(QNO) - Mặc dù khoác lên mình vẻ đẹp quyến rũ lòng người, nhưng ít ai biết, Trúc Đào là cây độc, toàn thân chứa kịch độc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hoa Trúc Đào. Ảnh: Kiến Thức |
Cây Trúc Đào có tên khoa học là Nerium oleander, phát triển tốt trong khí hậu nhiệt đới, ấm áp nhưng Trúc Đào cũng có thể chịu hạn hoặc sương giá tốt. Hoa Trúc Đào rất bắt mắt với màu sắc rực rỡ. Trúc Đào rất được ưa chuộng để chọn trồng trong nhà vườn, trồng làm cảnh.
Mặc dù khoác lên mình vẻ đẹp quyến rũ lòng người, nhưng ít ai biết, toàn thân Trúc Đào lại chứa kịch độc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Y học cổ xưa đã công nhận Trúc Đào rất độc. Bò, ngựa ăn phải một số lá Trúc Đào tươi đã bị ngộ độc. Người ăn thịt súc vật chết vì lá Trúc Đào cũng bị ngộ độc. Nếu con người ăn 10 lá Trúc Đào, có thể gây nguy kịch cho người lớn và tử vong ở trẻ em.
Đáng kể nhất trong số các chất độc có trong cây Trúc Đào là neriin và oleandrin. Đây là các chất có hầu hết trong tất cả các bộ phận nhưng tập trung nhiều nhất ở nhựa cây màu trắng sữa. Ngoài ra, vỏ và gỗ còn tươi của thân cành Trúc Đào độc hơn lá, có chứa chất rosagenin, một chất độc thần kinh.
Cây Trúc Đào được trồng dọc hai bên đường của Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Phụ nữ Pháp Luật |
Theo các chuyên gia, ăn phải 10 đến 20 lá Trúc Đào thì có thể gây nguy kịch ở người lớn và chỉ 1 lá cũng có thể gây tử vong ở trẻ em. Nhiều người lính ở vùng đảo Corse (Pháp) bị chết do ăn thịt nướng với que xiên lấy từ cành cây Trúc Đào, nhiều người khác bị ngộ độc do uống nước có nút chai làm từ cây Trúc Đào hoặc do uống nước suối chảy qua khu vực có nhiều cây Trúc Đào mọc. Theo thống kê, tại Hoa Kỳ, chỉ trong năm 2002 đã có 847 trường hợp ngộ độc có liên quan tới Trúc Đào.
Theo tài liệu y học, dù không ăn hoặc dính nhựa trực tiếp mà chỉ vô tình hít phải khói từ cây Trúc Đào bị đốt cũng sẽ gây ra những vấn đề về sức khỏe. Không những thế, uống phải nguồn nước gần khu vực trồng Trúc Đào cũng có thể bị nhiễm độc từ rễ cây hay lá cây, hoa Trúc Đào rụng xuống.
Cây Trúc Đào trắng. Ảnh: Pixabay |
Ngộ độc chất từ Trúc Đào gây ra các triệu chứng như buồn nôn và nôn mửa dữ dội. Tổn thương vùng bụng, tiêu chảy có thể lẫn máu. Người nhiễm độc Trúc Đào đầu tiên nhịp nhanh sau đó chậm dưới mức bình thường rồi loạn nhịp. Các chất độc từ Trúc Đào khi nhiễm vào cơ thể còn ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương làm da xanh tái và lạnh, nạn nhân đờ đẫn, run rẩy chân tay và các cơ, tai biến mạch máu, hôn mê và có thể dẫn tới tử vong. Nhựa Trúc Đào dính vào da còn gây viêm tấy và bỏng rát, sưng đỏ; dính vào mắt sẽ gây loét giác mạc, nếu bị nặng có thể dẫn đến mù mắt.
Bác sĩ Nguyễn Phương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đưa ra lời khuyên, bởi phản ứng ngộ độc chất từ Trúc Đào diễn ra rất nhanh nên cần cấp cứu lập tức. Hai biện pháp xử lý thường được áp dụng là kích thích gây nôn và rửa ruột. Nếu dính vào da hoặc mắt, phải rửa mạnh dưới vòi nước ngay để tẩy sạch độc tố. Bác sĩ Phương cũng cho biết, không cách nào khử được độc tính của loại cây này do đó không nên trồng trong vườn nhà, tránh không để trẻ nghịch lá cây hoặc hái hoa, bẻ cành.
Theo vietq.vn