"Cha già rồi đúng không?"

HẠNH NGUYÊN TRANG 22/04/2017 08:52

“Cha già rồi đúng không? Mắt kém, tay chân thì run. Cha già rồi đúng không? Sao cứ nói lung tung chuyện cũ. Cả cuộc đời với cha, chỉ sống để yêu một người là mẹ của các con thôi. Có lẽ cuộc đời còn có bao nhiêu lần mười năm nữa…”. Bài hát thân quen bất chợt vang lên trong quán cà phê mà tôi vẫn hay ngồi làm việc mỗi ngày khiến tôi khựng lại vài phút. Tôi nghĩ về cha mình, mà thường ngày tôi vẫn hay gọi là “ba” theo cách gọi của người miền Trung.

Tôi sống và làm việc ở TP.Hội An nên tôi luôn thấy “nghẹn” khi nghe ba hỏi: “Tuần này con về không?”. Cứ đều đặn ngày thứ sáu hằng tuần tôi đều nhận được cuộc gọi lúc thì của ba, lúc thì của mẹ như một thói quen. Nhưng những cuộc vui chơi với bạn bè, những cái hẹn, deadline công việc… khiến tôi lười về nhà. Hơn 35km đường không phải là khoảng cách quá lớn nhưng cũng đủ để tôi băn khoăn, suy nghĩ về việc về hay ở lại. Đã có lúc tôi gần như vô tâm, hờ hững trước sự nhớ mong, ngóng trông của ba mẹ mình. Tôi cũng chẳng thể nhớ nỗi đã bao lâu rồi tôi chưa có một cuộc trò chuyện “thân mật” đúng nghĩa với ba. Và tôi cũng đã quên lâu rồi mình đã từng nhăn nhó như thế nào khi phải ngồi nghe ba kể về thời thơ ấu, về câu chuyện miếng ăn cái mặc nghèo khó ngày xưa, cả tuổi thơ lận đận của ba khi còn ở quê nhà...

Chẳng biết từ bao giờ tôi vừa thích lại vừa chẳng thích những bữa cơm gia đình cuối tuần. Tôi yêu những món ăn mẹ nấu cho cả nhà - nó chẳng khô khan như những hộp cơm ngoài hàng quán mà tôi vẫn ăn hàng ngày. Tôi yêu gian bếp nhỏ vừa đủ cho cả nhà quây quần bên nhau, nhất là khi trời lạnh. Tuy nhiên, tôi lại  “khó chịu” với những câu hỏi về công việc, về các mối quan hệ bên ngoài của ba. Trong mỗi bữa cơm, ba vẫn thường hay căn dặn tôi “Ra ngoài con phải nên thế này… Con không nên thế kia…” khiến tôi có chút gì đó không thoải mái. Có lẽ suy nghĩ của một đứa con đang trưởng thành có phần khác biệt, thậm chí là mâu thuẫn so với một ông bố có chút “cổ hủ”, “lạc hậu”… Dẫu tôi biết rằng những điều ba nói đều là vì muốn tốt cho tôi, nhưng nó lại nới rộng khoảng cách hai thế hệ: tôi và ba.

Thật ra, ba tôi dù có “khó tính” với tôi bao nhiêu vẫn rất thương yêu tôi một cách vô điều kiện. Cứ mỗi khi trở trời, tôi chỉ mới ho khan vài tiếng là ba đã vội vàng nhắc nhở tôi mặc ấm vào, nhớ ăn uống đầy đủ kẻo đau ốm ở xa chẳng ai chăm sóc. Hay những khi tôi về nhà đến lúc phải đi, dù  4 giờ hay 5 giờ sáng ba vẫn dậy để sắp xếp đồ đạc, buộc gọn gàng lên xe giúp tôi, bởi ba sợ đường xa nhỡ nhiều đồ đạc cồng kềnh đổ xuống chẳng có ai phụ giúp… Ba tôi tuy thô ráp và hơi “gia trưởng” nhưng thật ra cũng ấm áp lắm, giàu tình cảm lắm, chỉ là ba không thường xuyên thể hiện điều ấy ra với tôi. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng có những thứ dù che giấu thế nào đi nữa cũng rất dễ dàng để người đối diện biết được, có chăng là người ta có đủ quan tâm để nhìn ra hay không mà thôi…

“60 năm cuộc đời”, ba tôi đã đi gần hết đoạn đường ấy nên có lẽ dông tố sóng gió cũng chẳng thể nào đánh gục được ông nữa rồi. Ba tôi có phần gai góc trong mắt những người xung quanh song tôi biết ông là người “yếu đuối” với chị em tôi. Khi nghĩ về ba, cảm xúc trong tôi khó tả lắm. Nó không dịu dàng, nhẹ nhàng như khi nhắc về mẹ, lại chẳng phải là sự lo sợ, hồi hộp trước một người cha nghiêm khắc. Mà đó là sự khắc khoải, nỗi lo lắng khi những cái “10 năm” sẽ chẳng còn lại bao nhiêu! “Cha già rồi đúng không?/ Con xin lỗi cha, con thật vô tâm/ Cả cuộc đời của cha/ Chỉ sống với những ước mơ ngày thơ tự vẽ nơi tim/ Có lẽ, cuộc đời còn có bao nhiều lần 10 năm nữa…”.

_________________
 (*) “Cha già rồi đúng không?” là tên một bài hát của nhạc sĩ/ca sĩ Phạm Hồng Phước.

HẠNH NGUYÊN TRANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Cha già rồi đúng không?"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO