Chà Vàl đón đợi

Ghi chép của: PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC 25/01/2015 06:10

Nằm ở ngã tư đường, nơi mà từ đó có thể rẽ về 7 xã còn lại ở vùng biên Nam Giang, Chà Vàl như một ngôi nhà làng đón đợi bước chân người về. Là những người bản địa, là người miền xuôi nuôi giấc mộng đổi đời với các bãi vàng quanh vùng, hay kể cả những người bạn Lào từ bên kia biên giới, Chà Vàl như một “phố núi” đủ đầy cho những kiếm tìm của họ.

Một góc trung tâm Chà Vàl. Ảnh: Alăng Ngước
Một góc trung tâm Chà Vàl. Ảnh: Alăng Ngước

1. Suốt một dãy hàng quán dài nằm ngay ngã tư Chà Vàl, đâu đâu cũng thấy một màu xám bụi. Cuối đông, trời đã sáng nhưng nhiệt độ bên ngoài chỉ chừng 12OC. Bên kia góc đường, những chiếc xe chở thực phẩm từ Đà Nẵng lên đã bắt đầu dọn hàng. Cách trung tâm Đà Nẵng chừng 200 cây số, hành trình của những chiếc xe chở hàng này bắt đầu từ lúc nửa đêm. Những “siêu thị” di động, không thiếu thứ gì từ thịt, cá, rau, củ tươi đến vịt, gà sống. Chị Tiên, một thương lái cho biết, nghề ngược nguồn bán thực phẩm đã xuất hiện tại Chà Vàl nhiều năm. Đến nay, đã có hẳn một đội ngũ xe chở hàng phục vụ bất cứ thời điểm nào trong ngày. Khách có thể là những người dân bản địa, học sinh, nhưng nhiều nhất vẫn là các đội làm vàng lấy hàng với số lượng lớn. “Họ đặt mua từ ngày hôm trước, cứ theo yêu cầu qua điện thoại là chúng tôi chở hàng lên. Có khi, cả tháng mới thanh toán một lần” - chị Tiên nói. Chà Vàl là điểm dừng chân cuối cùng của những chuyến xe, bởi dọc đường hầu như đều có các mối hàng quen. Nhưng đây cũng là điểm đông nhất, khi có thể rẽ về các bản làng ở vùng biên này.

Chúng tôi gặp chị Mai Thị Tuyết Ánh, chủ một hàng ăn nằm ngay ngã tư Chà Vàl. Chị Ánh kể: “Đây như là một chốn đô hội đối với người bản địa. Cứ tới dịp lễ tết, hoặc mỗi khi có mùa lâm sản, dân đổ xô về mua bán. Có người lặn lội đi bộ cả ngày đường để đến Chà Vàl mua hàng hóa đem về. Thi thoảng, vì quá khan hiếm hàng, còn phải giành nhau mua thực phẩm, nhất là mùa mưa”. Những người làng Côn Zốt (xã Chơ Chun), giáp biên giới Lào từng kể với chúng tôi về những lần cả làng gùi theo nông sản, cơm đùm cơm nắm xuống tận Chà Vàl để chỉ đổi lấy một chiếc tua-bin điện mang về. Ngay cả bây giờ, những đứa trẻ được xuống Chà Vàl học đã là một niềm tự hào đối với họ. Hàng ăn của chị Ánh không hiếm lần đón các đoàn người vùng biên lũ lượt mang theo đặc sản của rừng xuống đổi.

Có cả khu chợ bày bán thực phẩm, gia cầm sống bên các hàng quán ven đường.  Ảnh: Alăng Ngước
Có cả khu chợ bày bán thực phẩm, gia cầm sống bên các hàng quán ven đường. Ảnh: Alăng Ngước

Ở Chà Vàl, người ta có thể kiếm tìm mọi thứ từ tivi, đầu máy, đến quần áo, thực phẩm. Chỉ trên đoạn đường chưa đầy một cây số, đã có đến cả trăm quán xá kinh doanh đủ loại. Tiếng nhạc xập xình khắp các quán cà phê. Chà Vàl cũng là nơi có nhiều hàng ăn nhất ở vùng biên mở cửa đến tối mịt. Không như những nơi khác ở vùng cao mà chúng tôi đã từng đặt chân đến, Chà Vàl nhộn nhịp bởi những đám đông chen kín khắp hàng quán. Có hẳn vài nhà nghỉ đã mọc lên, phục vụ cho khách lưu trú. Bh’nướch Thành, chủ nhà nghỉ Thanh Thư nói với chúng tôi rằng, mùa cao điểm khách đặt phòng cả tháng trời, không đủ phục vụ. Chúng tôi gặp Sool cùng vài người bạn đi xe máy từ bản Đắc Tà Oọc Nhày (huyện Đắc Chưng, Sê Kông, Lào) tại nhà nghỉ. Sool là người Lào cùng anh em qua Chà Vàl thăm bà con. Cất vội những chiếc ba lô dính đầy bùn đất, Sool quay trở ra tìm chỗ đổi tiền kíp Lào sang tiền Việt. Thấy vẻ ngạc nhiên của chúng tôi, Bh’nướch Thành cười: “Ở đây, lâu lâu lại có người Lào qua ở. Phía mình sang bên họ buôn bán cũng nhiều”.

2. Một chiếc xe khách đỗ xịch lại. Hơn chục hành khách lỉnh kỉnh ba lô bước xuống xe. Ngày nào cũng có gần chục chuyến xe khách như thế đến và đi tại Chà Vàl. Nhu cầu đi lại ngày càng nhiều nên chuyến xe nào cũng chật ních khách. Ai cũng chọn cho mình một chốn nghỉ chân ở đâu đó. Nhất là với người trở về. Về nhà là về với công việc, với nương rẫy nên vài phút nán lại nơi ngã tư hoặc một ly cà phê trong quán là khoảng nghỉ ngơi hiếm hoi của họ. Thành ra, ngã tư nhỏ bé này luôn ồn ào những bước chân. Chủ tịch UBND xã Chà Vàl Thái Đình Bè nói, cả xã chỉ có khoảng 2 nghìn nhân khẩu, nhưng quanh ngã tư đã xấp xỉ gần một nửa trong số đó. Một phần vì mua bán sầm uất, phần nửa là vì các trường đều tập trung quanh khu vực này. Hầu hết học sinh hai xã Zuôih - Chà Vàl đều theo học tại đây. Thầy giáo Bh’nướch Acốc giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú liên xã Zuôih - Chà Vàl nói đùa rằng, đây là “kinh đô giáo dục” của 8 xã vùng cao. Thế mới biết, sức hút của Chà Vàl trong tâm tưởng biết bao người dân miền núi.

Tranh ảnh được bày bán tại Chà Vàl ngày cuối năm. Ảnh: Alăng Ngước
Tranh ảnh được bày bán tại Chà Vàl ngày cuối năm. Ảnh: Alăng Ngước

Lang thang các hàng quán, tình cờ chúng tôi lạc chân vào cửa hàng quần áo của chị Bh’nướch Thị Viêm. Cửa hàng đầu tiên của người bản địa ở Chà Vàl. Thích nghi với sự nhộn nhịp mua bán của các cửa hàng ở đây, chị Viêm cùng chồng tự tìm hiểu nguồn hàng, đặt mối, thuê xe vận chuyển hàng hóa lên, bán cho khách. Thú vị nhất là cửa hàng của chị Viêm bày bán cả các tấm thổ cẩm của người dân địa phương, và còn xuất bán cho các bạn hàng bên Lào. Dù mới mở cửa được hơn một năm nay, nhưng chị chủ tiệm dành được nhiều tình cảm của người dân vì là người bản địa. “Lợi thế của mình là có thể giao tiếp bằng tiếng địa phương. Hàng hóa cũng thường xuyên được thay đổi, đáp ứng với yêu cầu của khách, nhất là với lứa tuổi thanh niên” - chị Viêm chia sẻ. Cũng từ khi chị mở tiệm, các cửa hàng chuyên bán quần áo cũng bắt đầu mọc lên ở Chà Vàl. Người bản địa đã không còn đứng ngoài cuộc “làm ăn” bấy lâu nay chỉ dành cho dân tứ xứ kéo đến. Hàng quán cứ dài dần ra, quanh ngã tư nhỏ ở vùng giáp biên này, sôi động không kém một thị tứ ở đồng bằng.

Chà Vàl như một “phố thị” đối với người dân bản địa. Ảnh: Thành Công
Chà Vàl như một “phố thị” đối với người dân bản địa. Ảnh: Thành Công

Đêm xuống khá nhanh. Sương mù giăng lạnh buốt. Ánh đèn từ các cửa hiệu sáng rực cả một góc đường dài. Những đám đông vẫn say sưa với cuộc chuyện trò bên trong các hàng ăn, quán cà phê. Chà Vàl như người ngủ muộn, rầm rì câu chuyện trong sương đêm. Chúng tôi còn thấy các amế (mẹ), ađhi (em) gùi những gùi hàng hóa đi khuất dần về phía cuối con đường tối. Không nghe thấy nổi một âm thanh nào đó của rừng, dù quanh ngã tư nhỏ bé này là trập trùng đồi núi. Trong đoàn người, một em bé còn mặc nguyên đồng phục học sinh, níu tay người mẹ trẻ lưng đeo gùi, lặng lẽ trở về. Những cái bóng nhỏ liêu xiêu nhòa dần dưới sương…

Ghi chép của: PHƯƠNG GIANG - ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chà Vàl đón đợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO