(QNO) - Gần 15 năm, anh Trần Văn Bôi miệt mài đưa món chả bò - đặc sản xứ Quảng vào miền Nam. Không chỉ để thỏa cơn nhớ quê của những người xa xứ, "chả bò cô Huệ" của anh Bôi còn tạo được thương hiệu ẩm thực nơi đất khách.
Giữ nguyên vị truyền thống
Lớn lên ở vùng quê Bình Lãnh (Thăng Bình), năm 2000, anh Trần Văn Bôi (SN 1980), quyết định vào miền Nam học nghề và lập nghiệp. Ban ngày anh vừa học vừa làm ở công ty hoạt động lĩnh vực cơ điện, tối về anh cắp sách đi học tiếng Hàn. Sau gần 5 năm, tốt nghiệp ra trường, anh vào làm việc cho tập đoàn Hàn Quốc chuyên thi công các công trình cơ điện ở Việt Nam.
Dù có công việc ổn định với mức thu nhập cao, nhưng anh Bôi vẫn đau đáu câu chuyện làm sao phát triển được kinh tế bằng đặc sản quê hương. Gia đình vợ anh làm nghề chả bò truyền thống hàng chục năm qua, nhưng mỗi ngày chỉ bán vài ký cho người quen, ngoại trừ mỗi dịp cuối năm bận rộn với nghề một chút.
Năm 2010, anh Bôi quyết tâm đầu tư cho sản phẩm này nhằm vực dậy nghề truyền thống của gia đình với thương hiệu "chả bò cô Huệ". Từng miếng thịt, mỗi chiếc lá chuối gói lại đều được anh cho kiểm tra cẩn thận. Có khâu nào chưa vừa ý, anh sẽ yêu cầu nhân công điều chỉnh ngay. Đặc biệt, anh Bôi không sử dụng hàn the, pha bột, tuyệt đối không sử dụng chất cấm trong chế biến chả bò.
Thịt bò được chọn phải là loại dẻo, đem đi lọc bỏ gân. Lá chuối được sử dụng phải lau rửa sạch sẽ, xử lý qua nước sôi trước khi tiến hành gói. Ngoài ra, thay vì nấu, chả bò cô Huệ được hấp. Mặc dù việc này khiến chi phí sản xuất gia tăng, nhưng đổi lại sản phẩm vừa giòn, vừa dai và mùi vị đậm đà. Sau khi hấp chín, đòn chả được xếp ra nơi thoáng mát, rồi thực hiện công đoạn hút chân không để bảo quản chả được lâu hơn, sạch sẽ.
[VIDEO] - Anh Bôi đưa sản phẩm tham gia hội nghị thương mại TP.Đà Nẵng:
"Mọi quy trình sản xuất, nguyên liệu đều được giữ nguyên vẹn theo phương pháp truyền thống từ xưa tới nay của gia đình. Kể cả xưởng sản xuất, chúng tôi cũng đặt tại TP.Đà Nẵng, nơi có nhiều thuận lợi về mặt nguyên liệu và vận chuyển.
Hơn 10 năm qua, chả bò cô Huệ đều được vận chuyển vào TP.Hồ Chí Minh bằng đường hàng không, rút ngắn thời gian để giữ vị chả tươi ngon. Cứ 9 giờ sáng hằng ngày, chả bò có mặt tại sân bay Đà Nẵng và khoảng trưa 12 giờ là về các điểm phân phối tại TP.Hồ Chí Minh" - anh Bôi nói.
Phát triển thương hiệu Quảng
Theo anh Bôi, cô Huệ trong thương hiệu là vợ anh, chị Lê Thị Kim Huệ (quê ở xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ). Năm 2013, anh Bôi đầu tư mạnh về truyền thông thương hiệu, tiên phong bán hàng đặc sản trên Website, Facebook và các sàn thương mại điện tử.
Mỗi tháng, cơ sở "chả bò cô Huệ" sản xuất khoảng 300 - 400kg sản phẩm và chỉ tính riêng tháng Chạp âm lịch hằng năm, cơ sở sản xuất hơn 3 tấn. Ngoài chả bò, anh Bôi còn nghiên cứu và cung cấp ra thị trường các sản phẩm khác như chả ớt xiêm xanh, chả heo, xúc xích, tré...
"Chả bò cô Huệ" được nhiều người tiêu dùng tin cậy, trong đó sản phẩm đã xâm nhập vào thị trường TP.Hồ Chí Minh. Từ một sản phẩm truyền thống ở quê nhà, trong 3 năm liền sản phẩm "chả bò cô Huệ" nằm trong tốp thương hiệu Thực phẩm sạch chất lượng cao (Viet Nam Top Food). Sản phẩm nhiều lần được tham gia trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị, diễn đàn kết nối cung cầu thương mại, đặc sản du lịch... trên địa bàn TP.Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành khác.
Thời gian qua, ông chủ thương hiệu "chả bò cô Huệ" cũng tích cực tham gia các hoạt động đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh; tài trợ đồng hành các giải hội thao đồng hương các huyện, các câu lạc bộ doanh nhân, sinh viên, báo chí... Trong các buổi tiệc trà thân mật của đồng hương xứ Quảng, sản phẩm chả bò của anh Bôi luôn là món khai vị đặc trưng, quen thuộc.
Sản xuất, kinh doanh "ăn nên làm ra" nên anh Trần Văn Bôi luôn hướng về quê nhà, giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn, thường xuyên ủng hộ vào các nguồn quỹ hỗ trợ của các hội đồng hương...