Cây lấy sợi đan lát ở rừng Trường Sơn

TẤN VỊNH 29/02/2020 08:45

Bên cạnh nghề dệt vải sợi bông, dệt chiếu từ sợi lấy từ cây dứa dại, đồng bào các dân tộc vùng núi rừng Trường Sơn có nghề đan lát từ sợi mây tre và các loại thảo mộc trong rừng, tạo ra các dụng cụ như gùi, võng, vợt, dây cước và lưới bắt cá rất bền và đẹp mắt. Với đồng bào Cơ Tu, cây bhơ nương, cây angân xiết, cây kơ piad... có thể khai thác để chế biến thành sợi phục vụ cho nghề đan lát.

Vợt 2 đan bằng sợi cây, công cụ đánh bắt cá chủ yếu của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: T.V
Vợt 2 đan bằng sợi cây, công cụ đánh bắt cá chủ yếu của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: T.V

1. Cây bhơ nương có thân nhỏ, dẻo, cao khoảng 1m - 1,5m, đường kính khoảng 0,5cm. Thân cây được chia làm ba lớp: lớp ngoài cùng là lớp vỏ bọc màu xám, lớp thứ hai là lớp để lấy sợi, lớp thứ ba là lõi cây. Cây bhơ nương được trồng chủ yếu vào tháng 3 và đến tháng 7 thì thu hoạch. Cây mọc thành từng bụi, mỗi bụi có khoảng 100 cây, nếu được chăm sóc tốt cây có thể duy trì suốt cả thời gian dài, vì sau khi chặt lấy cây già thì cây non tiếp tục lại nứt lên.

Sau khi chặt cây bhơ nương về, chị em phụ nữ lấy dao bóc lớp vỏ cây và cạo bỏ đi lớp ngoài, chỉ lấy lớp vỏ cần lấy sợi. Sợi của cây bhơ nương được đem phơi khô để chế biến, se sợi. Cách se sợi rất đơn giản, người ta lấy những sợi nhỏ đã tách đưa vào bắp vế rồi lấy tay se lại thành từng sợi to hơn. Se được bao nhiêu thì quấn thành bó, thành búp để dành dùng dần. Cách chế biến sợi của đồng bào giống như đồng bào miền xuôi làm sợi gai để may bao tải, bao tời.

Sợi bhơ nương rất hữu dụng trong việc đan vợt xúc cá. Những lúc nông nhàn, bên cạnh dệt vải, phụ nữ Cơ Tu cũng thường đan vợt xúc cá. Vợt này có mặt lưới dày, mới nhìn giống như lưới đan bằng sợi ny lông, khá bền, có thể dùng lâu dài. Với cái vợt đơn sơ nối vào một cán gỗ dài, đồng bào cá có thể bắt được cá nhỏ, tôm, tép ở các triền suối, ao hồ.

Bên cạnh cây bhơ nương, cây a ngân xiết cũng được đồng bào khai thác lấy sợi. Đây một loại cây thân dây leo có ở rất nhiều quốc gia ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Lào và núi rừng Trường Sơn. Loài dây leo này phát triển rất nhanh, cành lá mọc um tùm, chen lấn với các các loài cây khác ở các trang trại, nương rẫy nên đang được đồng bào tìm cách loại bỏ bớt do những tác động gây hại đến sự phát triển của môi trường rừng.

Các bộ tộc ở Nam Lào, các tộc người ở Tây Bắc Việt Nam như Lự, Sila từ lâu cũng đã biết khai thác cây này để đan/móc những chiếc túi xinh xắn. Đồng bào Cơ Tu vốn có nhiều kinh nghiệm trong việc thu hoạch loại cây này để chế biến sợi đan vợt, đan giỏ, đan lưới và làm dây cước để bắt cá chình.

Sợi cây a ngân xiết có màu trắng nên cần nhuộm màu để có màu sắc phù hợp trong việc sử dụng, nhất là ngụy trang khi làm lưới, làm cước đánh cá ở sông suối. Đồng bào lấy vỏ cây a păng nấu nước thành màu nâu rồi bỏ sợi vào nhuộm.

Ngoài một số loại cây nói trên, đồng bào Cơ Tu còn khai thác cây kơ piad để lấy sợi. Loại cây này mọc thành nhiều nhánh, thân cao hơn, rất dễ khai thác. Sợi cây này cũng rất bền chắc. Trước đây bà con lấy sợi làm quai dép đế gỗ để đi lại, bảo vệ, giữ sạch đôi chân khi đi lại ở những nơi ẩm ướt, nơi có nhiều cỏ gai.

2. Bên cạnh dân tộc Cơ Tu, các dân tộc sinh sống ở vùng núi rừng Trường Sơn như Tà Ôi, Bru - Vân Kiều... cũng khai thác các loại cây cỏ này để chế biến sợi dệt váy, áo, khố, khăn trùm đầu.

Lúc đầu, người ta lấy nguyên miếng vỏ cây để làm quần áo che thân. Nhưng vỏ cây, mặc dù được gia công chúng vẫn thô cứng, rất khó sử dụng nên đồng bào lấy vỏ cây làm sợi để dệt nên tấm vải. Sợi vỏ cây đưa vào khung để dệt thành tấm áo vỏ cây. Cây bhơ nương, cây a ngân xiết... là một bằng chứng sống về tập quán sử dụng sợi vỏ cây để dệt nên những bộ trang phục của nhiều tộc người.

Mãi đến khi đồng bào biết đến trồng bông hoặc khai thác bông tự nhiên để dệt vải thì họ vẫn còn dùng đến sợi vỏ cây phối hợp với sợi bông vải để dệt nên các tấm thổ cẩm. Một công dụng nữa của cây bhơ nương, a ngân xiết... là dùng để chế biến thành chỉ khâu quần áo. Nhờ loại sợi này mà những tấm vỏ cây được nối lại thành các bộ phận như thân trước thân sau, khâu các điểm tiếp giáp thành váy ống, tấm choàng khổ rộng, tấm khố dài, áo khoác... theo lối trang phục cổ xưa của đồng bào Cơ Tu. 

Hiện nay, do nhiều mặt hàng công nghiệp có sẵn, tiện lợi nên những vật dụng làm từ sợi vỏ cây dần dần vắng bóng trong đời sống của đồng bào. Tuy nhiên ở một số quốc gia như Thái Lan, Lào, nhiều doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đang sử dụng nguyên liệu từ các loại thảo mộc này để đan/móc thành các loại túi thời trang.

Trong khuôn khổ của Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, Viet craft đang cố gắng phục hồi các sản phẩm đặc trưng, gắn bó với cuộc sống của đồng bào miền núi từ thời xa xưa. Nghề đan lát thủ công với nguyên liệu tại chỗ cùng kỹ thuật đan đa dạng là một nền tảng tốt cho việc phát triển các sản phẩm mới, góp phần bảo tồn nâng cao giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc miền núi. Các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sợi nhựa tổng hợp, được đồng bào tạo ra từ những loài cây cỏ, thảo mộc dồi dào ở núi rừng. Cùng với nghề dệt vải thổ cẩm, nghề đan lát sẽ tạo ra nhiều sản phẩm làng nghề, nhiều việc làm, hy vọng sẽ có một nguồn thu nhập tốt hơn cho cộng đồng dân tộc Cơ Tu vốn sống dựa vào rừng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây lấy sợi đan lát ở rừng Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO