Cây Lá diễn thanh nhiệt giải độc

Theo saigondautu.com.vn 19/03/2018 10:36

(QNO) - Gan và thận là hai cơ quan chính trong cơ thể có khả năng loại bỏ các độc tố. Những độc tố dễ tan trong nước sẽ được loại qua thận.

Lá diễn.
Lá diễn.

Chức năng y lý

Gan và thận là hai cơ quan chính trong cơ thể có khả năng loại bỏ các độc tố. Những độc tố dễ tan trong nước sẽ được loại qua thận. Những độc tố tan trong dầu, sẽ được biến chế bởi những tế bào gan thành những chất kém nguy hiểm hơn, hoặc dễ hòa tan trong nước hơn. Khi gan bị chai, những độc tố sẽ ứ đọng lại trong cơ thể. Vì thế, một trong những nhiệm vụ chính của gan là thanh lọc độc tố.
Ở nước ta có một số cây thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc như Bạch hoa xà thiệt thảo, Bồ công anh, Diệp hạ châu, Diếp cá, Kim ngân, Lá diễn, Rau sam, Sài đất, Thổ phục linh, Xạ can... Bài viết này, chúng tôi giới thiệu cây Lá diễn với các đặc điểm thực vật và công dụng. Lá diễn còn gọi là Cây gan heo, hay Cửu căn. Tên khoa học:Dicliptera chinensis (L.) Nesshay Justicia chinensis L., Dicliptera javanica Nees. Họ Ô rô - Acanthacea

Đặc điểm thực vật

Cây Lá diễn là loại cây thảo, sống 1 năm hay vài năm, cao 30-80cm. Thân và cành non có 4 cạnh, có lông tơ, các mấu hơi phình to. Lá mọc đối, màu xanh lục, phiến lá hình trứng thuôn, dài 2-7cm, rộng 2-4cm, đầu và gốc đều nhọn, có lông thưa. Cây này có hoa màu tím nhạt hay trắng hồng, mọc thành xim ở nách lá và ở đầu cành, ngoài có nhiều lá bắc hình trái xoan dài 8-11mm, các lá bắc con hẹp. Quả nang ngắn có lông tơ ở phía đầu, hạt dẹt.

Cây ra hoa từ mùa đông đến mùa hạ, là loại cây dễ trồng, có thể mọc ở ven đường, ven suối, bãi trống hoặc sinh trưởng thành đám ở dọc bờ mương, rãnh nước, nơi ẩm ướt. Cây mọc khá phổ biến ở Việt Nam, cũng được trồng lấy lá làm rau, làm thuốc. Ở Trung Quốc, Ấn Độ, Banglades cũng có các loại cây này.

Hoa cây Lá diễn.
Hoa cây Lá diễn.

Tính vị, tác dụng

Lá diễn có vị ngọt nhạt, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu viêm, lợi tiểu, làm mát máu, sinh tân dịch. Cách dùng như sau:

- Lấy ngọn và lá non luộc hoặc nấu canh ăn được. Có thể nấu canh với thịt, vừa làm thức ăn vừa làm thuốc mát gan.

- Toàn cây được dùng làm thuốc thanh nhiệt, mát huyết, viêm thấp khớp, lợi tiểu, đái đường; còn dùng nhuộm thực phẩm. Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng trị: cảm mạo, sốt cao; viêm phổi nhẹ, viêm ruột thừa cấp, viêm kết mạc; viêm ruột, lỵ; phong thấp viêm khớp; giảm niệu, đái ra dưỡng trấp.

- Dùng ngoài, lấy lá giã nát xoa đắp trị lở, sưng, rôm sẩy, mụn nhọt, bỏng rạ (thủy đậu).

Lá diễn nhuộm xôi là một vị thuốc

Lá diễn là cây dân gian thường dùng để nhuộm xôi nếp. Cuối thế kỷ trước, các bà hàng ở làng Đại Yên, Ba Đình, Hà Nội, thường trồng và đem bán ở các hàng lá trong chợ. Lá diễn vốn là cây mọc hoang, hay gặp ở những chỗ ẩm ướt. Sau đó, một số nơi cũng trồng để lấy lá nhuộm xôi, nấu canh hay dùng làm thuốc.

Lá diễn còn có tên là "cây gan heo", "lim long bổng", "mạch huệ hồng", "dương can thái", "thổ linh dương", "giả mễ châm", "tử yến thảo", "giả hồng lam", "dã thanh tử", "lục giác anh"... tên khoa học là Dicliptera chinensis (L.) Nees, thuộc họ Ô rô Acanthaceae.

Bộ phận làm thuốc: Toàn cây. Có thể thu hái toàn cây quanh năm, dùng tươi hay phơi khô. Theo Đông y, Lá diễn có vị khổ (đắng), tính hàn (lạnh); vào 2 kinh Tâm và Can. Có tác dụng thanh nhiệt, mát gan; lương huyết giải độc, lợi niệu. Dùng chữa cảm mạo phát sốt, ban chẩn do nhiệt bệnh, đại tiện xuất huyết, tiểu tiện xuất huyết, tiểu tiện nhỏ giọt, phòng trị viêm não B, phong thấp viêm khớp. Dùng ngoài giã nát đắp chữa mụn nhọt sưng đau.

Một số bài thuốc có sử dụng Lá diễn

1. Chữa cảm mạo và sốt: Dùng toàn cây Lá diễn 100g, sắc chia 3-4 lần uống trong ngày. Hoặc dùng Lá diễn 50g, kim ngân hoa 25g, cúc hoa 10g; sắc nước, chia 3 lần uống trong ngày. Còn có thể dùng Lá diễn, đơn buốt, rau má - mỗi vị 45g sắc uống.

2. Chữa ban chẩn: Lá diễn 100g, đậu xị 10g, trứng vịt 1 quả, nước 3 bát, sắc còn 1 bát. Bóc trứng ăn và uống hết nước thuốc ngay trong 1 lần.

3. Chữa tiểu tiện ra máu: Lá diễn và rau sam, mỗi thứ 90-120g, sắc lấy nước, chia 3-4 lần uống trong ngày, liên tục 3-5 ngày.

4. Chữa tiểu tiện nhỏ giọt: Lá diễn tươi 500g, mật ong 30g. Lá diễn giã nát vắt lấy nước, hòa mật ong và nước đã đun sôi, uống.

5. Chữa lỵ: Lá diễn 30g, địa cẩm thảo, tước sang - mỗi thứ 15g, sắc uống.

6. Chữa trẻ em đi lỵ: Lá diễn 60g, sắc lấy nước chia 3-4 lần uống trong ngày.

7. Chữa mắt đỏ sưng đau (viêm kết mạc cấp tính): Lá diễn 30-50g, dã cúc hoa (cúc hoa vàng, kim cúc) 30g, sắc nước uống.

8. Chữa viêm họng sưng đau: Lá diễn tươi 30-60g, giã nát vắt lấy nước, chia ra uống dần. Hoặc dùng Lá diễn 30g, tầm bóp 15g, sắc nước uống.

9. Chữa viêm xoang miệng: Lá diễn 30g, nhất điểm hồng (rau má, lá rau muống) 30g, sắc uống.

10. Chữa viêm phổi: Lá diễn, dâu núi mỗi thứ 30g, ba chạc 24g. Sắc uống.

11. Chữa viêm túi mật: Lá diễn 30g, hải kim sa 30g, bồ công anh  15g, sắc uống.

12. Chữa viêm niệu đạo: Lá diễn 30g, bán biên liên 15g, xa tiền thảo 15g, kim tiền thảo (cỏ bờm ngựa) 15g, sắc uống.

13. Chữa đinh nhọt sưng đau: Lá diễn 100g sắc nước uống. Đồng thời dùng thêm Lá diễn tươi giã đắp lên nhọt, ngày thay thuốc 2 lần.

14. Chữa mụt nhọt lở loét: Lá diễn tươi, sài đất tươi, cùng giã nhuyễn đắp lên mụt lở.

15. Chữa zona: Lá diễn tươi 30-60g, thêm nước vo gạo và chút muối, giã nát vắt lấy nước cốt bôi.

Theo saigondautu.com.vn

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây Lá diễn thanh nhiệt giải độc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO