(Xuân Giáp Ngọ) - “Kể từ Bến Ván, Nam Trai/Hai bên Trảng Chổi đường dài thẳm xa/Tính từ ông Bộ trở ra/ Cây Trâm, Trà Lý bước qua Bà Bầu”.
(Ca dao xứ Quảng)
Lần theo câu ca dân gian tôi đi tìm địa danh Cây Trâm, nơi nổi tiếng với món mỳ Quảng nhưn tôm thịt và cua lột đặc sản vùng Núi Thành. Và cũng bởi nhiều lần xuôi ngược vùng đất nam Quảng Nam tôi từng nhìn thấy cái biển: Chợ Kỳ Chánh - 1959, dấu tích xưa của chợ Cây Trâm. Rồi đến năm 2007 chợ Kỳ Chánh lại bị phá bỏ để xây dựng chợ Tam Anh. Khuôn viên đất chợ cũ được xây nhà văn hóa xã Tam Anh Nam.
Cây sưa cổ thụ - chứng nhân chợ Kỳ Chánh xưa.Ảnh: TẤN ĐƯỜNG |
Qua câu chuyện kể của anh Doãn Đồng, Bí thư Chi bộ thôn Diêm Phổ, Tam Anh Nam - người sinh năm ngôi chợ được khánh thành, 1959, tôi được biết địa danh Cây Trâm xuất hiện khi ở đây có nhiều loại cây này sinh sống. Xưa, khuôn viên chợ được “trấn yểm” bởi ba cây cổ thụ là trâm, sưa và da duối tạo thành một tam giác bảo vệ chợ. Quan niệm phong thủy của người xưa không rõ thực hư nhưng theo lời nhiều người dân ở đây thì từ khi chợ được hình thành đến khi thay bằng chợ mới, mặc dù nằm trong khu vực “xôi đậu” những năm kháng chiến chống Mỹ, chung quanh là các họng pháo từ Tuần Dưỡng, căn cứ Chu Lai và đồn Nón Chai…nhưng chợ chưa một lần bị bom đạn tàn phá.
Phía sau nhà văn hóa xã bây giờ có một cây sưa cổ thụ thân rễ sù sì, lỗ chỗ hang hốc như là chứng nhân lịch sử của một ngôi chợ Quảng được hình thành từ rất sớm. Bà Đỗ Thị Thu Hà năm nay gần 70 tuổi, từng làm trong ban quản lý chợ 12 năm, nhà sát ngôi chợ cũ, kể “Cái chợ gắn với tôi từ thuở học lớp 2 lớp 3. Trước đây bên cạnh cây sưa còn có một ngôi đình tuy không lớn nhưng rất linh thiêng. Bà nội tôi nếu còn sống đến nay đã trên trăm tuổi từng kể rằng khi bà còn nhỏ đã thấy cây sưa lớn người ôm không xuể. Đến thời của tôi, cây sưa, ngôi đình và cái chợ là nơi gặp gỡ của rất nhiều người từ miền biển đến miền núi, cũng là nơi để những người hoạt động cách mạng liên lạc và tuyên truyền đường lối kháng chiến”. Anh Đồng cho biết thêm ngôi miếu Tam Tòa cách chợ không xa từng là địa điểm cho bác Năm Công và nhiều cán bộ cách mạng khác chọn làm nơi hoạt động.
Kỳ Chánh từng là nơi họp chợ, giao thương tấp nập của cả vùng rộng lớn từ miền núi Tam Sơn, Tam Trà cho đến miền biển Tam Hòa, Tam Quang, Tam Giang… Vì vậy, sản vật của miền núi như chè, quế, thú rừng… được đem đi trao đổi những loại thủy sản tươi rói miền biển cập bến Bà Đào. Chợ xưa là những căn chòi lợp lá che mưa nắng, hoạt động mua bán chủ yếu là trao đổi qua lại chứ hiếm khi dùng tiền mặt. “Chợ Kỳ Chánh được xây dựng năm 1958, khánh thành năm 1959, rộng khoảng 4 sào đất. Khi đó vui lắm, cả 3 ngày 3 đêm tổ chức vui chơi mừng chợ mới, ban ngày thì đua ghe, ban đêm văn nghệ với rất đông người tham gia. Chợ mỗi ngày tấp nập hơn. Sau này khi có xe ba bánh, cá tôm tươi sống không cần ướp đá được chở ra bán ở Tam Kỳ, Đà Nẵng và nhiều nơi khác nữa”- bà Hà kể. Ông Hoàng Minh Đính, chồng bà Hà (quê Đông Hà, Quảng Trị, định cư ở đây năm 1965) góp chuyện: “Ở đây họ buôn bán thật thà, giá cả cũng rất dễ chịu. Tôi nhớ cứ tầm này đến tết chợ rất đông vui. Người dân mua bán không thiếu thứ gì. Từ lá chuối, ống dang đến bánh tét, bánh in, bánh ú… đủ cả”.
Chợ Tam Anh mới bây giờ cũng đông đúc náo nhiệt không kém gì chợ cũ. Có phải người xưa chọn địa điểm họp chợ rất cẩn thận mới có thể “buôn có bạn, bán có phường”! Nói điều này nhắc nhớ hàng loạt ngôi chợ mới gần đây được xây dựng bề thế lại thưa vắng người mua kẻ bán hoặc bị bỏ hoang phế.
Và người hoài cổ như anh Đồng cố tình mang hai cây trâm về trồng trước nhà để nhắc nhớ về ngôi chợ xưa: Chợ Cây Trâm - Kỳ Chánh…
TẤN ĐƯỜNG