Chậm cấp bìa đỏ đối với đất lâm nghiệp: Nhiều vướng mắc, bất cập

TRẦN HỮU 08/03/2019 10:05

Chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) lâm nghiệp là thực tế phổ biến ở miền núi. Điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho nhân dân trong phát triển kinh tế thời gian qua.

Chậm cấp bìa đỏ

Ông Lê Đình Tựu (trú thôn Phú Mỹ, xã Thăng Phước, Hiệp Đức) nhiều năm nay vẫn chưa được cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp, dù năm lần bảy lượt làm thủ tục hồ sơ về đất đai. Theo ông Tựu, địa phương tạo điều kiện cho gia đình ông vay vốn ưu đãi ngân hàng để trồng rừng, nhưng khi keo đến tuổi khai thác thì bị làm khó, vì chính quyền yêu cầu phải chứng minh được rừng trồng trên đất có nguồn gốc rõ ràng. Tính đến tháng 6.2018, trên địa bàn xã Thăng Phước còn 49 hộ dân khai hoang hơn 130ha đất lâm nghiệp chưa được cấp bìa đỏ. Theo người dân, vì đất rừng chưa được cấp bìa đỏ nên rất khó tiếp cận ngân hàng để vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Không ít địa phương miền núi nhiều năm không thực hiện cấp bìa đỏ cho hộ gia đình, cá nhân. Ông Nguyễn Chí Sâm - Chủ tịch UBND xã Phước Xuân (Phước Sơn) thông tin, trên địa bàn xã chỉ có 107 hộ được cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp từ năm 2011 về trước và 7 năm nay hầu như không có một trường hợp nào của xã được cấp giấy trên mảnh đất rừng mình quản lý, sử dụng. Tương tự, tại huyện vùng cao Đông Giang, năm 2017 đến nay, chỉ có các xã A Rooih, Ma Cooih và thị trấn P´rao được cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp. Theo UBND huyện Đông Giang, riêng xã A Rooih và thị trấn P´rao, địa phương cấp được 2.321 bìa đỏ lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 và đang họp xét 1.059 hồ sơ tại xã Ma Cooih với diện tích đo đạc chỉnh lý hơn 1.212ha. Chủ tịch UBND huyện Đông Giang Đinh Văn Hươm cho rằng, sở dĩ các xã còn lại chưa tiến hành đo đạc, chỉnh lý và đăng ký, cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp vì thiếu kinh phí, cần ít nhất 17 tỷ đồng.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, qua giám sát quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp ở các huyện miền núi, nổi lên tình trạng một số địa phương còn nhiều bìa đỏ đã ký từ những năm 2008 - 2011, nhưng chưa được cấp cho người dân. Thời gian đó đến nay có nhiều biến động nhưng không được địa phương chỉnh lý nên khi rà soát lại có sự sai sót về tên chủ sử dụng, vị trí và ranh giới sử dụng đất.

Lúng túng và vướng mắc

Theo báo cáo của TAND tỉnh, từ năm 2011 đến nay tòa án 2 cấp thuộc tỉnh đã xét xử hủy 55 bìa đỏ đất lâm nghiệp. Trong số 59 vụ án hành chính, dân sự cấp tỉnh thụ lý đã chấp nhận hủy 33 bìa đỏ đất lâm nghiệp. Nhiều trường hợp huyện cấp bìa trắng để thực hiện dự án PAM từ năm 1993 trở về trước, sau đó cấp lại bìa đỏ cho người khác sử dụng đất nhưng không thu hồi giấy đã cấp trước đó nên đã xảy ra tranh chấp.

Theo các huyện miền núi, ngoài khó khăn chủ yếu do thiếu kinh phí cho đo đạc, còn gặp trở ngại về tính pháp lý khi đăng ký, kê khai lập hồ sơ địa chính đất lâm nghiệp. Ở một số địa phương ranh giới giữa thực tế quản lý và trong hồ sơ không thống nhất với nhau; quy hoạch 3 loại rừng còn bất cập. Tại 9 huyện miền núi, trong tổng số hơn 81.226ha đất lâm nghiệp do hộ gia đình, cá nhân quản lý sử dụng đã cấp được 52.909ha, đạt tỷ lệ 65,1% (đã bao gồm diện tích được cấp theo dự án 1/10.000). Đây là cơ sở để người dân hưởng chính sách về bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, với tỷ lệ sai sót lớn trong bìa đỏ đất lâm nghiệp đã cấp thì dễ phát sinh tranh chấp giữa các hộ khi thực hiện chi trả theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP. Điều này lý giải vì sao các địa phương triển khai rề rà cơ chế hưởng lợi của Nghị định 75/2015/NĐ-CP.

Theo quy hoạch 3 loại rừng (Quyết định 120/QĐ-UBND ngày 11.1.2017 của UBND tỉnh), toàn tỉnh có 14.646,4ha chuyển từ đất rừng phòng hộ sang đất rừng sản xuất và 10.566ha đất rừng sản xuất chuyển sang đất rừng phòng hộ, phải lập thủ tục chuyển đổi theo quy định để có cơ sở giao cho dân. Theo tính toán, để thực hiện việc chuyển đổi này cần khoảng 14,5 tỷ đồng phục vụ việc đo đạc, cấp giấy. Cạnh đó, theo Luật Đất đai 2013, UBND tỉnh phải ban hành quy định về hạn mức đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân để làm cơ sở cấp bìa đỏ, tuy nhiên đến nay UBND tỉnh vẫn chưa ban hành quy định theo thẩm quyền. Theo Sở Tài nguyên & môi trường, vướng mắc chủ yếu là giữa quản lý, sử dụng đất của người dân trên thực tế với hồ sơ quản lý của cơ quan nhà nước chưa thống nhất, gây khó cho việc thẩm định cấp bìa đỏ.


(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chậm cấp bìa đỏ đối với đất lâm nghiệp: Nhiều vướng mắc, bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO