Xin mượn tựa đề của một bộ phim để kể về câu chuyện khác ở Quảng Nam. Đó gia đình của bác sĩ Bùi Kiến Tín, gốc quê lụa Duy Xuyên, gắn với làng Vĩnh Trinh nổi tiếng.
Về ông Bùi Kiến Tín, nhiều tư liệu nhắc lại vị bác sĩ tốt nghiệp y khoa tại Pháp năm 1942, là Bộ trưởng Thông tin trong nội các chính phủ của ông Ngô Đình Diệm một thời gian ngắn rồi từ nhiệm (1954 - 1955), qua Pháp định cư năm 1964. Có thể nhiều người không cần nhớ những chi tiết ấy, nhưng chắc hẳn khó quên một thương hiệu nổi tiếng miền Nam trước năm 1975 là Dầu khuynh diệp của bác sĩ Tín. Theo hồi ức của ông Bùi Kiến Thành, con trai bác sĩ Tín, thì “Năm 1944, tôi 13 tuổi, lúc đó ba tôi – bác sĩ Bùi Kiến Tín, đưa cả gia đình chuyển vào Sài Gòn. Cũng tại đây, ba tôi đã lập ra Viện bào chế đông dược miền Nam và tạo nên thương hiệu “Dầu gió Bác sĩ Tín” mà cả miền Nam thời ấy sử dụng. Sau giải phóng viện được chuyển giao cho Nhà nước quản lý...”.
Bác sĩ Bùi Kiến Tín, chủ Viện Bào chế “Bác sĩ Tín”, đã qua đời. Nhưng ông Bùi Kiến Thành vẫn vẹn nguyên nỗi nhớ về người cha đáng kính: “Cha tôi là người có tinh thần dân tộc rất cao. Ông nghĩ, để nghiên cứu sản xuất Tây dược phải nhập khẩu nguyên liệu ở Pháp với giá cao, rất khó bán cho người nghèo, nên ông chọn con đường sản xuất đông dược...”. Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín cạnh tranh rất mạnh với nhiều sản phẩm cùng loại từ phương Tây và Tàu; và tuy miền Nam trước năm 1975 có khoảng 17 triệu dân, nhưng có năm, riêng sản phẩm của bác sĩ Tín bán ra thị trường hơn 25 triệu chai. Năm 1956, Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín cũng từng treo giải thưởng “mua dầu trúng xe Austin”...
Tiếp nối tinh thần kinh thương để khẳng định lòng tự tôn dân tộc của cha ông, nhưng Bùi Kiến Thành có lối rẽ khác trên con đường lập thân lập nghiệp. Ông từng học ngành kinh tế tài chính tại Đại học Columbia, New York, tốt nghiệp năm 22 tuổi và năm 24 tuổi đã làm đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại New York - là người trẻ tuổi nhất trong hơn 60 đại diện Ngân hàng nhà nước tại Hoa Kỳ từ 1956 đến 1958. Đến năm 27 tuổi, Bùi Kiến Thành làm Chủ tịch, Tổng giám đốc công ty Bảo hiểm quốc tế Mỹ American International Underwriters, Vietnam, Inc.; là Chủ tịch công ty trẻ tuổi nhất trong hệ thống các công ty thành viên của tập đoàn từ 1959 đến 1965. Chỉ trong vài năm sau đó với sự quản lý của ông, công ty này đã vượt lên thành công ty bảo hiểm đứng đầu trong số hơn 30 công ty trong nước và nước ngoài hoạt động tại Sài Gòn. Nhiều năm sau ngày đất nước thống nhất, đến thời đổi mới, Bùi Kiến Thành góp công kêu gọi nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam và tham gia tư vấn chính sách kinh tế cho chính phủ. Năm 2004, Bùi Kiến Thành là một trong Việt kiều tiêu biểu đầu tiên được bầu chọn danh hiệu Vinh danh nước Việt.
Một người con khác của bác sĩ Tín là Bùi Kiến Quốc, lại tìm kiếm thành công ở lĩnh vực khác hẳn cha và anh mình bởi ông Quốc là kiến trúc sư. Bùi Kiến Quốc sang Pháp lúc 6 tuổi, về Sài Gòn học trường J.J.Rousseau đến năm 1961 rồi qua lại Pháp. Khi trở thành kiến trúc sư (tốt nghiệp khoa Kiến trúc, Đại học Mỹ thuật Paris), ông tham gia thiết kế và là tác giả của nhiều đề án kiến trúc sân bay, khu đô thị ở châu Âu. Hơn 40 năm ở nước ngoài, từ giã những kinh đô ánh sáng tráng lệ, kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc đã trở về quê hương để tạo dựng khung cảnh làng sinh thái. Ông muốn giữ bờ sông, giữ đất, giữ làng với triết lý về sự thân thiện, hòa mình vào môi trường thiên nhiên. Làng Triêm Tây bên bờ sông mẹ Thu Bồn, đang xanh lên những ước mơ níu giữ chân người của vị kiến trúc sư tài hoa.
Câu chuyện về một gia đình, về cha và con, tưởng là riêng nhưng mang giá trị chung, là bài học còn có ý nghĩa về khát vọng của người Quảng, người Việt. Đó là làm sao để tạo dựng hình ảnh, thương hiệu với sự khác biệt nhưng tiếp nối được nguồn lực nội sinh từ tri thức văn hóa, truyền thống mà hiện đại, rất tự tôn dân tộc mà rất văn minh cùng nhân loại.
ĐĂNG QUANG