Chắc chi!

PHAN VĂN MINH 07/01/2017 10:39

“Sao đến giờ này mà chưa thấy hắn tới nhỉ?” - “Chắc lại sa đà ở đâu đó rồi!”. Câu trả lời này phải được hiểu là có thể hắn đang ngồi sa đà ở đâu đó, hoặc bận việc, kẹt xe, lười biếng…, hoặc một lý do khác nào đó, chứ không phải là điều được xác tín 100% theo kiểu “chắc như cua gạch” hay “chắc như đinh đóng cột”. Như vậy, “chắc” nhưng lại… “không chắc”, cũng giống như người Nam bộ thích đùa thường tuyên bố “hàng hai” rằng: “nói dzậy mà… không phải dzậy nghen!”.

Tranh biếm họa. Nguồn: Internet
Tranh biếm họa. Nguồn: Internet

Xin “cà kê” thêm vài dòng liên quan đến chuyện này. Tiếng Việt mình có nhiều trường hợp trái khoáy giữa cách nói và cách hiểu như thế: Áo rét là áo ấm, đánh bại cũng như đánh thắng, đàn đáy nhưng lại là đàn không đáy (vô để cầm)... Lạ thật! Giả dụ có một người nước ngoài học Việt văn lên tới… tiến sĩ thì cũng chưa chắc đã thông hết những “ngóc ngách” của loại ngôn ngữ này. Vậy mà người bình dân bản xứ chúng ta chẳng mấy ai nhầm lẫn.

Trở lại chuyện “chắc”. Hồi nhỏ tôi từng được nghe lóm câu chuyện “Ăn cháo cá tràu” mà người lớn kể với nhau bên mâm rượu. Chuyện rằng, có ông nọ tát ao bắt được con cá tràu to. Ông bảo con gái đem vào thả trong ảng nước. Cô gái làu bàu: “Thả đây chớ chắc chi được ăn! Đêm ni mà trời mưa đầy ảng thì hắn nhảy ra ngoài”. Ông nọ tức mình bắt cá ra chặt đầu đánh vảy, bảo con gái nấu cháo ngay. Cô con gái cười khẩy: “Nấu thì nấu chớ chắc chi được ăn. Rủi mà ông táo sụp xuống, nồi cháo đổ ra thì chó mèo tha mất”. Ông nọ gắt lên: “Để tau!”, rồi bỏ cả công việc vào ngồi canh bếp, đề phòng ông táo sụp. Đến khi cô gái bưng mâm cháo cá dọn lên phản, cô vẫn còn cười khúc khích: “Ri chớ cũng chưa chắc đã được ăn. Có khi...”. Ông nọ đang cầm đũa chưa kịp gắp cá, nghe vậy liền nổi giận quát ầm lên: “Cá đã lên mâm mà còn chắc với không chắc cái... mả cha mi hả”. Miệng chửi, tay quơ, chân ông đạp cái mâm một phát bay ra tận ngoài sân. Con chó ngao nằm gần đó liền không bỏ lỡ cơ hội hiếm có, ngoạm con cá tràu chạy biến. Ông nọ nhìn theo, ngớ người ra mà than: “Đúng là không có chi chắc hết bay ơi!”.

Câu chuyện trên có lẽ là một ngụ ngôn minh họa cho niềm tin vào số mệnh, kiểu như quan niệm “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” mà người mình thường an ủi nhau mỗi khi thất bại. Con người vì muốn tồn tại và vượt trội nên phần lớn cuộc đời đều dành cho “mưu sự”, từ chuyện học hành đến chuyện tham gia guồng máy chính trị, kinh tế, xã hội; từ việc gieo hạt giống trên đồng cho tới chương trình thám hiểm không gian. Nhưng trong tất cả quá trình tạo tác đó không phải lúc nào chúng ta  cũng “thành sự”. Một trong các nguyên nhân dẫn đến thất bại là vì tác động từ bên ngoài, tức tại “trời”. Không phải ngẫu nhiên mà khi khởi sự một công việc nào đó, người xưa thường tính đến ba điều kiện: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, nghĩa là trong đó có tới hai tiêu chí thuộc về khách quan. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long bị mất trắng cả hàng trăm ngàn héc-ta hoa màu vì hạn mặn quá sớm. Trận động đất 8,9 độ Richter kéo theo những đợt sóng thần cao 15 - 40m ở Nhật Bản năm 2011 đã làm cho 4 nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima phát nổ, gây nên thảm họa hạt nhân kinh hoàng nhất kể từ sau vụ Chernobyl ở Ucraina năm 1986. Rõ ràng loài người tưởng chừng đã văn minh lắm rồi nhưng đất trời vẫn còn tiềm ẩn nhiều tai họa, trăm năm sau chắc chi đã biết hết.

Nhưng còn tác động của “nhân hòa” thì sao? “Nhân hòa” ở đây có thể hiểu rộng ra là tâm và trí của con người, kể cả khách thể và chủ thể trong mỗi hoạt động. Nhiều sản phẩm hàng tiêu dùng được quảng cáo rầm rộ là “chất lượng đẳng cấp”, “giảm giá cực sốc”… nhưng dùng rồi mới hay là hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Bị lừa nhiều lần nên có người khi nghe quảng cáo thường lắc đầu nghi ngại “chắc chi!”. Trong lĩnh vực truyền thông, chuyện “chắc chi” ngày càng bộc lộ rõ nhất. Đến sát ngày bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua, hầu hết tờ báo lớn đều cho rằng bà Hillary cầm chắc cơ hội thắng cử, thậm chí tờ Huffington Post đưa ra tỷ lệ dự đoán cao ngất ngưởng: 98,3%, trong khi ông Donald Trump chỉ có 1,4%. Kết quả thực sự thế nào thì ta đã biết. Rõ ràng không chắc.

Vậy việc chi trên đời thì “chắc”? Tiền tài, danh vọng từ xưa đã bị cho là phù du. Các thành tựu khoa học ư? Cũng chưa chắc! Trong lịch sử, khoa học đã có khá nhiều trường hợp… nói lộn xin nói lại. Trước đây, học trò lớp 6 vẫn được dạy rằng mặt trời có 9 hành tinh quay quanh nhưng đến năm 2006 thì các nhà thiên văn lại bảo chỉ có 8, loại sao Diêm vương (Pluto) ra khỏi danh sách. Còn môn vật lý từ xa xưa vốn khẳng định vật chất chỉ có 3 trạng thái là rắn, lỏng và khí, sau đó bổ sung thêm dạng thứ 4 là plasma, nhưng đến nay thì các nhà khoa học lại bảo có… cả chục dạng, chẳng hạn như tinh thể lỏng, chất siêu rắn, siêu dẫn… Đành rằng sự hiểu biết của con người ngày càng “chắc” với những tiến bộ khoa học, nhưng vẫn còn đó bao nhiêu sự “bất khả tri”, nên nhiều khi, chỉ có cái sự… “chưa chắc” là “chắc” nhất!

Trước Tết năm nay, trung ương vừa có chỉ thị cấm thăm viếng, tặng quà cấp trên dưới mọi hình thức. Trước đây cũng đã từng có một chỉ thị như thế rồi, nhưng hình như lâu ngày người ta… quên. Mong rằng chỉ thị lần này sẽ được cả nước “răm rắp” thực hiện và giám sát thật chặt chẽ để không ai còn lè lưỡi “chắc chi!”.

PHAN VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chắc chi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO