Cha, con và nghệ thuật

SONG ANH 25/01/2015 08:15

Năm 2014, Lê Vấn – Lê Trọng Khang là hai cái tên chừng như được nhắc đến rất nhiều trong giới nhiếp ảnh xứ Quảng cũng như trên cả nước. Những đề tài về sự lam lũ, bình dị, cảnh sắc xứ Quảng… qua góc ảnh của hai cha con, chạm sâu vào tâm thức người xem. Họ tương đắc với nhau trong suy tư…

Cha con Lê Vấn - Lê Trọng Khang.
Cha con Lê Vấn - Lê Trọng Khang.

Lê Vấn – Lê Trọng Khang là những nghệ sĩ nhiếp ảnh chưa đoạt nhiều các tước hiệu của quốc gia, quốc tế. Khi chọn hai nhân vật này trong hàng trăm những nghệ sĩ, văn nhân khác của xứ Quảng, chúng tôi đã đắn đo nhiều. Nhưng quả thực, niềm say mê, sôi nổi và nhiệt huyết của tuổi trẻ như Khang và nghị lực đến tận cùng như Lê Vấn buộc chúng tôi phải viết gì đó về hai con người này. Với họ, nghệ thuật được dựng nên bởi niềm tin và những trải nghiệm của cuộc đời.

Cha

Hơn nửa cuộc đời, Lê Vấn chọn bạn đồng hành là máy ảnh. Hơn ba năm trở lại đây, ông xếp cho riêng mình những chuyến đi lặng lẽ. Một mình. Vợ ông, dù có càm ràm bao nhiêu, vẫn biết mình, “chỉ xếp thứ 2”. Từ nghề ảnh này, có một chàng trai Lê Vấn mồ côi cha, mượn tiệm ảnh để làm chốn dung thân những năm 1967-1968, và bây giờ là một người đàn ông đã bước qua tuổi thất thập, đủ đầy cơ ngơi. Tóc đã lơ phơ phần bạc nhiều hơn. Mắt cũng đã nheo nheo ngó nắng từ mấy độ gần đây. Trong đáy mắt ấy, bao mùa nhọc nhằn, chừng vẫn chưa thể cạn đam mê. “Mồ côi cha từ nhỏ, nhà lại khó khăn, phải tự bươn chải. Mình nhớ mãi ngày đầu tiên tìm đến một tiệm ảnh ở Cẩm Lệ, với cái ý nghĩ làm một chân chạy vặt kiếm ăn. Riết rồi mê máy, mê ảnh” - Lê Vấn nói. Chỉ vài câu tóm gọn cả cuộc đời, cả đam mê của mình. Trong đời sống cũng như trong nghệ thuật, Lê Vấn không bao giờ diễn giải dài dòng. Ông dành phần lớn cho im lặng, với những dấu trầm ứ mọng thông điệp, bằng ảnh.

Những câu chuyện thuở hàn vi, vẫn cứ như riết róng mãi trong mắt ảnh của Lê Vấn. Nên nhìn ảnh nghệ thuật của ông, vẫn luôn có niềm xúc động riêng. Từ nụ cười đến đôi mắt nhân vật trong ảnh, từ cái xao động của chiếc lá vàng giăng mắc cả mùa đông, từ con đường đê thuở nào chăn trâu cắt cỏ… Ảnh của ông, như đang “tái hiện” những cơn cớ của mấy mươi năm trước. Một cậu bé bụi đời, hay được đời dạy dỗ từ những bất trắc, vin vào niềm tin và những tình thương để tồn tại, thì sẽ nhìn lại cuộc đời bằng “con mắt thương”. Lê Vấn nói, ông tin lắm vào những điều giản dị, tin cái đẹp rồi sẽ ứa ra từ những thứ quanh mình, gần mình. Nên chọn cách đi với ảnh bằng những điều thường nhật, chỉ một mình trong lối đi ấy, Lê Vấn nói, mình vẫn bằng an.

Chụp ảnh cho người để nuôi niềm yêu ảnh, tiệm ảnh Lê Vấn – chuyên chụp hình cưới cho khách, đã nổi tiếng từ những thập niên 90 của thế kỷ XX. Hình dịch vụ, nhưng vẫn chọn góc ảnh từ cái tâm của người cầm máy. “Thời còn máy cơ, chụp phim, mình không biết đã bỏ bao nhiêu cuộn chỉ với một cặp đôi. Phải bắt lấy khoảnh khắc hạnh phúc nhất của họ” - Lê Vấn cười mà đuôi mắt đã nheo gần hết. Ông nói họ phải tin mình mới tìm đến mình, cuộc đời chỉ một lần dắt tay nhau đến tiệm ảnh cưới trong niềm hạnh phúc sơ nguyên, vậy sao không giữ lại khoảnh khắc đó cho họ. “Mình có mất gì đâu”, lời ông vọng lại trong tôi. Từ tiệm ảnh cưới ở thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) ngay quốc lộ 1, những lao xao của cơm áo thường nhật, vẫn không vùi lấp đi một Lê Vấn – đầy xúc cảm trong ảnh nghệ thuật. Vẫn dong ruổi, những ngày vắng khách. Cứ nghĩ “đường chiều lẻ bóng”, chỉ mình ông đơn độc trong lối nghệ thuật này. Nhưng Khang, như một hạnh ngộ mà những gian khó cuộc đời ban tặng, để cùng ông song hành như một bộ đôi nghệ thuật.

Và con…

Khang còn quá trẻ để lý giải chữ “an nhiên” trong ảnh của cha, nhưng như một đồng cảm từ tinh huyết được mang, Khang đủ hiểu những xúc động đặt để trong mỗi bức hình của cha. Lê Trọng Khang vẫn chọn sự lặng lẽ, như cha mình. Lặng lẽ làm việc, lặng lẽ đam mê. Nhưng trong cái yên ấy, lại thấy được sự sôi nổi của tuổi trẻ, như tuổi của Khang. Ba mươi, với nhiếp ảnh đã chững. Nhưng khi mang ra đo đếm với cuộc đời ảnh của cha, thì còn quá trẻ. Cái chỉn chu, đạo mạo trong cách sắp xếp bố cục, trong cách chọn góc ảnh của ba Vấn, cộng thêm cái tươi mới của góc nhìn trẻ như Khang, khiến những chuyến đi của hai cha con, lúc nào cũng bội thu. Đó là những giải thưởng từ các cuộc thi trong nước hay trong giới nhiếp ảnh của miền Trung, của tỉnh. Dự phần ở những chốn này, vẫn là Khang chủ yếu. Và người ta nhắc đến tên Khang, không phải như cái bóng của Lê Vấn. Lê Trọng Khang, dù được truyền ngọn lửa thương quý nhiếp ảnh từ cha, thừa hưởng cái gen nghệ thuật từ cha, nhưng bản sắc ảnh của anh, vẫn riêng.

“Lụa” của Lê Vấn.
“Lụa” của Lê Vấn.

Tung tẩy cùng cảm xúc, với những gam màu tươi vui, Khang định hình cho ảnh của mình bằng sự đa thanh, đa sắc. Nếu ba Vấn là một giếng khơi dạt dào cảm xúc, thì Khang tung hoành điệu nghệ với mọi khoảnh khắc. Có thể lạm dụng một ít kỹ xảo trong giới hạn cho phép, để làm ảnh của mình sinh động hơn. Có thể là một góc ảnh khác người một chút, nhưng đủ để khắc họa lên cái mà anh muốn nói. Ảnh Khang giàu khí chất đồng quê nhưng cũng hơi nhuốm màu thành thị, để không phải tụt lại với bạn đồng niên. Khang nói, vì mình sinh ra ở quê, lớn lên từ ruộng đồng cùng mẹ và theo chân cha những lần về nơi xa xôi chụp ảnh, nên cái kiểu “cứ nhìn thấy làng mạc, ruộng đồng, là lăn vào chụp”. Nhưng bóng dáng của một thành thị, như kiểu Hội An, là vẻ đẹp khó cưỡng với bất kỳ nhiếp ảnh gia nào. Khang cũng vậy. Cái cách anh và cha “phục” mấy ngày liền cho một khuôn hình ở phố cổ, để tải cho được cái “động trong tĩnh” – thứ làm nên đô thị Hội An, khiến nhiều người nể trọng vì sự kiên trì của họ.
Khang chỉ mới theo ảnh khoảng 3 năm nay. Trước đó, anh vẫn lông bông giữa bao nhiêu ngả đường. Lê Vấn có ba người con, thì hai anh chị của Khang đã theo những ngành khoa học kỹ thuật. Khang cũng đã dạm chân vào con đường của anh chị mình, khi tốt nghiệp ngành dược bậc cao đẳng. Nhưng có thể, sự phải lòng với ảnh của chàng trai này, xuất phát đầu tiên từ tình yêu thương với người cha. Cả hai cha con, đều mê những chặng đường đi, những khuôn hình giản dị ghi nhặt trên đường. Họ tương đắc về suy tư, về cái tâm thái đã chọn khi cầm máy ảnh, đó là tôn vinh giá trị con người. Mà đã là người, thì nên quý nhau, dẫu chỉ là khoảnh khắc. Nghĩ vậy, nên Khang đi cùng người cha Lê Vấn, với nghiệp ảnh.

Cả hai cha con vẫn vừa mưu sinh vừa nuôi thú đam mê với ảnh. Đôi ba tháng lại lên đường. Đường chiều hắt bóng mùa sang, cha và con kể nhau nghe những câu chuyện dài bằng cả cuộc đời, khi “tuổi tên đâu chỉ để mất hay còn”…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cha, con và nghệ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO