Cây mrơt của người Cơ Tu

TẤN VỊNH 18/07/2015 09:02

Các dân tộc sinh sống ở miền núi nước ta nói chung và người Cơ Tu nói riêng, việc tạo màu cho sợi là khâu quan trọng để làm nên sắc màu truyền thống. Trong quá trình trang trí, chỉ có đồ gỗ được quét màu lên các hình đã vẽ sẵn, còn lại hoa văn trên đồ vải và đồ đan đều phải qua quá trình nhuộm màu.

Để có được màu sắc truyền thống, người Cơ Tu dùng những bộ phận của cây rừng làm thuốc nhuộm. Cây thuốc nhuộm được đồng bào phát hiện một cách tình cờ, trong khi phát nương làm rẫy, đi rừng thì các loại mủ cây dính vào vải tạo ra màu sắc loang lổ trên chân tay, chiếc áo, cái váy... hay đào được các củ, rễ cây rừng, hái được quả có màu sắc… từ đó đồng bào mới có ý tưởng tạo ra thuốc nhuộm để nhuộm vải. Ngoài màu đen, màu xanh là những gam màu chủ đạo, người Cơ Tu còn tạo ra những loại sợi màu vàng, màu đỏ, hồng, tím... để dệt các đường viền, tạo các dải màu, bố cục hoa văn thành mảng khác nhau. Trong các nguyên vật liệu tạo màu, cây a ngoan mrơt là loại cây mà đồng bào dùng thân và rễ của nó để chế biến nên màu vàng. Loại thuốc nhuộm từ cây này làm cho vải thổ cẩm của đồng bào có hoa văn đẹp, sắc nước được giữ lâu bền, không phai màu theo thời gian.

Phơi sợi sau khi nhuộm.
Phơi sợi sau khi nhuộm.

Ta có thể dễ dàng thấy những gam màu (pr’hoom) cơ bản xuất hiện trên trang phục dân tộc Cơ Tu là màu trắng (bhooc), màu đen (tăm), màu đỏ (bhrôông), màu xanh (ta viêng), màu vàng (mrơt). Ngoài ra còn có các màu phụ như màu nâu (prâu), tím (pơ nghinr)... Càng về sau, bảng màu của đồng bào càng phong phú hơn nhờ trao đổi sợi bông với các dân tộc khác và sợi chỉ, sợi len ngoài thị trường. Những loại cây rừng được bà con khai thác làm thuốc nhuộm màu cho sợi vải chính là những sản vật được tích lũy lâu đời, góp phần làm giàu cho kho tàng tri thức bản địa.

Ở nhiều vùng núi nước ta, nhất là dọc dải Trường Sơn có một loài dây leo to thường mọc bò lên mặt đất hoặc leo bám vào các cây gỗ cao, được nhân dân ta làm thuốc chữa bệnh đường tiêu hóa rất tốt. Đó là cây vang đằng, còn có tên khác là cây vàng đắng. Bộ phận được dùng làm thuốc là thân và rễ cây, có thể thu hái quanh năm. Qua kinh nghiệm chữa bệnh của đồng bào địa phương, các nhà khoa học nước ta đã tiến hành nghiên cứu kỹ các cây thuốc này, thấy tác dụng chủ yếu của vang đằng rất giống như loại thuốc berberin, có thể chữa các nhiễm khuẩn đường tiêu hóa như tả, lỵ, tiêu chảy... Ngoài ra có thể làm thuốc chữa đau mắt đỏ cũng rất hiệu nghiệm.

Nhuộm sợi thành màu vàng trong dung dịch chế từ cây mrớt.            ảnh: Tấn Vịnh
Nhuộm sợi thành màu vàng trong dung dịch chế từ cây mrớt. Ảnh: Tấn Vịnh

Vang đằng là cây dây leo thân gỗ, thân hình trụ, đường kính 5 - 10 cm, khi còn non màu trắng bạc, khi già màu ngả vàng. Khi cắt ngang thân cây có hình bánh xe với những tia tủy như nan hoa bánh xe, màu vàng, giữa có vòng lõi tủy xốp. Rễ cây hình trụ, mặt ngoài màu trắng nhạt, trong màu vàng, cắt ngang cũng thấy hình bánh xe như thân cây, có vị đắng. Đó chính là cây a ngoăn mrơt thường mọc trong rừng sâu (người Tà Ôi gọi là abeal) mà đồng bào thường lấy về để chế biến thành một dung dịch có màu vàng tươi như nghệ để nhuộm vải thổ cẩm.

 Muốn có được sắc màu ưng ý, đồng bào lấy cây mrơt rửa sạch phần thân và rễ, cạo bỏ vỏ ngoài và lõi của nó, chỉ lấy lớp vỏ thứ hai mà thôi. Đồng bào dùng một con dao bào có lưỡi uốn cong để bào thành sợi nhỏ. Vỏ rễ cây này trước khi bọc chung với sợi đã ngâm nước trước đó một lát bằng lá chuối. Sau khi bọc xong thì bỏ vào một cái nồi, hướng nút buộc lên mặt nồi, nước đổ không được ngập quá nút buộc và bắc lên bếp nấu chừng nửa buổi để cho màu vàng của rễ cây thấm đều vào sợi. Khi nào sợi chuyển sang màu vàng người ta vớt ra mang phơi ngoài nắng cho ráo nước và căng sợi cho thẳng.

Trong tâm thức của đồng bào, việc phát hiện ra cây thuốc nhuộm vải có ý nghĩa như là sự trao ân, ban phúc của thần linh cho cộng đồng, tạo sự khác biệt giữa con người với động vật, thể hiện trình độ phát triển của tộc người cũng như sự thích nghi của cư dân sống dựa vào núi rừng. Có thể nói đây là một trong những “phát minh” của nền kinh tế hái lượm, khai thác tự nhiên do bàn tay người phụ nữ đảm trách. Do vậy mà việc chế biến thuốc nhuộm và kỹ thuật nhuộm vải là bí quyết của riêng phụ nữ. Họ có đủ sự kiên nhẫn, khéo léo để tạo ra các sắc màu, hoa văn độc đáo cho trang phục truyền thống của dân tộc mình. Các loài cây được đồng bào dùng để chế biến thuốc nhuộm vải là sản phẩm dồi dào của rừng, giúp đồng bào có nguyên liệu tại chỗ, bảo tồn, duy trì nghề dệt thổ cẩm. Đó cũng là chất xúc tác quan trọng giúp đồng bào Cơ Tu bảo tồn, phát huy nghề dệt truyền thống - di sản văn hóa phi vật thể đã được vinh danh trong thời gian gần đây.

TẤN VỊNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây mrơt của người Cơ Tu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO