Ái Nghĩa (Đại Lộc) hầu như vắng bóng những cây cao lớn, cây cổ xưa càng hiếm. Duy trước đây có một cây gòn ở mố cầu Ái Nghĩa phía hữu ngạn, nhưng khi làm lại cây cầu này thì nó đã bị chặt bỏ, đánh bật ký ức một thời của biết bao thế hệ. Giờ mỗi lần ngồi cà phê ở quán ven sông, ngước nhìn chỉ còn một khoảng không mênh mang, lòng bâng khuâng chảy dài như dòng nước trầm tư dưới chân cầu.
Cây gòn được trồng nhiều ở nông thôn. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Cây gòn rất dễ sống, lại có nhiều công dụng nên được trồng nhiều ở nông thôn. Những cành nhánh lớn dùng làm trụ hàng rào, trụ giàn dây leo, cành nhánh nhỏ cắm dày làm kín rào hoặc thả giàn. Thân cây gòn lớn xẻ ván để đóng quan tài, vừa nhẹ vừa dễ mục, rất thuận tiện và phù hợp. Bông gòn đem xe lại làm tim đèn, hoặc nhồi chặt làm ruột gối. Rễ, vỏ, chồi non… còn là những vị thuốc dân gian hiệu nghiệm. Hiện nay, cây gòn bán rất được giá vì người ta dùng để làm cọc cho hồ tiêu.
Cây gòn bên cầu Ái Nghĩa không biết có tự bao giờ, nhưng khi tôi còn là đứa trẻ mẫu giáo đã nhìn thấy nó sừng sững ở đó rồi. Thuở nhỏ, mỗi ngày đi học tôi đều đi qua dưới tán lá của nó. Đến bây giờ, khi nhớ về, tôi có cảm tưởng nó như một cây đa đầu làng của những làng quê tiêu biểu của đất Việt, như biểu trưng cho tính cộng đồng của làng xã ngày xưa, là cửa sổ liên thông giữa cuộc sống trong làng và thế giới bên ngoài. Ấy là bởi, như bản thân tôi, cứ mỗi lần đi học, khi đi ngang qua nó là biết mình đang đi ra ngoài tìm con chữ; khi học về ngang qua nó là đã biết đến nhà. Khi học trường cấp 2 Nguyễn Trãi, đi bộ 3 cây số, nên mỗi lần đi về tôi cứ ngước nhìn mong thấy được ngọn cây gòn. Thời sinh viên, thời đi làm, cứ mỗi lần nhìn thấy nó là biết mình đã về đến quê, về tới nhà.
Cây gòn nằm về phía đông cầu, che được ánh nắng buổi sáng, nên mấy bà buôn thường ngồi ở dưới tán cây gòn để thu mua hàng. Những người dân từ Đại An, Đại Hòa hay dưới Điện Hồng mang nông sản lên chợ Ái Nghĩa để bán đều bị mấy bà buôn này “chặn” đường mua rẻ. Cho nên, có những người đi chợ mà chưa đến chợ, bởi họ bán được hàng rồi nhưng tiết kiệm tiền không cần mua đồ ở chợ nữa.
Từ khoảng tháng 10 - 11, cây gòn bắt đầu ra hoa, cánh hoa trắng như điểm tuyết trên nền xanh. Mỗi sớm mai đi ngang qua nhìn thấy một lớp hoa rụng khoanh tròn quanh gốc cây. Ngọn gió thoảng qua, thổi lùa chúng về một phía. Sau tết, những trái gòn non trông xa xa như những trái cóc. Thêm một thời gian, chúng lớn dần và chuyển màu trông như những ổ bánh mì que treo lủng lẳng trên nền trời trong xanh của tiết thanh minh. Thời điểm chuẩn bị bước sang mùa hè, những trái gòn bắt đầu bung vỏ, lộ ra những mảng trắng bông gòn. Nếu như người ta muốn thu hoạch thì chính là lúc này. Nhưng cây cao quá, chẳng thấy ai dám trèo để hái trái. Tôi thường đợi đến lúc gió dông đầu hạ hay nổi lên lúc giữa chiều để chạy ra đó nhặt trái gòn khô rơi rụng. Đôi lần cũng có mấy chị nhân viên nhà hàng ở đầu cầu như quán Mỹ Ngân… bước ra nhặt giúp cho tôi. Đó lần đầu tiên tôi nhìn thấy sắc hương phố thị, không giống như những thiếu nữ trong làng.
Trái gòn khô nhặt về, chủ yếu cho bớt lại bà con hàng xóm. Mọi người cất để dành làm tim đèn, vì thời ấy, tim đèn bằng sợi vải công nghiệp chưa phổ biến. Cầm trái bông gòn, kéo ra một nhúm bông, dùng hai đầu ngón tay cái và tay trỏ vê lại, rút một chân nhang gập đôi kẹp vào đầu sợi bông vừa vê bằng tay, và cứ thế xe thành sợi, to cỡ tăm xe máy, dài ngắn tùy theo ý mỗi người. Sợi bông gòn luồn vào hộp quẹt bằng đá lửa, tẩm chút xăng hoặc dầu lửa cũng được, quẹt cái nào có lửa lần đó không thua chi hộp quẹt ga bây giờ. Nếu dùng làm tim đèn dầu thì phải sử dụng 2 - 3 sợi tết lại thành sợi to. Dường như ở quê chỉ sử dụng bông gòn làm hai việc ấy, vì nó cũng không có nhiều để có thể đủ làm gối hoặc áo bông, chăn bông.
Mười năm ở Đà Nẵng, tôi trọ ở nhà có cây gòn. Thỉnh thoảng cũng trèo lên cây để sửa lại đường dây điện. Một dạo xuôi ngược cao nguyên Di Linh, tôi thấy người ta sắp thành dãy từng bó cây gòn để bán cho mọi người mua trồng làm nọc hồ tiêu nhân vào lúc bắt đầu mùa mưa Tây Nguyên. Hằng ngày đi làm, luôn đi ngang qua cây gòn nhà trọ. Tất cả làm cho ký ức cây gòn mố cầu Ái Nghĩa trong tôi càng thêm sâu đậm.
Người ta thường bảo “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Cây gòn cũng thuộc họ cây gạo. Hơn nữa, cây gòn này đứng trơ trọi ở bên mố cầu. Mà mố cầu cũ này thường hay xảy ra tai nạn giao thông, bởi đường dẫn lên cầu có dốc cao, lại cua ngặt. Chính vì vậy mà cây gòn này được cho là rất linh thiêng. Nghe đồn có nhiều chuyện cũng rất tâm linh khi phải chặt bỏ cây gòn này để làm lại cầu và mở rộng cầu, đường. Tôi mỗi lần về quê, đi trên cây cầu này, lòng cũng rộng thênh đến mức trống rỗng vô định. Kỷ niệm hôm nào giờ cũng như những bông gòn kia đã theo gió bay qua cầu từ ngày xưa...
HƯƠNG THU