm vào độ cuối tháng 7, đầu tháng 8 khi hoa nở rộ. Trong khi bộ đôi cây nánh, cây kén hay “cụ” đa 600 tuổi cũng cách không xa trung tâm đảo và đều có thể di chuyển bằng xe máy để tiếp cận.

Men theo cung đường này còn có những bãi tắm đẹp hàng đầu trên đảo, và du khách cũng có thể dừng chân ghé quán cà phê vườn đồi nằm ngay trên đường đến Bãi Chồng. Ở đây, du khách có thể cảm nhận được thanh âm từ phía rừng già cũng như lắng nghe câu chuyện người địa phương đã khai khẩn vườn đồi canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững từ trăm năm trước.

Tuyến đường cây di sản, nếu được xây dựng thành câu chuyện bài bản và khai thác đúng cách có thể trở thành tour du lịch đặc sắc lôi cuốn những tâm hồn yêu thiên nhiên, môi trường và mong muốn chạm vào các di sản của tự nhiên. Còn với lớp trẻ và nhiều du khách, tìm hiểu về cây là học nhiều giai thoại, về cách các thế hệ cư dân trên đảo kết nối, tôn trọng và khai thác thiên nhiên một cách bền vững.

Hội An đang dự thảo đề án xây dựng bộ sản phẩm du lịch đặc trưng Cù Lao Chàm theo định hướng xanh, bền vững. Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, tại khu vực Miếu tổ nghề Yến gắn với cây nánh và cây kén, địa phương đang cải tạo, nâng cấp một điểm dừng chân để hình thành tiểu công viên.

Tại khu vực cụm 3 cây ngô đồng di sản, địa phương đã đặt tên đường “Ngô đồng đỏ” và sẽ hình thành tuyến điểm tham quan và “check-in” đặc sắc phục vụ du khách. Còn tuyến đường có cây đa di sản đã nằm trong tour trải nghiệm khám phá vòng quanh đảo và ngắm bình minh Cù Lao Chàm. Tất cả hướng đến việc cung cấp không gian thoải mái nhất để du khách thưởng ngoạn di sản của tự nhiên nơi xứ đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây di sản nơi xứ đảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO