Cậy nhau lúc khó

CÔNG TÚ 20/06/2017 09:00

Mỗi khi  vào mùa mưa bão, cánh phóng viên lại tìm về Đại Lộc. Nhiều người trong số họ nhờ cậy đến Đài Truyền thanh - truyền hình Đại Lộc, địa điểm được chúng tôi ví von là “trung tâm thông tin” vùng lũ để tiện tác nghiệp.  

Lũ quét xảy ra trong cơn bão số 8, năm 2013 cuốn theo cát lấp dày trên đường giao thông thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng. Ảnh: CÔNG TÚ
Lũ quét xảy ra trong cơn bão số 8, năm 2013 cuốn theo cát lấp dày trên đường giao thông thôn Đại Mỹ, xã Đại Hưng. Ảnh: CÔNG TÚ

Còn nhớ, chiều ngày 18.9.2013, chúng tôi đặt chân đến Đài Truyền thanh - truyền hình huyện Đại Lộc để chuẩn bị tác nghiệp, khi cơn bão số 8 được dự báo sẽ đổ bộ ngay trong đêm. Để có cái nhìn thực tế về thiệt hại của cơn bão, cũng như công tác khắc phục của địa phương, chúng tôi liên hệ và được đi cùng đoàn công tác của Đại Lộc do ông Nguyễn Văn Trúc, khi đó là Chủ tịch UBND huyện ngược lên các xã bị ngập sâu là Đại Phong và Đại Hưng bằng ca nô chuyên dụng của Cơ quan Quân sự Đại Lộc. Ghé vào trụ sở xã Đại Phong, lãnh đạo huyện hỏi thăm nhanh tình hình sức khỏe, tính mạng của người dân. Lội bộ tại thôn Mỹ Hảo cùng đoàn, chúng tôi tranh thủ tác nghiệp một vài khu vực, tâm tư cùng gia đình bị thiệt hại. Tiếp tục lên xã Đại Hưng, địa phương cử một số cán bộ dùng xe máy để chở thành viên đoàn vào thôn Đại Mỹ.

Dù bụng đói cồn cào, đoàn vẫn quyết tâm lội bộ thâm nhập thực tế vì đường sá toàn chướng ngại vật. Gần cuối thôn, không ít nhà bị bùn non, cát ngập sâu rất khó khăn cho việc dọn dẹp. Tuyến đường bê tông giao thông nông thôn có đoạn cát ngập sâu đến 2m. Quay về trụ sở xã Đại Hưng thì kim đồng hồ đã chỉ qua hơn 1 giờ chiều. Ăn vội miếng cơm, đoàn lập tức lên ca nô trở về trung tâm huyện. Sự gấp gáp trên một phần vì lãnh đạo huyện cần tiếp tục nắm bắt, chỉ đạo khắc phục hậu quả những địa phương khác, phần khác do nhóm phóng viên nhiều cơ quan báo, đài của trung ương và tỉnh muốn về ngay “trung tâm thông tin” có điện, có internet để viết bài, đưa tin cho kịp thời.

Và chưa đầy tháng sau (vào chiều 14.10), nhiều phóng viên phải quay trở lại địa bàn Đại Lộc, chuẩn bị tác nghiệp cơn bão số 11. Đổ bộ khuya và rạng sáng 15.10, cơn bão đã gây gió to và mưa lớn khiến hàng nghìn ngôi nhà hư hỏng, cây cối gãy đổ nằm la liệt. Mạng viễn thông bị ảnh hưởng làm cho thông tin liên lạc luôn trong tình trạng chập chờn; trong đó, một số trụ ăng ten thu sóng Viettel ngã đổ. Nhờ có thiết bị 3G, chúng tôi kịp thời truyền tải thông tin về tòa soạn nhưng điện mất cả ngày mọi người không khỏi lo lắng. Rất nhanh chóng, lãnh đạo “trung tâm thông tin” vùng lũ cho người đi đến cây xăng dầu (hoạt động bằng máy phát điện) để mua xăng về chạy máy phát điện của cơ quan phục vụ phóng viên tác nghiệp.

Đại Lộc là vùng trọng điểm lũ lụt của tỉnh do các xã, thị trấn nằm ven các sông Thu Bồn, Vu Gia và nhánh các sông Kôn, sông Yên. Hễ mùa mưa bão là xảy ra tình trạng sạt lở ven sông, ven núi và ngập sâu ở vùng trũng thấp gây thiệt hại không nhỏ tài sản, uy hiếp tính mạng nhân dân. Tác nghiệp ở vùng nguy hiểm, anh em không ngần ngại xông pha để kịp thời truyền thông tin đến độc giả về thiệt hại, mất mát mà người dân phải gánh chịu, nỗ lực khắc phục của địa phương, tình người trong hoạn nạn... Mỗi lần như thế, chúng tôi lại vào Đài Truyền thanh - truyền hình Đại Lộc, được các anh chị tạo điều kiện thuận lợi không khác gì người nhà!

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cậy nhau lúc khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO