(QNO) - Các nhà nghiên cứu tại Viện Dữ liệu lớn của Đại học Oxford (Anh) đã tạo ra cây phả hệ lớn nhất từ trước đến nay, liên kết hơn 27 triệu người trên khắp thế giới.
Theo New York Post, cây phả hệ “khổng lồ" này giúp chúng ta biết thêm về địa điểm và thời gian mà tổ tiên loài người ngày nay đã sinh sống, cụ thể là ở Châu Phi. Nó cũng giúp dự đoán ai có nguy cơ dễ mắc các bệnh như COVID-19 hơn.
Đồng tác giả Yan Wong, một nhà di truyền học tiến hóa tại Viện, cho biết trong một tuyên bố: “Phả hệ này cho phép chúng tôi xem trình tự di truyền của mỗi người có liên quan như thế nào với nhau, cùng với tất cả các điểm của bộ gen”.
Cho đến nay, các nhà lập bản đồ gen đã phải vật lộn với việc nghĩ ra các thuật toán để xử lý lượng dữ liệu khổng lồ này. Tuy nhiên, thông qua phương pháp mới được nêu chi tiết trong nghiên cứu, các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng đối sánh dữ liệu từ nhiều nguồn và kết hợp hàng triệu trình tự gen.
Tác giả chính Anthony Wilder Wohns giải thích: “Về cơ bản, chúng tôi đang tái tạo lại bộ gen của tổ tiên chúng ta và sử dụng chúng để tạo thành một mạng lưới các mối quan hệ rộng lớn. Sau đó, chúng tôi có thể ước tính thời gian và nơi mà những tổ tiên này sống”.
“Sức mạnh mà phương pháp tiếp cận của chúng tôi mang lại đó là nó đưa ra rất ít giả định về dữ liệu cơ bản và cũng có thể bao gồm cả các mẫu DNA hiện đại và cổ đại”, ông nói thêm.
Cụ thể, nghiên cứu kết hợp dữ liệu đối sánh từ cả bộ gen người hiện đại và cổ đại từ tám cơ sở dữ liệu khác nhau, bao gồm tổng số 3.609 trình tự bộ gen riêng lẻ từ 215 quần thể trên khắp thế giới. Các bộ gen cổ đại có độ tuổi từ 1.000 đến hơn 100.000 năm, trong khi mạng lưới kết quả chứa gần 27 triệu người.
Theo nghiên cứu, bản đồ cũng sử dụng dữ liệu vị trí, cho phép các nhà khoa học ước tính nơi tổ tiên chung sống và bao gồm các sự kiện tiến hóa cụ thể như cuộc di cư của họ ra khỏi châu Phi. Tổ tiên sớm nhất có trong bản đồ là một chủng người đã tuyệt chủng tên là Homo sapiens. Họ sống cách đây một triệu năm trong một khu vực được ước tính là Sudan ngày nay.
Mặc dù mang lại những phát hiện hết sức ấn tượng, nhưng các nhà khoa học cho rằng cây phả hệ chỉ là nền tảng “cho thế hệ tiếp theo của trình tự DNA”. Các nhà khoa học bộ gen hiện vẫn đang tiếp tục làm việc để cho ra một bản kế hoạch chi tiết và doanh diện hơn. Mục tiêu cuối cùng của các nhà khoa học là tạo ra một bản đồ toàn diện về cách mọi người trên toàn cầu liên hệ với nhau.
“Khi chất lượng của trình tự bộ gen từ các mẫu DNA hiện đại và cổ đại được cải thiện, cây phả hệ sẽ trở nên chính xác hơn và cuối cùng chúng ta sẽ có thể tạo ra một bản đồ thống nhất, duy nhất giải thích nguồn gốc của tất cả các biến thể di truyền của con người mà chúng ta thấy ngày nay”, TS Wong nói.
Đặc biệt, cây phả hệ này không chỉ đúng với con người. TS Wohns giải thích: “Trong khi con người là trọng tâm của nghiên cứu này, thì phương pháp này có giá trị đối với hầu hết các sinh vật sống, từ đười ươi đến vi khuẩn. Nó có thể cho biết con khỉ nào đang có mối quan hệ với người nào”.