Cây quinoa di thực đối diện với nguy cơ sâu bệnh gây hại

HOÀNG LIÊN 14/06/2017 20:21

(QNO) - Sở KH&CN Quảng Nam vừa tổ chức nghiệm thu đề tài “Đánh giá khả năng di thực cây quinoa phục vụ chuyển dịch cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị”. Đề tài do Th.S Trần Thị Hân chủ nhiệm, trên cơ sở hợp tác giữa các Sở KH&CN Quảng Nam, Quảng Trị và Viện Nghiên cứu khoa học miền Trung (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). 

  • Khảo nghiệm cây quinoa ở Quảng Nam: Cần nghiên cứu, đánh giá sát thực tiễn
Cây quinoa đang giai đoạn phát triển tại Quảng Nam. Ảnh: H.lL
Cây quinoa đang giai đoạn phát triển tại Quảng Nam. Ảnh: H.L

Trong khuôn khổ đề tài, nhóm nghiên cứu đã triển khai nhiều mô hình thực nghiệm di thực cây quinoa tại Quảng Nam và Quảng Trị. Tại Quảng Nam, cây quinoa được sản xuất thực nghiệm tại 3 huyện Phú Ninh, Thăng Bình và Tiên Phước. Vụ đông xuân, thời vụ gieo trồng được bố trí từ tháng 11, 12; thu hoạch vào tháng 2, 3 năm sau. Vụ hè thu, gieo vào tháng 6, 7; thu hoạch vào tháng 9, 10.

Về kỹ thuật, hạt giống quinoa được gieo ươm tại vườn ươm, cây con được chăm sóc tại vườn ươm tới khi được 4-6 lá thật mới đưa ra ruộng trồng, mật độ trồng 25 cây/m2, người dân bón phân, tưới nước hợp lý từng theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Về đặc tính, cây cần nước thấp, chỉ cần cung cấp đủ lượng nước cho cây từ giai đoạn gieo ươm cho đến khi ra hoa và giảm dần, giai đoạn hạt chín không cần nước. Đây là đối tượng cây trồng chịu úng kém nên khi mưa to cần phải tiêu nước kịp thời…

Diện tích cây quinoa sau khi thu hoạch tại Phú Ninh. Ảnh: H.L
Diện tích cây quinoa sau khi thu hoạch tại Phú Ninh. Ảnh: H.L

Qua khảo nghiệm, vụ đông xuân 2015-2016, tại Quảng Nam, cây quinoa gặp điều kiện thuận khí hậu thuận lợi để phát triển, sinh trưởng. Song điều kiện thời tiết, khí hậu này cũng phù hợp để sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây. Bốn loại bệnh hại cây gây ảnh hưởng đến năng suất là bệnh đốm lá, héo vàng, sương mai, lở cổ rễ; trong đó 2 bệnh lở cổ rễ và sương mai phổ biến và gây thiệt hại nặng nề trên hầu hết các vùng trồng quinoa.

Theo ban chủ nhiệm đề tài, bệnh lở cổ rễ chủ yếu gây hại ở giai đoạn cây con, bệnh sương mai bắt đầu gây hại khi cây chuẩn bị ra hoa đến khi thu hoạch. Bệnh sương mai gây hại nặng trong điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ, đêm và sáng sớm có sương mù. Ngoài 4 loại bệnh kể trên, 5 loại sâu gây hại trên cây qua khảo nghiệm gồm sâu tơ, sâu khoang, rầy mềm, sâu xanh và sâu xám. Các loài sâu này gây hại vào mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây, tỷ lệ gây hại nặng hơn ở giai đoạn cây con đến khi ra hoa và giảm dần ở giai đoạn tạo hạt và thu hoạch. Vì vậy, ở giai đoạn cây con và ra hoa của cây, nếu không kịp thời phát hiện, xử lý, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng.

Về năng suất, theo ban chủ nhiệm đề tài, vụ đông xuân, mô hình ở Phú Ninh có năng suất thực thu cao nhất: 0,65 tấn/ha; mô hình Tiên Phước có năng suất thấp nhất: 0,37 tấn/ha; tại Thăng Bình, do ảnh hưởng của các đối tượng sâu bệnh gây hại, năng suất cây chỉ đạt 0,54 tấn/ha. Vụ hè thu, năng suất tại Phú Ninh đạt 0,2 tấn/ha, Thăng Bình 0,24 tấn/ha, Tiên Phước 0,17 tấn/ha. So sánh về lợi nhuận, mô hình triển khai ở Phú Ninh có năng suất cao hơn các loài khoai, bắp, sắn đối chứng đến vài chục triệu đồng/ha. Tuy nhiên tại Tiên Phước, tổng thu của cây quinoa chỉ tương đương cây đậu do những yếu tố chủ quan và khách quan nói trên.

Theo Th.S Trần Thị Hân, về đặc trưng, hạt quinoa giống như hạt kê, có màu vàng xám, đây là loại hạt có hàm lượng protein cao nhất trong các loại hạt, cũng là hạt có hàm lượng chất dinh dưỡng tổng thể rất phong phú. Quinoa được FAO chọn là một trong những cây lương thực hướng đến đảm bảo an toàn lương thực, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Song, đây là đối tượng cây trồng hoàn toàn mới, việc lựa chọn thời vụ cũng như các yếu tố kỹ thuật canh tác còn cần nhiều nghiên cứu tiếp theo.

Ngoài ra, năng suất của cây còn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác như: thời vụ, kỹ thuật canh tác, sự nắm bắt nhanh nhạy kỹ thuật trong phòng và xử lý sâu bệnh, dịch hại. Quinoa chỉ mới gieo trồng tại một số chân đất đưa vào nghiên cứu, chưa có điều kiện nghiên cứu mở rộng trên nhiều loại chân đất để có đánh giá xác thực, cụ thể. Vì vậy, rất cần những nghiên cứu chuyên sâu để khảo nghiệm, đánh giá kỹ lưỡng từ phía các nhà khoa học, giới chuyên môn trước khi khuyến cáo sản xuất nhân rộng.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cây quinoa di thực đối diện với nguy cơ sâu bệnh gây hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO