Cày xới trên bãi biền Gò Nổi

VĨNH LỘC 01/09/2020 07:59

Hơn ba năm lăn lộn nắng mưa đã biến Đỗ Dương Đông Phương từ một phụ nữ yếu đuối nơi phố thị trở thành người dạn dày gió sương trên bãi biền Gò Nổi (Điện Bàn). 

Đông Phương tự làm những công việc nặng nhọc trong nông trại của mình. Ảnh: V.L
Đông Phương tự làm những công việc nặng nhọc trong nông trại của mình. Ảnh: V.L

Dạn dày mưa nắng

Hai tay nắm chắc cần máy, môi mím chặt, Đỗ Dương Đông Phương đẩy chiếc xe xới cỏ đi dọc từng luống đất giữa hai hàng xoài. Như con ngựa bất kham, chốc lát chiếc xe lại chồm lên rung lắc, hai cần giựt mạnh như thử sức chịu đựng của người phụ nữ nhỏ bé đang điều khiển nó.

Khuôn mặt chị thoáng cau lại rồi nhanh chóng giãn ra. Máy vẫn nổ chát chúa, tiến về phía trước, từng luống cỏ dại bị băm vằm tơi tả dưới bánh xe. Những phụ nữ trong làng đi làm về ngang qua vườn nhìn Phương lắc đầu khi thấy tôi tò mò quan sát. “Hắn làm như đàn ông thanh niên”, một người nói như muốn giới thiệu với khách.

Nghe lời khen dành cho mình, Phương ngẩng đầu mỉm cười, không quên đưa tay áo lên quệt vội những giọt mồ hôi đang chảy xuống thái dương. “Em giỏi thiệt”, tôi chào bắt chuyện. “Lâu ngày quen thôi anh, lúc đầu cũng đau tay lắm, tối về ê ẩm cả người” - Phương ngừng máy, trả lời thay câu chào. Tóc bới cao, nước da ngăm đen, dáng người nhỏ nhắn, cặp kính cận trên khuôn mặt thanh tú, trông Phương như cô gái ngoài 30 dù tuổi đời đã 42.

Cây măng tây được kỳ vọng sẽ đem về nguồn thu khá cho nông trại của Đông Phương. Ảnh: V.L
Cây măng tây được kỳ vọng sẽ đem về nguồn thu khá cho nông trại của Đông Phương. Ảnh: V.L

Sinh ra và lớn lên tại TP.Đà Nẵng, Đỗ Dương Đông Phương chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày mình về một vùng quê nào đó để cày cuốc làm vườn, nhưng rồi cơ duyên lại đưa chị đến Gò Nổi.

“Khoảng 10 năm trước em làm quản lý cho Công ty TNHH Seo Nam đóng tại Điện Quang. Qua những lần làm việc, tiếp xúc với lãnh đạo xã và người dân em thấy bà con nơi đây chủ yếu trồng ớt, đậu, bắp… giá trị kinh tế thấp, chưa kể thường lâm vào tình cảnh được mùa mất giá, nên em nghĩ phải tìm một loại cây nào hiệu quả mang về trồng. Nhưng để người dân tin tưởng thì mình phải làm trước” - Phương kể.

Thành quả bước đầu

Cuối năm 2016, khi đã nghỉ việc ở công ty, Phương bắt tay vào triển khai dự án của mình. Đầu tiên, chị hốt đất tại bãi biền Gò Nổi mang ra Hà Nội nhờ xem có thể trồng được măng tây không. Tại đây, chị cũng nhanh chóng ký kết hợp đồng với một doanh nghiệp thu mua măng tây nhằm đảm bảo đầu ra cho sản phẩm sau này. Mang kết luận đánh giá chất lượng đất và dự án trồng cây về địa phương trình bày,  đầu năm 2017 chị được UBND xã Điện Quang cho thuê 3ha đất tại thôn Phú Đông để làm vườn. Trên diện tích đất thuê, chị chia thành 2 phần, nửa héc ta trồng măng tây, 2,5ha còn lại chị trồng hơn 400 cây xoài Úc trái vụ.

“Dân ngoại đạo chắc khó khăn lắm em hỉ?” - tôi ướm hỏi. “Em lại nghĩ đó lại là điều may mắn” - Phương trả lời, miệng cười bí ẩn. Theo Phương, Ninh Thuận - thủ phủ của măng tây và Cam Ranh – thủ phủ của xoài là 2 nơi chị tìm đển “tầm sư” học việc.

Một ngày của Phương bắt đầu từ 3 giờ sáng. Thức dậy chở măng tây ra chợ đầu mối Đà Nẵng bỏ bạn hàng, khoảng 7 giờ về ra vườn làm đến tối mịt. Nếu xoài chăm sóc dễ bao nhiêu thì măng tây đòi hỏi sự kỹ càng bấy nhiêu. Trong vườn chị thường xuyên có 3 lao động nữ túc trực chăm nom, thu hoach măng tây, riêng những công việc nặng nhọc dành cho đàn ông như cày xới chị đích thân làm.

“Tôi chỉ mong dự án mình thành công để người dân làm theo, chỉ cần bà con trồng một sào măng tây, chăm bón kỹ càng hiệu quả sẽ cao hơn trồng bắp đậu rất nhiều” - chị Phương phân tích. Đến nay, măng tây trong vườn đã thu hoạch, riêng xoài bắt đầu ra quả đợt đầu.

Theo tính toán, trung bình 1.000m2 đất trồng măng tây mỗi ngày thu hoạch được 10 ký măng búp; mỗi năm thu 3 đợt, mỗi đợt hái liên tục 3,5 tháng nên doanh số khá cao. Trên diện tích nửa héc ta của mình, bình quân mỗi ngày chị hái 50 ký măng tây, với giá sỉ 90 nghìn/ký, trừ chi phí một tháng chị Phương thu lợi khoảng 50 triệu đồng. Chứng kiến những kết quả ban đầu của chị, nhiều người dân trong làng cũng bắt đầu quan tâm, mong muốn làm theo. Hiện tại, chị đang tận dụng khoảng trống giữa 2 hàng xoài để trồng xen măng tây và ớt chỉ thiên, đây cũng là kinh nghiệm cho người nông dân xen canh khi trồng các loại cây lâu năm.

Đeo đuổi đam mê

Ông Nguyễn Đức Chơi –Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn khen ngay khi tôi nhắc đến mô hình trồng cây của Phương: “Nó làm được lắm”. Vốn quê Điện Quang nên ông Chơi không xa lạ gì với Phương. Tuy nhiên, ông cũng dè dặt: “Xoài hay măng tây đất mình đều trồng được hết, chỉ lo độ ngọt độ thanh của xoài như thế nào thôi, nên phải xem xét chất lượng của trái, chứ phát triển mạnh ra chất lượng không đạt thì khó tiêu thụ. Riêng măng tây tuy hiệu quả kinh tế cao, nhưng do đây là cây khai thác lâu dài mà vùng Gò Nổi thì thấp lũ lụt nên cần phải kiểm chứng, mà 2 năm nay thì chưa có lụt lớn nên chưa dám chuyển giao mạnh”. 

Ông Chơi thận trọng cũng không thừa, bởi cây măng tây chỉ hợp trên đất cát, nóng, nhưng với chị Phương tất cả đều được dự lường. “Bây giờ chăm sóc cũng thuận lắm, cây bị bệnh gì, sâu nấm ra sao chỉ cần chụp ảnh gửi qua zalo là có người tư vấn, gửi thuốc về cho mình” - Phương nói.

Không chỉ vậy, là dân kinh tế nên mọi bước đi đều được chị tính toán kỹ càng. Riêng việc đưa măng tây ra thị trường cũng là môt chiến lược. Thời gian đầu chị phải chấp nhận bỏ tiền ra mua măng tây từ Ninh Thuận về chia thành bó nhỏ mang ra chợ đầu mối Đà Nẵng ký gửi, hôm sau lấy tiền, nếu măng chưa bán hết thì đổi măng mới. Biết lỗ nhưng vẫn phải làm để tạo thói quen cho người tiêu dùng, vì măng tây chưa được nhiều người dân biết đến. Với xoài, từ năm thứ 2 khi cây ra bói chị chọn để lại vài trái mang ra chợ đầu mối Đà Nẵng chào hàng ăn thử, hầu hết đánh giá cao độ thơm ngọt của quả. Đặc biệt, cũng như măng tây, trước khi trồng xoài chị đã ký hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, nên đầu ra được đảm bảo. Dự báo tết năm nay xoài sẽ thu hoạch lứa trái vụ đầu tiên, so với các giống xoài khác, xoài Úc được xem là có giá bán cao, quả trái vụ có thể lên đến 90 nghìn/ký.

Để thuận tiện chăm sóc vườn, từ 3 năm trước, 2 con của chị (lớn 10 tuổi, nhỏ 6 tuổi) cũng theo mẹ vào Điện Quang thuê nhà ở trọ. Thấy con cháu khổ cực, nhiều lần cha mẹ từ Đà Nẵng nhắn vào bảo về, nhưng cũng không thể thuyết phục được con gái. “Em làm vì đam mê à?” - tôi hỏi để biết vì sao người mẹ đơn thân này lại chọn cho mình đường đi gian khổ vậy.

“Đúng một phần thôi anh, chính xác hơn là trách nhiệm. Mình bỏ vốn, công sức ra thì phải theo đuổi, lâu ngày mới trở thành đam mê, chứ nói xuất phát điểm là đam mê thì không phải, bởi chẳng tội gì chỉ vì đam mê mà ngày nào cũng phải phơi nắng giang mưa” - Phương cười thật thà, mắt nhìn về những luống măng tây xanh rì. Có lẽ sự thẳng thắn đó đã làm lên nghị lực và tính cách quyết liệt của người phụ nữ nhỏ bé này.    

Chiều, những tia nắng cuối ngày đã tắt trên bãi biển Gò Nổi, tiếng máy lại ì ạch cày xới lên những luống cỏ trong vườn xoài. Trong ánh hoàng hôn dần buông, bóng chị Phương như đổ dồn phủ chồm lên chiếc xe lắc lư tiến về phía trước!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cày xới trên bãi biền Gò Nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO