Người con Lê Tự Nhất Thống được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1994 thì đến năm 2018 người cha là Lê Tự Kình được nhận vinh dự này. Đây là gia đình đặc biệt ở thôn Thanh Quýt 2, xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn.
Ông Nguyễn Hữu Lanh và Lê Văn Tư thắp hương bàn thờ gia đình liệt sĩ Lê Tự Kình.Ảnh: H.V |
Chung câu quân hành
Nói đến liệt sĩ Lê Tự Nhất Thống, đồng đội một thời đều tỏ lòng ngưỡng mộ. Cựu chiến binh Lê Văn Tư, người có mặt trong giây phút cuối cùng của thôn đội trưởng Thanh Quýt rưng rưng nhớ lại: “Tối 7.10.1971, tôi cùng anh Thống, chị Sáu Cụng xuống Gò Võ khi nghe tin địch chốt ở đây, không ngờ bị chúng phục. Trước đó, bọn hội đồng xã đã treo giải thưởng lớn cho ai trừ được anh Thống. Anh ấy đi đầu nên bị thương nặng, bò vào một ngôi nhà và hy sinh mà mọi người không ai hay biết. Địch theo vết máu tìm được, bắt dân khiêng thi thể anh xuống phơi ở ngã ba Lò Sụp để thị uy. Sau đó bà con đã bí mật chôn cất và sau này đưa vào Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn”.
Những kỷ niệm về người anh hùng sinh năm 1954 cứ miên man trong nỗi nhớ của đồng đội. Cha bị địch bắt đày ra Côn Đảo, rồi hy sinh ở đó. Mẹ và anh trai cũng ngã xuống trên đường công tác. Lòng căm thù thôi thúc Lê Tự Nhất Thống càng đánh giặc càng hăng. Anh có cách tiếp cận địch rồi lấy vũ khí của chúng khá táo bạo, được bà con trong xã truyền tụng. Có lần quan sát thấy địch vào trong một nhà dân, nhân lúc chúng không đề phòng, anh lấy cả 3 cây súng một lúc. Tên tuổi của Nhất Thống vang khắp xã Điện Thắng. Thiếu nhi tuổi từ 12 đến 16 nghe chuyện về anh Thống rất tâm phục, noi gương anh chiến đấu lập công. Vừa làm Thường vụ Xã đoàn phụ trách công tác thiếu nhi vừa làm thôn đội trưởng du kích, đội trưởng đội công tác Quyết tử, Nhất Thống tổ chức nhiều trận đánh bất ngờ khiến địch trở tay không kịp. Thiếu vũ khí, đội tích cực sử dụng mìn tự chế. Anh Lê Văn Tư kể: “Trận ngày 15.11.1970, anh Thống phân công chúng tôi theo dõi đường hành quân của một tiểu đoàn lính Mỹ, rồi bố trí trận địa mìn, tiêu diệt cả một tiểu đội địch, thu nhiều súng ống. Sau trận này anh Thống được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất”.
Người dân Điện Thắng biết nhiều đến người con trai anh dũng từ thời chiến tranh nhưng chiến công về người cha thì mãi sau ngày giải phóng các thông tin mới được đầy đủ. Ông Lê Tự Kình, cha của Lê Tự Nhất Thống, hoạt động xuyên suốt hai cuộc kháng chiến. Thông thạo tiếng Pháp nên năm 1937 ông được Phủ ủy Điện Bàn giao nhiệm vụ dẫn đầu đoàn đối thoại trực tiếp với tên Khâm sứ Pháp đòi quyền dân chủ, dân sinh. Qua sự kiện này, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Là một trong những đảng viên đầu tiên của xã Điện Thắng, ông đã lãnh đạo phong trào địa phương ngày càng phát triển và lan tỏa các xã lân cận. Ông có công lớn trong chiến thắng Bồ Bồ khi huy động nhân lực vật lực cho trận đánh. Sau năm 1955, ông không tập kết ra Bắc mà ở lại phụ trách Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Nam, sau đó chuyển vào Sài Gòn - Gia Định. Tại đây ông bị địch bắt và giam tại nhà lao Côn Đảo. Trong 7 năm tù đày ông luôn là nòng cốt của các hoạt động đấu tranh. Năm 1964, ông Lê Tự Kình tổ chức tuyệt thực nhằm chống ly khai Đảng, và ông đã hy sinh khi đấu tranh đến ngày thứ 14. Câu nói nổi tiếng của ông lúc bấy giờ: “Tôi hy sinh để các đồng chí giành thắng lợi”, như một lời hiệu triệu với các bạn tù của mình. Địch đã chôn trần ông ở Hàng Dương - Côn Đảo. Tấm gương dũng khí, lẫm liệt của liệt sĩ Lê Tự Kình đã thúc giục đồng chí, đồng đội của mình vững bước theo Đảng.
Khu lưu niệm ở xóm Rừng
Ông Lê Tự Kình có vợ là bà Phan Thị Tảo. Chồng tham gia cách mạng, bị địch bắt tù đày rồi hy sinh, một mình bà Tảo phải nuôi 5 người con. Tham gia làm cán bộ Nông hội xã, bà đã hy sinh trong một chuyến công tác, chỉ thời gian ngắn sau khi chồng tuẫn tiết ở Côn Đảo. Các con của ông bà đều nối gót cha mẹ làm cách mạng. Hai người là liệt sĩ, hai người đã mất sớm. Cô con gái duy nhất từng là biệt động Sài Gòn nay đã già yếu, sống ở miền Nam. Gia đình tan tác, khu nhà với mảnh vườn rộng của một gia đình bề thế không được tu bổ, ngày càng xuống cấp. Sau giải phóng, hợp tác xã Điện Thắng đã làm nhà tình nghĩa tuy nhiên sau 40 năm nhà cũng hư hỏng.
Ông Nguyễn Hữu Lanh - Bí thư Đảng ủy xã Điện Thắng Trung tâm sự: “Từ năm 11 tuổi tôi đã biết và khâm phục tấm gương chiến đấu của anh Nhất Thống. Sau này được biết ngôi nhà ông Lê Tự Kình là cơ sở đảng đầu tiên ở Điện Thắng càng thôi thúc Đảng ủy, chính quyền địa phương phải làm gì đó để góp phần tôn vinh gia đình đặc biệt này, để nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương”. Ông Lanh cho biết, đảng ủy đã quyết định không tu sửa nhà tạm thời mà từng bước quy hoạch tổng thể, sử dụng kinh phí lớn. Bằng sự kêu gọi, huy động của xã, giữa năm 2017, với nguồn kinh phí hơn 1 tỷ đồng từ sự đóng góp của con em quê hương sinh sống trên cả nước, địa phương đã bắt tay vào khởi công xây dựng nhà thờ gia đình ông Lê Tự Kình. Ngày đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nhà nước truy tặng người liệt sĩ cách mạng ở Côn Đảo cũng là ngày khánh thành ngôi nhà.
Nhà lưu niệm của hai người Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và hai Bà mẹ Việt Nam anh hùng (là chị và vợ ông Lê Tự Kình) nằm trong khuôn viên rộng rãi với tường bao vững chắc. Sắp tới trên diện tích hơn 1.200m2 sẽ tiếp tục thiết kế khuôn viên, cây xanh bóng mát, ghế đá và nơi sinh hoạt cho thanh thiếu niên. Chính quyền xã Điện Thắng Trung cũng đang khẩn trương làm hồ sơ đề nghị cấp trên công nhận nơi này là di tích cấp tỉnh. Trường tiểu học cơ sở 2 mang tên anh hùng Lê Tự Nhất Thống cũng đã đưa vào hoạt động bằng kinh phí xã hội hóa. Ngôi trường đẹp bậc nhất trong khu vực với thiết kế hiện đại, tiện ích và khung cảnh nên thơ như một công viên.
HỒNG VÂN