Gần 2 năm có mặt trên vùng đất cát của phường Điện Dương (thị xã Điện Bàn), cây măng tây xanh đã thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đang cắm cúi thu hoạch những chồi măng tây xanh mơn mởn để kịp giao cho bạn hàng đến thu mua, ông Lê Văn Hà ở khối phố Hà My Trung, phường Điện Dương vui mừng cho chúng tôi hay: “Bây giờ ở địa phương, khó có loại cây trồng nào mang lại hiệu quả như cây măng tây. Bởi giá bán khá cao và đầu ra lại ổn định nên người dân rất yên tâm khi trồng loại rau thực phẩm cao cấp này”. Được biết, năm 2014, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn bắt đầu triển khai mô hình trồng cây măng tây cho một số hộ dân tại địa bàn phường Điện Dương. Trong đó, gia đình ông Hà trồng được 2 sào. Sau 6 tháng chăm sóc, măng tây đã cho thu hoạch. Sau đó, cứ đều đặn mỗi tháng, ông Hà hái 60kg chồi măng/sào. Với giá bán 120 nghìn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, ông Lê Văn Hà thu về khoảng 6 triệu đồng. Kinh nghiệm cho thấy, măng tây xanh rất thích hợp với độ ẩm cao nên đòi hỏi người dân phải nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc. Đất trồng phải tơi xốp, lên luống đúng kỹ thuật để chống ngập úng và quan trọng nhất là phải bón cân đối giữa lượng phân cơ vô và hữu cơ thì mới đạt hiệu quả.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến lâm thị xã Điện Bàn, ông Phạm Thành Chung cho hay, măng tây xanh là cây rau thực phẩm giàu hàm lượng vitamin. Tuy nhiên, giống cây trồng này khá mới mẻ đối với bà con nông dân Điện Bàn. Vì thế, trước khi triển khai mô hình, đơn vị đã phối hợp cùng Công ty Hương Trung Việt (TP.Tam Kỳ) mở lớp tập huấn cho hộ nông dân tham gia và các hộ có nhu cầu trồng cây măng tây xanh. Cạnh đó, trạm cũng đã tổ chức cho một số hộ ở phường Điện Dương tham quan thực tế tại TP.Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Từ diện tích khiêm tốn ban đầu, đến nay, người nông dân phường Điện Dương đã phát triển lên 4.500m2 với 6 hộ tham gia trồng. Mặc dù là giống cây trồng mới, nhưng nó đã thích nghi tốt với điều kiện đất cát pha ở vùng đông. Có thể nói, măng tây xanh rất có triển vọng nhân rộng, phù hợp với quy hoạch phát triển nông nghiệp vùng ven đô. Điều quan trọng hơn đó là đầu ra của sản phẩm này rất tiềm năng vì nhiều khách sạn, nhà hàng lớn tại phường Điện Dương, TP.Hội An hay TP.Đà Nẵng có nhu cầu thu mua để chế biến, phục vụ du khách.
Với kết quả bước đầu rất khả quan, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục quy hoạch các vùng sản xuất giống cây măng tây xanh và khuyến khích nhiều hộ nông dân trồng loại cây này để tăng thêm thu nhập.
PHẠM LỘC